Dân lao đao vì COVID-19, thành phố in tiền gỗ để hỗ trợ
TCDN - Một cỗ máy cũ trong căn phòng ở Bảo tàng Tenino Depot có thể giúp thành phố Tenino, bang Washington, Mỹ vượt qua khó khăn kinh tế bằng cách in tiền gỗ.
Đồng USD gỗ của bảo tàng ra mắt vào tháng 5 năm nay. Với kích thước bằng thẻ ATM, "đôla gỗ" sẽ tới tay những người dân địa phương đang lâm vào cảnh khó khăn về tài chính, theo Bloomberg.
Giới chức neo tỉ giá đồng USD gỗ theo giá trị USD thực và người dân có thể chi tiêu nó khắp mọi nơi, từ cửa hàng tạp hóa đến trạm xăng và trung tâm chăm sóc trẻ em. Người giữ tiền gỗ có thể đổi chúng ra tiền USD.
Ông Wayne Fournier, Thị trưởng thành phố Tenino, nói rằng chính quyền sẽ trao tối đa 300 USD gỗ cho những người đang lâm cảnh khó khăn tài chính do đại dịch COVID-19.
"Chúng tôi muốn đây là biểu tượng của hy vọng," ông Wayne Fournier phát biểu.
Giới chức Tenino từng sử dụng tiền gỗ trong khoảng thời gian khó khăn của Đại suy thoái hồi thập niên 30. Hồi ấy ngân hàng duy nhất của thành phố ngừng hoạt động và các doanh nhân địa phương quyết định làm tiền gỗ để duy trì hoạt động thương mại.
"Nó đã hoạt động một cách hoàn hảo", Fournier nói về chương trình tiền gỗ đầu tiên ở Mỹ.
Vài tháng gần đây, nhiều thành phố từ Arizona đến Montana và California đã tham vấn giới chức Tenino về cơ chế sử dụng tiền riêng.
"Chúng tôi không thể dự báo viễn cảnh trong phần còn lại của năm nay, song những thành phố như chúng tôi cần phải tìm ra cách thích hợp để duy trì mà không cần dựa vào bên ngoài", thị trưởng Wayne Fournier bình luận.
Ý tưởng "tiền tệ bổ sung" đã tồn tại trong nhiều thế kỉ. Theo nghiên cứu mà tạp chí Papers in Poli Economic công bố vào năm 2018, từ 3.500 đến 4.500 hệ thống tiền tương tự đã xuất hiện ở hơn 50 quốc gia.
Về cơ bản, chúng là đơn vị tiền tệ địa phương, chỉ có giá trị trao đổi giữa những người và doanh nghiệp trong một khu vực. Nhiều chương trình còn qui đình tiền chỉ có giá trị giao dịch những người đã đăng kí. Chúng thường hoạt động song song với đồng tiền chính thức chứ không có vai trò thay thế.
Loại tiền hỗ trợ tồn tại với nhiều hình thức khác nhau và đa số chính quyền không chọn tiền giấy. Ngày nay, nhiều loại tiền hỗ trợ tồn tại trong môi trường số hoặc các giao dịch liên quan tới chúng diễn ra qua thẻ thông minh.
Một số chính quyền phát hành tiền hỗ trợ nhằm bảo vệ các doanh nghiệp độc lập tại địa phương, trong khi một số chính quyền làm vậy để thúc đẩy tầm nhìn bình đẳng và bền vững hơn về xã hội. Vài loại tiền hỗ trợ lại có nhiệm vụ đối phó các cuộc khủng hoảng kinh tế, khi các hệ thống tài chính truyền thống ngừng hoạt động.
Khi COVID-19 gây ra làn sóng hỗn loạn về kinh tế và xã hội, cả ba thách thức ấy dường như xuất hiện đồng thời.
Paolo Dini - nhà nghiên cứu tại Trường Kinh tế London, nhận định trong thời kỳ khủng hoảng như COVID-19, vấn đề chính là hệ thống thương mại thiếu tính thanh khoản vì dòng tiền biến mất.
"Vì thế, mọi thiết bị hoặc công cụ giúp duy trì thanh khoản đều rất hữu ích", Paolo Dini nhấn mạnh.
Mặc dù vẫn còn quá sớm để đo lường tác động kinh tế đầy đủ của COVID-19, GDP Mỹ giảm mạnh trong quý II khiến người ta ngày càng nghĩ nhiều về Đại suy thoái. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo cuộc khủng hoảng đang diễn ra có thể khiến GDP toàn cầu giảm 9.000 tỷ USD trong 2 năm tới. Đây là đợt suy thoái tồi tệ nhất từ những năm 1930.
Với những người ủng hộ tiền tệ địa phương, đây là cơ hội vàng để hồi sinh tiền tệ bổ trợ. "Kỉ nguyên của nền kinh tế thịnh vượng thông thường sắp kết thúc", Stephen DeMeulenaere - người đứng đầu bộ phận công nghệ của của Qoin Foundation (Hà Lan), bình luận. Qoin Foundation là một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ tiền tệ cộng đồng.
Stephen DeMeulenaere đánh giá hệ thống hiện tại gặp vấn đề về cấu trúc khi cung ứng tiền thông qua các chính sách như nới lỏng định lượng. "Chỉ in thêm tiền không có nghĩa là nó sẽ lưu thông. Nếu ai đó đang lên cơn đau tim, bạn không thể truyền máu hay hô hấp nhân tạo cho họ", ông nói.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899