Tỷ lệ nợ xấu giảm, được kiểm soát dưới 2%
TCDN - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát dưới mức 2%.
Sáng 30/9, Diễn đàn Vietnam Banking Forum do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp cùng Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức với chủ đề “Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu: Kết quả và khuyến nghị chính sách”.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh khẳng định, các giải pháp đồng bộ tại Nghị quyết số 42 và Quyết định số 1058 đã tạo ra những dấu ấn rõ nét và chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD), thể hiện định hướng, chính sách đúng đắn của Quốc hội và Chính phủ, tạo niềm tin với hệ thống các TCTD nói riêng và toàn xã hội nói chung.
Đến nay, các TCTD đảm bảo các tỷ lệ, giới hạn an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật. Chất lượng tín dụng của các TCTD được cải thiện, tỷ lệ nội bảng được kiểm soát dưới mức 2%.
Ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh Thanh tra (Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN) cho biết, chất lượng tín dụng được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu giảm dần qua các năm. Cụ thể, năm 2016: 2,46%; năm 2017: 1,99%; năm 2018: 1,91%; năm 2019: 1,63%; đến 31/8/2020: 1,96%.
Cùng với đó giá trị xử lý nợ xấu tăng. Từ 15/8/2017 giá trị nợ xấu đạt 6,92 nghìn tỷ đồng/tháng cao hơn giai đoạn trước 3,52 nghìn đồng/tháng. Ý thức khách hàng trở nợ cao hơn. Tỷ lệ khách hàng trả nợ chiếm 40,8% so với 22,8% giai đoạn trước khi có Nghị quyết 42.
Theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, mặc dù công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã đặt được kết quả khích lệ, tuy nhiên vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu của TCTD.
Đó là, việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ nhằm đáp ứng yêu cầu tủ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel II của một số TCTD, nhất là các ngân hàng thương mại Nhà nước còn khó khăn, tiến độ xử lý cơ cấu lại đối với một số TCTD phi nhân hàng có chủ sở hữu/cổ đông lớn là các tập đoàn/ tổng công ty nhà nước còn chậm, phụ thuộc vào nội dung phương án cơ cấu lại tổng thể của tập đoàn/tổng công ty nhà nước.
Ngoài ra, việc xử lý, thu hồi nợ và tài sản bảo đảm (TSBĐ) của một số TCTD còn khó khăn trong trường hợp TSBĐ cho các khoản nợ bị kê biên, liên quan đến các vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh. Một số TCTD vẫn gặp khó khăn trong việc thực hiện quyền thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết số 42, thực hiện quyền áp dụng thứ tự ưu tiên thanh toán nghĩa vụ về thuế khi xử lý TSBĐ và nộp án phí theo bản án, quyết định của tòa án các cấp…
Bên cạnh đó, sự bùng phát của dịch Covid-19 trong các tháng đầu năm đã ảnh hưởng, tác động không nhỏ đến an toàn hoạt động ngân hàng cũng như kết quả cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu toàn ngành ngân hàng trong giai đoạn 2016-2020.
Theo Phó Thống đốc NHNN, thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành có liên quan đề xuất chính phủ các giải pháp để giải quyết dứt điểm những khó khăn vướng mắc về cơ chế cũng như trong thực tế áp dụng NQ42; xem xét, nghiên cứu việc luật hóa xử lý nợ xấu nhằm quy định cụ thể về việc xử lý nợ xấu, xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng, nâng cao vai trò, năng lực của VAMC và tạo động lực cho các TCTD xử lý nợ xấu đạt hiệu quả; xây dựng Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2021-2025 tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực tài chính và quản trị điều hành của các TCTD, hỗ trợ các TCTD trong việc xử lý hiệu quả nợ xấu của nền kinh tế...
email: [email protected], hotline: 086 508 6899