Đại biểu Quốc hội lo lắng doanh nghiệp vay vốn đầu tư bất động sản, gửi ngân hàng ăn chênh lãi

07/01/2022, 14:59

TCDN - Nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng và đề nghị cần có cơ chế trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn nhưng không dùng vào sản xuất mà gửi lại ngân hàng lấy phần trăm chênh lệch lãi suất hoặc đầu tư tài chính, bất động sản.

Ngày 7/1, tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, các đại biểu thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, việc tiếp tục miễn, giảm thuế phí là phù hợp, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tái hoạt động, giải quyết việc làm, kích thích nhu cầu phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh là cần thiết trong trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần có quy định cụ thể áp dụng đối tượng nào, doanh nghiệp nào hay tất cả các doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp FDI hay không?

Đại biểu kiến nghị chỉ áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có nhiều lao động, hợp tác xã, các doanh nghiệp có sức lan tỏa, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp kích thích hoạt động, tăng vốn đầu tư yên tâm sản xuất kinh doanh...

Bên cạnh đó, về an sinh xã hội, cần thống nhất lãi suất ngân hàng chính sách vay vốn ngân hàng chính sách. Tuy nhiên cần giám sát chặt chẽ đối tượng vay vốn, vì thực tế có nhiều trường hợp vay không có khả năng hoàn trả, dẫn đến khả năng mất vốn.

Đối với tăng nguồn thu, tiết kiệm chi, đại biểu đề nghị giảm thuế cho người sử dụng người lao động. Cùng với đó, cần quy định đối tượng lao động là đối tượng nào để tránh mỗi nơi áp dụng một cách tùy tiện, người được hỗ trợ người không. 

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình).

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình).

Trong khi đó, đại biểu Mai Văn Hải thống nhất cao với sựcần thiết ban hành nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Về vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, theo đại biểu đây là một chính sách vô cùng quan trọng để hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh phục hồi, phát triển sản xuất. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị chúng ta cần tập trung hỗ trợ vào một số lĩnh vực chịu ảnh hưởng, chịu thiệt hại nặng nề với đại dịch như dịch vụ du lịch, lĩnh vực vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách, nhất là ngành hàng không, hay dịch vụ nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống....

Đại biểu Hòa cho rằng, ngành ngân hàng, nhất là ngân hàng thương mại, cần cải cách thủ tục hành chính để làm sao doanh nghiệp và người dân người ta dễ tiếp cận với chính sách này. Đồng thời cũng kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn cho vay, tránh tình trạng doanh nghiệp, người dân vay không dùng vào mục đích phục vụ sản xuất, lại đem đi đầu tư tài chính, đầu tư bất động sản và một số lĩnh vực rủi ro khác. 

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) khẳng định, để giúp nền kinh tế Việt Nam nhanh chóng phục hồi trong thời gian tới, việc quan trọng nhất là phải sống chung an toàn với dịch Coid- 19 nên chính sách tài khoá, tiền tệ cần tập trung vào cơ sở hạ tầng y tế, chuẩn bị mua sắm các loại thuốc, vaccine, trang thiết bị để phòng và điều trị Covid-19.

Đại biểu thống nhất hỗ trợ doanh nghiệp là trọng tâm, ưu tiên nhưng hỗ trợ như thế nào là vấn đề cần được tính toán cẩn trọng. “Do vậy, trong triển khai chương trình thì tôi kiến nghị Chính phủ cần lưu ý mấy vấn đề. Đó là phải xem xét hỗ trợ cho doanh nghiệp, lĩnh vực, ngành nghề một cách phù hợp, đáp ứng đúng nhu cầu, tính toán khả năng sức hấp thụ của ngành đó đến đâu, phương pháp hỗ trợ như thế nào để cân đối ngắn hạn trước mắt và đầu tư phát triển lâu dài. Cần cung cấp cho doanh nghiệp hướng đi, cách  thức đi, cung cấp cần câu chứ không phải con cá”, đại biểu nhấn mạnh.

Do đó, theo đại biểu Thắng, chính sách tài khóa về đẩy mạnh đầu tư công cần xác định đúng trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, cần tính toán khi chi cho một dự án đầu tư công thì dự án đó có khả năng tác động lan tỏa, kích thích những ngành, lĩnh vực nào phát triển và có khả năng sớm hoàn thành, đặc biệt là theo xu thế phát triển sau dịch Covid.

Bên cạnh đó, cần cơ chế để tránh tình trạng doanh nghiệp móc nối với ngân hàng hoặc ngân hàng "ưu tiên" cho doanh nghiệp dược, doanh nghiệp "sân sau", tuyệt đối tránh tình trạng doanh nghiệp vay vốn xong lại đem gửi ngân hàng để lấy phần trăm chênh lệch lãi suất hoặc để đáo nợ như lo ngại của nhiều chuyên gia cũng như các cơ quan báo chí đã nêu.

Hải Nam
Bạn đang đọc bài viết Đại biểu Quốc hội lo lắng doanh nghiệp vay vốn đầu tư bất động sản, gửi ngân hàng ăn chênh lãi tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan