Đại biểu muốn hỗ trợ thuế cho hợp tác xã nhưng cần tránh trục lợi chính sách

10/11/2022, 11:04
báo nói -

TCDN - Tại phiên thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đại biểu Quốc hội cho rằng cần có sự hỗ trợ của nhà nước như chính sách, cơ chế miễn giảm thuế để liên minh hợp tác xã phát triển nhưng cần quy định rõ tránh tình trạng ỉ lại, trục lợi chính sách.

Tránh trục lợi chính sách

Sáng 10/11, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) cho rằng, để đảm bảo kinh tế tập thể phát triển năng động, hiệu quả cần có sự đảm bảo hỗ trợ của nhà nước để liên minh hợp tác xã được phát triển mạnh; cụ thể hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW giao liên minh hợp tác xã thực hiện một số dịch vụ công để giúp kinh tế tập thể phát triển mạnh trong thời kỳ mới; đảm bảo hợp tác xã được thụ hưởng chính sách, nhiều cơ chế miễn giảm thuế. Có như vậy mới đáp ứng được mong mỏi của hợp tác xã.

Trong khi đó, theo đại biểu Nguyễn Kim Tuyến (Tiền Giang) việc hỗ trợ của nhà nước đối với các tổ chức kinh tế hợp tác (từ điều 16 đến Điều 21) còn quá nhiều, mang tính dàn trải, thiếu tập trung và thiếu tính trọng tâm, chưa đặc trưng và tính thực chất mà tổ chức kinh tế hợp tác thực sự cần. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm xác định nội dung hỗ trợ mang tính tập trung nhằm mang lại tính khả thi cao và đảm bảo được hiệu quả hỗ trợ và phù hợp với nguồn lực kinh tế. Bên cạnh đó, một số nội dung chính sách còn mang tính khái quát cao, thiếu tính định lượng.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang).

Đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang).

Đối với thuế thu nhập trích lập quỹ chung và không chia và phần thu nhập hình thành tài sản chung không chia, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến đề nghị cần quy định rõ: giao UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ cho tổ chức kinh tế hợp pháp thuộc địa phương mình quản lý.

Về kiểm toán, tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân đại biểu đề nghị cần làm rõ quy định này để các tổ chức có liên quan dễ dàng trong triển khai thực hiện. Nếu kiểm toán là căn cứ để nhà nước hỗ trợ cho tổ chức kinh tế hợp tác thì đối với tổ hợp tác không có tư cách pháp nhân, không bắt buộc kiểm toán thì việc hỗ trợ khác được căn cứ từ đâu?

Đối với chính sách hỗ trợ của nhà nước cho hợp tác xã, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét và thiết kế nội dung theo hướng hỗ trợ để phát triển tổ chức kinh tế hợp tác và sự hỗ trợ này sẽ giảm dần theo hiệu quả và sự tiến bộ hợp tác xã để tiến đến sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong thị trường.

Về chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nhấn mạnh, đây là nội dung rất quan trọng, đề nghị cần quy định chặt chẽ nhằm hạn chế hỗ trợ theo kiểu xin cho và không loại trừ tình trạng trông chờ, ỷ lại, trục lợi chính sách.

Đại biểu đồng tình với quy định về kiểm toán hợp tác xã, bởi muốn lớn mạnh phát triển thì phải minh bạch, muốn minh bạch thì phải có kiểm toán, phải thực hiện kiểm toán khi mở rộng một phần góp vốn, mua cổ phần, cổ phiếu bên ngoài phải tính toán; đồng thời thành viên phải nắm rõ được năng lực, tiềm lực của hợp tác xã khi tham gia góp vốn nhằm đảm bảo quyền lợi của chính mình.

Cho ý kiến về Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tại Điều 21, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần phải xem xét quy định cụ thể hơn trong luật này về một số nội dung cụ thể như: Là cơ quan trực thuộc Liên minh hợp tác xã Việt Nam và Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh được tiếp nhận các nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước; quy định cụ thể về hệ thống quỹ từ trung ương đến địa phương để có sự ủy thác, hỗ trợ từ quỹ trung ương với địa phương.

Quy định tín dụng nội bộ

Góp ý về chính sách của nhà nước về hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã, đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa – Vũng Tàu) nhấn mạnh vai trò quan trọng của chính sách đất đai đối với hợp tác xã.

Đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, luật hóa cụ thể chính sách đất đai, như là xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai cho sản xuất, kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông lâm ngư nghiệp quy mô lớn, bố trí quỹ đất cho các tổ chức kinh tế tập thể, ưu đãi hợp lý về giá và thời gian cho thuê đất đối với hợp tác xã chuyển đổi và thành lập mới chưa được hỗ trợ thuê đất để đảm bảo sử dụng đất đai có hiệu quả vào nội dung của Luật.

Chỉ rõ, dự thảo Luật chưa quy định rõ vốn và tài sản không không chia là thuộc sở hữu tập thể của hợp tác xã, hợp tác xã có quyền sử dụng, định đoạt trong các giao dịch kinh tế mà chủ thể này xác lập theo quy định của Điều lệ và pháp luật về hợp tác xã. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định vấn đề này vào Luật; đồng thời đề nghị quy định rõ về tổ chức có quyền thẩm định giá; quy định rõ việc chuyển nhượng vốn góp giữa thành viên chính thức và thành viên liên kết không góp vốn để trở thành viên chính thức; cân nhắc và bổ sung quy định hình thức huy động vốn tín dụng nội bộ trong dự thảo Luật.

Theo đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng, dự thảo thể hiện chưa rõ ràng giữa các ưu đãi của nhà nước. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo sắp xếp lại để có thể tách Điều 19 thành hai điều cụ thể. Theo đó, một điều quy định về những chính sách lớn mà nhà nước phải làm để thúc đẩy phát triển hợp tác xã và kinh tế tập thể và một điều quy định về các ưu đãi cụ thể, rõ ràng và hợp tác xã được hưởng thì mới khả thi và hợp tác xã mới có thể được thụ hưởng.

Liên quan đến tín dụng nội bộ, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) đề nghị là cần phải cân nhắc thêm việc quy định cho tổ chức hợp tác có hoạt động tín dụng nội bộ.

Theo đại biểu, đây là 1 tổ chức hoạt động mang ý nghĩa tương trợ giúp đỡ các thành viên của hợp tác là chính và gần như là hoạt động với mục đích phi lợi nhuận. Hoạt động tín dụng nội bộ hoàn toàn khác với các Quỹ tín dụng nhân dân. Hoạt động tín dụng nội bộ của hợp tác xã theo luật năm 2012 đã có quy định, song trong báo cáo đánh giá tổng kết thi hành luật chưa đề cập đến vấn đề này. Đến năm 2017 thì hoạt động tín dụng nội bộ này thì không có quy định và hướng dẫn.

Vấn đề này cần phải tính toán bởi vì không có hành lang cơ sở pháp lý cho hoạt động tín dụng nội bộ. Đại biểu Mai Văn Hải cũng cho biết, thực tế tại các địa phương, hoạt động tín dụng nội bộ của các hợp tác xã là rất ít. Do đó, đại biểu đề nghị nên xem xét có nên quy định cho hoạt động tín dụng nội bộ trong hợp tác xã hay không?

Về quy định Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, đại biểu Trần Thị Hiền cho rằng, đây là một trong những giải pháp hỗ trợ tài chính, tín dụng giúp cho các hợp tác xã câu tán thành việc quy định quỹ tài chính ngoài ngân sách trong dự án luật. Tuy nhiên, hồ sơ dự án luật không có bất kỳ một đánh giá nào về hoạt động của quỹ này đã được thành lập từ năm 2009 và đang được điều chỉnh hoạt động theo Nghị định số 45 của Chính phủ.

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung báo cáo để Quốc hội có thêm thông tin xem xét, quyết định. Đồng thời cân nhắc thêm việc quy định cho phù hợp. Về nguyên tắc cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, đại biểu đề nghị cần quy định khái quát việc này để Chính phủ có căn cứ quy định chứ không thể giao chung chung cho Chính phủ quy định, do quỹ này là quỹ có hoạt động tín dụng ủy thác chứ không như các quỹ ngoài ngân sách.

Hà Giang
Bạn đang đọc bài viết Đại biểu muốn hỗ trợ thuế cho hợp tác xã nhưng cần tránh trục lợi chính sách tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Gần 82% hợp tác xã, người lao động trong HTX được hỗ trợ về thuế
Theo khảo sát của Liên minh Hợp tác xã, ước tính đến cuối năm 2022 có 81,7% tổng số HTX và người lao động trong HTX được gia hạn thời hạn nộp thuế; 12,1% tổng số HTX được giảm thuế giá trị gia tăng; 74,2% tổng số HTX vận tải được giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.