CPTPP: Doanh nghiệp Việt đón lõng tốt, lạc quan nhưng lười học
TCDN - Đây là đánh giá của TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tại Hội thảo Thực hiện hiệu quả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP): Yêu cầu hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam, ngày 19/2.
Theo TS. Võ Trí Thành, doanh nghiệp Việt đã tận dụng CPTPP ngay trong quá trình đàm phán. Nhất là trước những bước ngoặt tại vòng đàm phán Brunei, Malaysia, hàng trăm tỷ đô la đã đổ vào thị trường Việt Nam năm 2019, tập trung vào các lĩnh vực dệt may, da giày và điện tử.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt lạc quan hơn so với các nước thành viên. Kết quả điều tra cho thấy, doanh nghiệp nhiệt tình hưởng ứng việc tham gia CPTPP, không có trường hợp tụ tập, biểu tình chống đối.
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam lười học, không cần hiểu hết nội dung hiệp định, chỉ khi bị phạt, kiện sai phạm sẽ không lặp lại.
Để CPTPP đi vào cuộc sống, tận dụng hiệu quả, TS. Võ Trí Thành cho rằng trước mắt cần nâng cao sự chủ động của cả bộ máy quản lý, các địa phương và doanh nghiệp; đồng thời đổi mới và tăng cường việc tuyên truyền về các hiệp định. Kết nối được đầu mối CPTPP tại các nơi để thúc đẩy thực thi nghiêm túc. Đã đến lúc doanh nghiệp phải thay đổi để có sự tự tin, hiểu thấu đáo để tham gia vào cuộc chơi của các FTA với các nước có thị trường lớn. Doanh nghiệp cần tìm kiếm cơ hội kinh doanh, thông tin từ thị trường, chấp nhận cạnh tranh; huy động vốn trong một thị trường tài chính đa dạng, phức hợp, tinh xảo.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM) nhận định, khả năng tận dụng ưu đãi chưa đều, chỉ tương đối tốt ở một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN với các mặt hàng như thủy sản, da giày, dệt may. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ trong CPTPP không hề dễ dàng, ít nhất trong năm 2019, chủ yếu một số thị trường mới như Canada, Mexico.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng nhanh về giá trị, mức độ giải ngân có cải thiện, trong đó tập trung vào một số đối tác và nhóm ngành chủ lực, gắn với lộ trình cắt giảm thuế quan và mở cửa các lĩnh vực đầu tư hấp dẫn theo các cam kết ngày càng thông thoáng trong các FTA. Tuy nhiên, FDI từ các đối tác CPTPP chưa cao và còn nhiều tiềm năng khai thác.
Theo đánh giá của CIEM, FDI có sự chuyển hướng vào một số lĩnh vực công nghệ cao, chủ yếu tập trung nhiều ở những phân khúc thấp trong chuỗi giá trị. Trong khi, thu hút đầu tư một số ngành ưu tiên còn hạn chế, đặc biệt là nông nghiệp.
Đối với các dịch vụ tài chính, CPTPP có một số cam kết nghĩa vụ mới so với mặt bằng cam kết trong WTO, đó là cung cấp dịch vụ tài chính mới, xử lý thông tin, các biện pháp minh bạch và quản lý, cấp phép nhanh các dịch vụ bảo hiểm.
Để thực hiện các cam kết, các cải cách thể chế liên quan dịch vụ tài chính đã và đang được thực hiện quyết liệt, điển hình là dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán. Vấn đề đặt ra là tư duy mở đến đâu, theo cam kết hay hơn?
CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019, được đánh giá sẽ tạo ra tác động tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu khi các nước giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước thành viên CPTP sẽ được hưởng cam kết cắt giảm thuế quan rất ưu đãi.
Với mức độ cam kết mở cửa thị trường nêu trên, theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự báo đến năm 2030, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP sẽ tăng từ 54 tỷ USD lên 80 tỷ USD, chiếm 25% tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899