Công ước Vienna có hiệu lực tại Việt Nam từ đầu năm 2017

09/12/2016, 11:23

TCDN - Công ước Vienna năm 1980 về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của Liên Hợp Quốc (CISG) sẽ chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 1/1/2017.

CISG là văn bản hài hòa hóa pháp luật nhằm thống nhất các quy phạm được áp dụng để điều chỉnh các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, dù các bên của hợp đồng ở quốc gia nào. Cho đến thời điểm hiện tại, CISG là một trong các điều ước quốc tế thành công nhất trong lĩnh vực thương mại quốc tế, được phổ biến và áp dụng rộng rãi nhất, với 85 quốc gia thành viên trên thế giới. Hiện nay, hầu hết các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều là thành viên của Công ước này.

Với định hướng kinh tế nhấn mạnh vào xuất khẩu, hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam hiện diễn ra khá nhộn nhịp. Trong tổng số các hợp đồng mua bán thì hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế chiếm tỷ trọng lớn. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), đặc điểm của phần đông DN Việt là hiểu biết pháp luật hạn chế. DN ít sử dụng tư vấn pháp luật chuyên nghiệp nên thường gặp khó khăn trong đàm phán hợp đồng, mất nhiều thời gian đàm phán, rơi vào cảnh yếu thế hơn, nhất là khâu chọn luật nào áp dụng. Thông thường, luật được chọn sẽ là luật của đối tác hoặc của nước thứ ba.

Theo bà Trang, xuất phát từ những yếu tố trên, việc CISG có hiệu lực sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho các DN. Trong nhiều trường hợp, thậm chí không cần đàm phán mà DN chỉ cần áp dụng CISG, bởi trong đó vẫn có các điều khoản để DN sử dụng chung và tiến tới thống nhất chung. Đây là cơ sở tham khảo miễn phí cho DN trong quá trình đàm phán hợp đồng mua bán hàng hóa. Việc áp dụng CISG sẽ giúp DN tiết kiệm thời gian, chi phí đàm phán hợp đồng và thuận tiện cho việc xử lý khi có tranh chấp, nhất là khi hai bên không đàm phán về luật áp dụng khi ký kết hợp đồng.

Một số chuyên gia còn nhận định, áp dụng CISG giúp DN tiết kiệm đáng kể khoản chi phí quản lý hợp đồng bởi DN Việt thường có nhiều hợp đồng mua bán hàng hóa nhỏ với những đối tác khác nhau. Khi đó, với việc áp dụng CISG, những điều khoản hợp đồng sẽ tương tự nhau giúp đơn giản khâu quản lý.

Ông Phạm Đình Thưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) được Báo Hải quan dẫn lời cho biết, Bộ Công Thương đang đề xuất Chính phủ đề án để hỗ trợ các bên nắm bắt, hiểu biết hơn về CISG.

Lộ trình của Đề án kéo dài từ nay tới năm 2020, với các nội dung cụ thể như hỗ trợ cộng đồng DN tìm hiểu về CISG qua các khóa đào tạo, hội thảo; hỗ trợ các chuyên gia, luật sư trong lĩnh vực thương mại quốc tế hiểu biết sâu hơn về Công ước qua trao đổi chuyên gia quốc tế và nghiên cứu án lệ của nước ngoài; xây dựng chương trình giảng dạy với các trường đại học để tiến hành đào tạo ngay từ trong trường…

Theo ông Thưởng, Việt Nam có giai đoạn chuẩn bị gia nhập CISG từ năm 2006. Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều dự án để tuyên truyền tới DN. Do vậy, việc triển khai đề án lớn hơn từ nay tới năm 2020 là đang đi những bước cần thiết, theo lộ trình chứ không hề chậm trễ.

Ngày 18/12/2015, Việt Nam đã chính thức phê duyệt việc gia nhập để trở thành viên thứ 84 của CISG. Trong khối ASEAN, Việt Nam là thành viên thứ 2 sau Singapore gia nhập Công ước quan trọng này.

Theo baochinhphu.vn

Bạn đang đọc bài viết Công ước Vienna có hiệu lực tại Việt Nam từ đầu năm 2017 tại chuyên mục Vấn đề hội nhập của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận