Đã xử lý 361.000 tỷ nợ xấu trong hơn 2 năm

13/10/2020, 09:21

TCDN - Tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/5/2020 đạt trung bình khoảng 7,15 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 3,63 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng trung bình tháng từ năm 2012 – 2017 của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi Quốc hội nêu rõ, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) trong giai đoạn 2016-2020 đã được xử lý, kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3%, có chiều hướng giảm liên tục qua các năm.

Cụ thể, cuối năm 2016 là 2,46%; cuối tháng 8/2017: 2,45%; cuối năm 2017: 1,99%; cuối năm 2018: 1,91%; cuối năm 2019: 1,63% và thời điểm 31/5/2020 là 1,86%. Như vậy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD giảm liên tục qua các năm.

Tính từ cuối năm 2018 đến 31/5/2020, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 361,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó: (i) Nợ xấu do các TCTD tự xử lý là 307,96 nghìn tỷ đồng (chiếm 85,26%); (ii) Nợ xấu bán cho VAMC là 48,52 nghìn tỷ đồng (chiếm 13,43%); (iii) Nợ xấu bán cho tổ chức, cá nhân khác là 4,72 nghìn tỷ đồng (chiếm 1,3%).

Tính từ cuối năm 2018 đến 31/5/2020, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 361,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Tính từ cuối năm 2018 đến 31/5/2020, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 361,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 (thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng), lũy kế từ 15/08/2017 đến 31/5/2020, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 293,88 nghìn tỷ đồng nợ xấu; trong đó:  Xử lý nợ xấu nội bảng là 160,92 nghìn tỷ đồng (chiếm 54,76% tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đã xử lý); Xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết số 42 là 67,28 nghìn tỷ đồng (chiếm 22,89% tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đã xử lý); Xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 65,68 nghìn tỷ đồng  (chiếm 22,35% tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đã xử lý).

Tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/5/2020 đạt trung bình khoảng 7,15 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 3,63 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng trung bình tháng từ năm 2012 – 2017 của hệ thống các TCTD trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (khoảng 3,52 nghìn tỷ đồng/tháng).

Theo đánh giá của NHNN trước khi có Nghị quyết số 42, nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý TSBĐ và khách hàng trả nợ còn chưa cao. Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực từ 15/8/2017 đến 31/5/2020, xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết số 42 chủ yếu thông qua hình thức khách hàng trả nợ là 121,4 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 40,1% tổng nợ xấu nội bảng theo Nghị quyết số 42 đã xử lý), cao hơn nhiều tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả nợ/tổng nợ xấu nội bảng đã xử lý trung bình năm từ 2012-2017 là khoảng 22,8% .

Đáng chú ý, theo Ngân hàng Nhà nước, kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 bằng hình thức khách hàng trả nợ tăng mạnh, phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện. Khách hàng chủ động và hợp tác hơn trong việc trả nợ TCTD, hạn chế tình trạng chủ tài sản cố ý chây ỳ, chống đối nhằm kéo dài thời gian xử lý.

Theo đánh giá của NHNN, chất lượng tín dụng toàn ngành có xu hướng suy giảm, nợ xấu đang gia tăng nhanh trong 5 tháng đầu năm 2020, trích lập dự phòng tăng, có thể tác động mạnh đến kết quả hoạt động kinh doanh của các TCTD trong năm 2020. Theo ước tính của NHNN dựa trên các kịch bản tăng trưởng GDP năm 2020 khoảng 4%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ước tính đến cuối năm 2020 ở mức 2,41% (tăng 0,78 điểm % so với cuối năm 2019).

Bên cạnh đó, từ cuối năm 2018 đến 31/5/2020, NHNN đã thực hiện hơn 2.954 cuộc thanh tra, kiểm tra; ban hành kết luận thanh tra, biên bản kiểm tra đối với 2.778 cuộc thanh tra, kiểm tra (bao gồm cả các cuộc thanh tra, kiểm tra chưa ban hành kết luận trong kỳ trước chuyển sang) .

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, những hạn chế, tồn tại, sai phạm của các TCTD đã được phát hiện và xử lý. NHNN đã đưa ra trên 13.580 kiến nghị, yêu cầu TCTD khắc phục tồn tại, sai phạm; ban hành trên 406 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với TCTD và doanh nghiệp, cá nhân với tổng số tiền phạt khoảng 35 tỷ đồng. Công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và xử lý sau thanh tra liên quan đến hoạt động cấp tín dụng, việc phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro tiếp tục được quan tâm thực hiện chặt chẽ, sát sao nhằm bảo đảm TCTD thực hiện nghiêm túc các kiến nghị, kết luận về thanh tra, kiểm tra.

Thanh Phương
Bạn đang đọc bài viết Đã xử lý 361.000 tỷ nợ xấu trong hơn 2 năm tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Agribank: Lợi nhuận đi xuống, nợ xấu gia tăng
Kết thúc nửa đầu năm 2020, Agribank ghi nhận kết quả lợi nhuận giảm gần 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng cũng tăng từ mức 1,57% đầu năm lên 2,16% do sự tăng vọt của các khoản nợ có khả năng mất vốn và nợ nghi ngờ.
Khó thu hồi nợ và tài sản bảo đảm xử lý nợ xấu
Hiện nay, việc xử lý, thu hồi nợ và tài sản bảo đảm của một số tổ chức tín dụng còn khó khăn trong trường hợp tài sản bảo đảm cho các khoản nợ bị kê biên, liên quan đến các vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh.
Gần 64 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã xử lý trong năm 2020
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục được duy trì ở mức dưới 2%. Riêng 7 tháng đầu năm 2020, tổng nợ xấu được xử lý là khoảng 63,7 nghìn tỷ đồng.