Khó thu hồi nợ và tài sản bảo đảm xử lý nợ xấu
TCDN - Hiện nay, việc xử lý, thu hồi nợ và tài sản bảo đảm của một số tổ chức tín dụng còn khó khăn trong trường hợp tài sản bảo đảm cho các khoản nợ bị kê biên, liên quan đến các vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh.
Quy định chồng chéo xử lý tài sản bảo đảm
Ông Nguyễn Thế Huân, Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho rằng quy định pháp luật về xử lý nợ xấu nói chung và xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) của các khoản nợ xấu nói riêng còn nhiều bất cập, chồng chéo, chưa tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho các ngân hàng xử lý nợ xấu, xử lý TSBĐ của các khoản nợ xấu. Tiến độ xử lý, thu hồi nợ qua cơ quan Tòa án và Thi hành án còn rất chậm.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Thế Huân khi đi đòi nợ cũng có những trường hợp phát sinh nhất định là: khi phát sinh tranh chấp mà khách không hợp tác thì ngân hàng thường kiện ra tòa. Nhưng ra tòa gặp vô vàn khó khăn rắc rối. Các con nợ thường tạo tranh chấp mới để gây khó khăn chậm lại quá trình... từ đó, buộc các ngân hàng phải xuống nước, miễn lãi...
Đồng tình về vấn đề này, ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước cho rằng, quá trình triển khai Nghị quyết số 42 còn cho thấy có một số khó khăn, vướng mắc trên thực tế cần sự phối hợp của các bộ, ban, ngành có liên quan xử lý (đặc biệt là việc thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm, thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm, áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp tại Tòa án, đây là điểm mấu chốt để quá trình triển khai Nghị quyết số 42 có hiệu quả hơn) để các chính sách, giải pháp của Nghị quyết 42 được áp dụng có hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Việc xử lý TSBĐ còn khó khăn trong trường hợp TSBĐ cho các khoản nợ bị kê biên, liên quan đến các vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, có khó khăn trong thực hiện quyền thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu theo Nghị quyết 42.
Ông Đỗ Giang Nam, Phó giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết, từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đến 31/8/2020, thu hồi nợ tại VAMC ước đạt 94.370 tỉ đồng, gấp 1,5 lần tổng thu hồi nợ giai đoạn trước đó, từ 2013 đến 14/8/2017. Thu giữ thành công một số TSBĐ có giá trị lớn, góp phần đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ. Giai đoạn 2017 đến 31/8/2020: thực hiện đấu giá thành công nhiều khoản nợ và TSBĐ với tổng số tiền trúng đấu giá 1.371 tỉ đồng.
Cùng với đó, kết quả thu hồi từ biện pháp bán nợ tăng gấp hơn 4 lần so với giai đoạn trước đó, từ 2013 đến ngày 14/8/2017; Kết quả thu hồi nợ từ biện pháp xử lý TSBĐ tăng gấp 1,5 lần so với giai đoạn trước đó, từ 2013 đến ngày 14/8/2017; Ý thức trả nợ của khách hàng tăng cao rõ rệt, việc thu hồi nợ thông qua các biện pháp khác như tố tụng cũng tác động tích cực đến kết quả thu hồi xử lý nợ.
Cần có biện pháp quyết liệt
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Giang Nam, thực tế quy định khác nhau giữa Nghị quyết số 42 và văn bản pháp luật khác về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm thì việc thực hiện gặp nhiều khó khăn. Nghị quyết số 42 chỉ mang tính chất thời điểm, có hiệu lực 5 năm. Do đó, cần có văn bản pháp luật thay thế khi Nghị quyết số 42 hết hiệu lực.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên VIAC, việc nhận và xử lý tài sản thế chấp cũng như xử lý nợ nói chung được quy định trong khá nhiều văn bản luật, như Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và nhiều nghị định, thông tư liên quan. Những quy định này cũng đã trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung.
Quy định thì có nhiều, có đủ, nhưng vì sự bất cập, bất hợp lý nên vẫn cứ gây rất nhiều khó khăn, vướng mắc trên thực tế. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân góp phần tạo thêm nợ xấu của hệ thống ngân hàng và dẫn đến lãi suất cho vay cao.
Luật sư Trương Thanh Đức lấy ví dụ, đầu năm 2020, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam được thi hành quyết định của Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) về việc phát mại tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất của một công ty, nhưng việc phát mại đã lập tức bị vướng do trên đất có nhà ở không được ghi nhận chính thức trong hợp đồng thế chấp. Do căn nhà chưa được ghi nhận trên sổ đỏ nên không được phép giao dịch và gần như không thể được nhận thế chấp.
Ông Nguyễn Thế Huân kiến nghị Bộ Tư pháp tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân sự rà soát các vụ việc thi hành án (THA) có điều kiện THA tồn đọng để ưu tiên xử lý, thu hồi dứt điểm cho VietinBank; Bộ Công an có biện pháp kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi chống đối, cản trở, đe dọa tính mạng, tinh thần của cán bộ VietinBank tham gia thu giữ TSBĐ, đảm bảo cho việc thu giữ TSBĐ được diễn ra thuận lợi, phù hợp với quy định pháp luật.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng cần phải sửa luật, cụ thể ban hành luật hoặc ít nhất cũng cần tiếp tục sửa đổi và kéo dài hiệu lực của Nghị quyết số 42, nhất là với các khoản nợ theo hợp đồng tín dụng từ ngày 15/8/2017 trở đi theo quy định này (các hợp đồng này dù phát sinh nợ xấu cũng không được xử lý theo Nghị quyết 42). Sửa Luật Đầu tư cho phép hoạt động dịch vụ đòi nợ, ít nhất là đối với tổ chức tín dụng. Cũng giống chỉ tổ chức tín dụng được quyền thu giữ tài sản bảo đảm…
email: [email protected], hotline: 086 508 6899