Dân Hàn Quốc tẩy chay hàng Nhật Bản nhưng vẫn chuộng game của Sony, Nintendo

06/08/2020, 20:39
báo nói -

TCDN - Trong lúc phần lớn thương hiệu Nhật Bản tại Hàn Quốc lao đao vì làn sóng tẩy chay của người dân địa phương, doanh số của các nhà sản xuất game vẫn tăng vọt.

Làn sóng tẩy chay hàng hóa Nhật Bản vào năm ngoái ở Hàn Quốc giống như một cơn bão lớn đối với các thương hiệu mảng tiêu dùng Nhật Bản. Nó diễn ra cách đây một năm, khi chính phủ Nhật Bản áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu nguyên liệu sản xuất chip của các nhà sản xuất chất bán dẫn Hàn Quốc như Samsung Electronics và SK Hynix.

Phía Hàn Quốc muốn buộc các doanh nghiệp Nhật Bản bồi thường cho nhiều nạn nhân Hàn Quốc phải lao động khổ sai trong Thế chiến thứ hai.

Hành động của Nhật Bản trong thời chiến đã gây ra phản ứng mạnh mẽ đối với người tiêu dùng Hàn Quốc, và họ bắt đầu xa lánh, tẩy chay các sản phẩm của Nhật Bản.

Số liệu của công ty nghiên cứu CEO Score tại Seoul cho thấy lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh của 31 doanh nghiệp tiêu dùng Nhật Bản tại thị trường Hàn Quốc giảm 71,3% so với năm trước, xuống còn 145,9 tỉ Won (tương đương 121 triệu USD) vào năm 2019. Doanh thu gộp của các công ty Nhật Bản giảm 6,9% xuống còn 7.900 tỉ Won so với cùng kì.

tay chay

Ảnh hưởng của phong trào tẩy chay thể hiện rõ hơn ở các doanh nghiệp có sản phẩm dễ dàng thay thế, ngay cả khi những thương hiệu đó đã có dấu ấn trong lòng người tiêu dùng Hàn Quốc.

"Chính trị và tiêu dùng là những thứ khác nhau, dù sản phẩm bia rượu của chúng tôi là hàng nhập khẩu bán chạy nhất ở Hàn Quốc trong 8 năm liên tiếp tính đến năm 2018, nhưng doanh thu lại giảm doanh đáng kể vì phong trào tẩy chay", ông Akiyoshi Koji, tổng giám đốc của tập đoàn Asahi Group Holdings Nhật Bản, phát biểu.

Giải thích thực tế ấy, ông Oryoon Lee, nhà phân tích của công ty nghiên cứu thị trường cho hay, các cửa hàng tiện lợi ở Hàn Quốc có ảnh hưởng lớn đến doanh thu mảng bia rượu của Nhật Bản tại thị trường Hàn Quốc.

"Các chuỗi cửa hàng tiện lợi hàng đầu như CU và Mini Stop trả hàng hoặc không nhập hàng bia rượu từ Nhật Bản dẫn đến doanh số thấp", ông nói.

Số liệu của chính phủ Nhật Bản cho thấy, xuất khẩu mảng bia rượu của nước này sang Hàn Quốc giảm 49,2% xuống còn 4 tỉ yen trong năm 2019 so với năm trước.

Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn là một thị trường hấp dẫn bởi nhu cầu đối với bia, rượu ở Nhật Bản đang giảm.

Công ty Asahi cùng các đối thủ Kirin Holdings và Sapporo Holdings cũng đang tranh giành nhau thị trường Hàn Quốc nhưng lại chưa khởi động lại các chiến dịch marketing - bao gồm quảng cáo trên TV do phải dừng vào năm ngoái.

"Một số nhà bán lẻ Hàn Quốc không chấp nhận các sản phẩm từ Nhật Bản", người phát ngôn của Sapporo Holdings nói, và nhấn mạnh rằng không dấu hiệu nào cho thấy bia Sapporo sẽ tái xuất ở Hàn Quốc.

Trong khi đó, tập đoàn thực phẩm Ajinomoto cũng đang phải trải qua thời kì khó khăn. Doanh số tại Hàn Quốc của họ đã giảm 34,2% xuống 21 tỉ won vào năm 2019.

"Người tiêu dùng Hàn Quốc có thể dễ dàng chuyển sang sử dụng thực phẩm và đồ uống địa phương hoặc các sản phẩm từ các nước khác và cuộc chơi dành cho Nhật Bản dường như trở nên khó khăn hơn trong thị trường này", Takayasu Yuichi, giáo sư tại Khoa Kinh tế của Đại học Daito Bunka, nói với Nikkei.

Mảng sản xuất đồ dùng nhà vệ sinh của Nhật Bản cũng không phải ngoại lệ khi công ty Lion đã phải ngừng chiến dịch marketing tại Hàn Quốc do làn sóng tẩy chay. 

Năm 2019, Lion thông báo doanh số bán hàng ở Đông Bắc Á - bao gồm cả Trung Quốc và Đài Loan - đã giảm 9,5% so với năm trước xuống còn 31,4 tỉ Yen (tương đương 297 triệu USD), do mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc tệ hơn bên cạnh tác động của các cuộc biểu tình ở Hong Kong.

Mặc dù vậy, doanh số bán xà phòng của Lion đã phục hồi ở Hàn Quốc trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, số lượng nhà máy đặt tại Hàn Quốc cũng tăng do nhu cầu tăng lên xuất phát từ sự bùng phát dịch COVID-19.

Thời trang cũng là mảng chịu tác động do mối quan hệ của Nhật – Hàn. "Ngay cả khi người dân Hàn Quốc muốn mặc thì họ cũng sẽ lẩn tránh do tư tưởng tẩy chay hàng Nhật Bản", ông Takayasu nói.

Fast Retailing, chủ sở hữu thương hiệu Uniqlo, sẽ cảm nhận tác động của căng thẳng Nhật - Hàn. Tổn thất trong hoạt động kinh doanh của Uniqlo tại Hàn Quốc đã vượt quá giới hạn của tập đoàn trong quí II do sự tẩy chay và đại dịch COVID-19.

Giám đốc tài chính của Fash Retailing, ông Okazaki, dự kiến doanh số bán hàng trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8 sẽ giảm mạnh.

"Hàn Quốc là thị trường quan trọng đối với chúng tôi. Tập đoàn muốn tiếp tục nỗ lực hết mình để cung cấp các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu hàng ngày của khách hàng Hàn Quốc", thông cáo của Fast Retailing nêu rõ.

Trong khi đó, Ryohin Keikaku, nhà điều hành chuỗi hàng hóa gia đình Muji, tuyên bố rằng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trong năm giảm 15% tại thị trường Đông Á, tính đến 2/2020, một phần do mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc xấu đi.

Mảng kinh doanh sản xuất ô tô cũng tổn thất nặng nề do phong trào tẩy chay hàng Nhật Bản. Theo Hiệp hội các nhà nhập khẩu và phân phối ô tô Hàn Quốc, số lượng ô tô Nhật Bản được bán tại Hàn Quốc đã giảm 18,9% xuống 36.661 chiếc vào năm 2019. Hồi tháng 5, Nissan Motor đã quyết định rút khỏi thị trường Hàn Quốc.

Nintendo

Một số doanh nghiệp công nghệ Nhật Bản không chịu ảnh hưởng xấu của xu hướng và thực sự đang thấy được sự bùng nổ về doanh số do nhu cầu video game tăng lên tại Hàn Quốc.

Nintendo đã chứng kiến doanh số của hãng tăng 36,6% lên 230,6 tỉ Won với lợi nhuận hoạt động tăng vọt 68,4%, đạt 12,6 tỉ Won tại thị trường Hàn Quốc.

Doanh số của tập đoàn Sony tại thị trường này cũng tăng 19,5% lên 1,4 nghìn tỉ Won, trong khi lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh tăng 35,6% lên 18,5 tỉ Won, theo CEO Score – công ty phân tích dữ liệu Hàn Quốc.

Giáo sư Takayasu của Đại học Daito Bunka nhận định rằng mặc dù Hàn Quốc có các doanh nghiệp thực phẩm hoặc các nhà sản xuất xe hơi lớn, nhưng người tiêu dùng xứ Hàn không thể tìm sản phẩm thay thế video game của Sony và Nintendo".

Ông cũng nói rằng việc tẩy chay hàng Nhật Bản sẽ khó chấm dứt và không có dấu hiệu nào cho thấy mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ cải thiện dưới thời của các nhà lãnh đạo hiện tại hai nước, Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Moon Jae-in.

Khải Hoàn
Bạn đang đọc bài viết Dân Hàn Quốc tẩy chay hàng Nhật Bản nhưng vẫn chuộng game của Sony, Nintendo tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Hàn Quốc thúc đẩy khoản ngân sách bổ sung hơn 20 tỷ USD ứng phó COVID-19
Trong cuộc họp sáng 1/6, Chính phủ Hàn Quốc và đảng Dân chủ cầm quyền ở nước này đã nhất trí dành 'khoản ngân sách bổ sung đơn lẻ lớn nhất' cung cấp tài chính khẩn cấp đợt 3 nhằm hỗ trợ nền kinh tế nước này khắc phục hậu quả của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.