Đại biểu Quốc hội đề xuất tăng bội chi ngân sách, nới trần nợ công để có nguồn lực chống dịch

09/11/2021, 16:10

TCDN - Đại biểu Quốc hội Hà Đức Minh (đoàn Lào Cai) kiến nghị tăng bội chi ngân sách và nới trần nợ công để có thêm nguồn lực chống dịch cũng như phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Dư địa bội chi còn 153 nghìn tỷ

Đại biểu Hà Đức Minh nhấn mạnh, vừa qua đã có nhiều cơ chế, chính sách về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và các gói hỗ trợ trực tiếp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên so với yêu cầu và mặt bằng chung, các gói hỗ trợ, kích thích này chưa bảo đảm được tính toàn diện và bền vững.

“Do vậy, theo tôi cần đánh giá căn cơ tổng nhu cầu cần hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế như thế nào để vượt ngưỡng khó khăn và khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước để từ đó đưa ra các gói kích thích kinh tế để lớn, đủ rộng trong khoảng thời gian đủ dài để đạt được các mục tiêu”, đại biểu nói.

Để hiện thực hóa các mục tiêu, theo đại biểu Hà Đức Minh ngoài yếu tố về ý chí và tinh thần quyết tâm, yếu tố nguồn lực là tiên quyết. Bởi nền kinh tế của chúng ta đang phải chịu tác động rất lớn bởi sự bùng phát của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 kể từ cuối tháng 4/2021. Năng lực chống chịu của nền kinh tế thì có hạn, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì cú sốc đối với tăng trưởng và tính ổn định của nền kinh tế sẽ rất khó lường trong thời gian tới. 

Vì vậy, ngoài các nguồn lực hiện nay, đại biểu đề xuất có thể tăng thêm mức bội chi ngân sách. Hiện nay, bội chi năm 2021 là gần 344 nghìn tỷ đồng, bằng 4% GDP; dự kiến phương án đang trình ra Quốc hội năm 2022 là gần 373 nghìn tỷ cũng bằng khoảng 4% GDP. Trong khi đó tổng chi đầu tư phát triển năm 2022 dự kiến tối thiểu là 526 nghìn tỷ. Mặt khác, do các địa phương thường giao tăng chi đầu tư phát triển so với Trung ương giao. Như vậy dư địa bội chi theo luật là còn khoảng ít nhất là 153 nghìn tỷ.

Đại biểu cũng đề xuất có thể nới trần nợ công. Hiện nay, trần nợ công của nước ta quy định ở mức khoảng 60% GDP, nhưng trên thực tế chỉ mới đạt khoảng 44 -45% GDP. Như vậy là hoàn toàn có thể nới nợ công để có thể tiếp tục huy động vốn để vừa chống dịch vừa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. 

Đại biểu Hà Đức Minh.

Đại biểu Hà Đức Minh.

Trong lúc đó, Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách) giơ biển xin tranh luận với đại biểu Hà Đức Minh (Lào Cai) về việc tăng trần nợ công lên 51% GDP. Theo ông Toàn, tăng trần nợ công lên 51% GDP là mức tăng sẽ khiến dư nợ công đến 2025 tăng lên gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ, tạo ra rủi ro rất lớn cho an ninh tài chính quốc gia.

Nhìn vào con số nợ công của năm 2021 và chuẩn bị cho năm 2022 thì dư nợ công khoảng 44% GDP là tương đối thấp. Tuy nhiên, do bước vào năm 2021, chúng ta điều chỉnh GDP tăng hơn 1 triệu tỷ (tương đương mức tăng 25%), như vậy, mẫu số tăng lên, số dư nợ tuyệt đối không giảm, mức độ tăng nợ vẫn còn nên “tỷ số nhìn có vẻ thấp nhưng cần hết sức quan tâm”.

Ông Toàn cũng cho biết đến 2021, mức trả nợ lãi và gốc đã xấp xỉ 25% GDP, tức là cứ 4 đồng chi tiêu thì có 1 đồng chi cho trả nợ. Ông nói đây là nội dung cần quan tâm trong an ninh tài chính quốc gia. Khi nước ta nợ công tăng đều và liên tục qua các năm. Giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng nợ bình quân là 18,1%/năm. Đến giai đoạn 2016-2020, Quốc hội, Chính phủ đặt ra mục tiêu ưu tiên kiểm soát nợ công để đảm bảo an ninh tài chính cũng như các cân đối vĩ mô nên tốc độ tăng bình quân vừa qua được rút xuống còn trên 6,54%. Theo đó, trong kế hoạch tài chính 5 năm hiện nay cũng xác định tăng 11%, nếu tăng trần nợ công lên 51% vào năm 2025 thì dư nợ công lúc đó khoảng 6,5 triệu tỷ đồng, tăng gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ. Nên ông Toàn phân tích và đề nghị hết sức thận trọng.

Lo ngại về bong bóng bất động sản

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn Hà Tĩnh) cho rằng: Mặc dù đã có điều chỉnh giảm dự toán so với năm 2020, nhưng ngân sách Trung ương năm 2021 vẫn hụt thu 29.346 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng thu ngân sách vẫn tăng trưởng, một trong những nội dung tăng đột biến trong năm là từ hoạt động ngân hàng, chứng khoán, đất đai.

Đại biểu đặt ra băn khoăn: có hay không hiện tượng nhiều nhà đầu tư thế chấp vay vốn ngân hàng, lấy tiền hệ thống tín dụng, rồi quay vòng tiếp, vòng mới là tài sản, tạo bong bóng là chứng khoán, bất động sản. Việc tăng thu ngân sách từ đầu tư tài chính này không mang tính bền vững, tiềm ẩn rủi ro ngắn hạn và trung hạn cao. Đại biểu đề nghị Chính phủ có sự đánh giá toàn diện hơn về vấn đề này và có giải pháp xử lý.

Liên quan đến phân bổ nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết, đại biểu đánh giá: Hiện nay nguồn thu này có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương và các vùng trong cả nước. Cụ thể năm 2021, riêng 19 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ chiếm 84,26% dự toán, 44/63 tỉnh thành còn lại chỉ chiếm 15,74%, chưa kể các tỉnh miền núi phía Bắc khó khăn thì số thu này chỉ chiếm tỷ trọng chưa đến 1% (0,99%). Một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nguồn thu từ xổ số kiến thiết lại là nguồn thu chủ yếu trong cơ cấu thu ngân sách, có tỉnh chiếm từ 30% - trên 40% tổng thu nội địa.

Đại biểu nêu thêm, theo định mức dự toán, nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết được quy định phân bổ cho đầu tư phát triển các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu, nông thôn mới. Trong đó, giáo dục, dạy nghề và y tế bố trí tối thiểu 50%-60%. Phân bổ ngân sách địa phương phụ thuộc vào nguồn thu của địa phương đó, trong khi lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế là những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, vì vậy đại biểu nhận định việc phân bổ nguồn thu như trên là chưa đảm bảo nguyên tắc công bằng.

Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng, việc dùng thuật ngữ “ưu tiên đầu tư” mà chưa có định mức cụ thể tại Báo cáo và Tờ trình của Chính phủ về phân bổ dự toán ngân sách là chưa phù hợp. Đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu để quy định một cách cụ thể, chi tiết phân bổ đầu tư phát triển đều cho các lĩnh vực giáo dục, y tế trong cả nước, đặc biệt đối với các địa phương có số thu từ hoạt động xổ số kiến thiết thấp, đảm bảo đáp ứng đủ yêu cầu chi tiêu các ngành, lĩnh vực trên vừa đảm bảo đủ để phòng chống dịch.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Đại biểu Quốc hội đề xuất tăng bội chi ngân sách, nới trần nợ công để có nguồn lực chống dịch tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Thủ tướng Chính phủ: Phải tính toán kỹ mức trần nợ công
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan cần phải tính toán kỹ mức trần nợ công, bảo đảm phù hợp với tinh thần các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và quản lý chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn vay và bố trí nguồn trả nợ.