DATC: Chủ động bám sát thực tế, linh hoạt phương thức mua và xử lý nợ

29/03/2022, 09:44

TCDN - Nhờ chủ động bám sát tình hình thực tế để có những giải pháp, quyết định kịp thời, giúp doanh nghiệp khách nợ cơ cấu tài chính, hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng kế hoạch trả nợ phù hợp nên Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã hoàn thành mục tiêu kép.

9-1

Từ mua nợ - bán nợ sang mua nợ - thu nợ, tái cơ cấu

Năm 2021 dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội, Chính phủ thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để phòng chống dịch (từ cuối tháng 4/2021), hoạt động kinh doanh và thực hiện các nhiệm vụ công tác của DATC thực sự bị ảnh hưởng, các phương án kinh doanh đang triển khai bị chậm lại do phải chuyển đổi qua phương thức làm việc online.

Với tinh thần chủ động bám sát tình hình thực tế để có những giải pháp, quyết định phù hợp, kịp thời DATC đã hoàn thành mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch an toàn vừa hoàn thành tốt kế hoạch kinh doanh năm 2021. Cụ thể như thay đổi phương án mua và xử lý nợ (sau khi đã được HĐTV phê duyệt) so với nghị quyết phê duyệt ban đầu để phù hợp với điều kiện, khả năng thực tế của các doanh nghiệp khách nợ. Đặc biệt, DATC có sự chuyển biến phương thức xử lý nợ từ mua nợ - bán nợ sang mua nợ - thu nợ (tái cơ cấu) thực hiện đúng hướng tôn chỉ hoạt động của DATC, giúp doanh nghiệp khách nợ cơ cấu tài chính, hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh để xây dựng kế hoạch trả nợ phù hợp.

Theo báo cáo của DATC, năm 2021, tổng doanh thu của Công ty là 1.525 tỷ đồng, đạt 109% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế là 218 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước là 159 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch.

Trong năm 2021, DATC tiếp tục thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao liên quan tới tái cơ cấu nợ Tổng công ty công nghiệp tàu thủy (SBIC); xử lý nợ các đơn vị thành viên Vinalines; tái cơ cấu Công ty cổ phần thực phẩm Miền Bắc thuộc Tổng công ty thuốc lá Việt Nam và nhiều đơn vị khác; qua đó, góp phần nâng cao năng lực tài chính, từng bước phục hồi hoạt động của các đơn vị gắn với việc thu hồi các khoản nợ của Chính phủ. Đối với xử lý nợ tại Vinalines và các doanh nghiệp thành viên, lũy kế từ năm 2015 đến nay, DATC đã mua để xử lý từ các TCTD trên 11 nghìn tỷ đồng nợ xấu; thông qua nghiệp vụ xử lý nợ, DATC đã góp phần làm tăng vốn Nhà nước và thu nhập của các doanh nghiệp này hơn 6.052 tỷ đồng.

Báo cáo của DATC cũng nêu rõ, trước thực tế số lượng DNNN cần sự trợ giúp ngày càng giảm và sự cạnh trạnh gia tăng của thị trường mua bán nợ, để phù hợp với thực tế DATC đã có sự thay đổi linh hoạt các phương thức mua và xử lý nợ, từng bước đẩy mạnh mua và xử lý nợ thông qua hình thức đấu giá theo cơ chế thị trường. Sự thay đổi linh hoạt này góp phần giúp DATC ký hợp đồng mua để xử lý khoảng 4.400 tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp; tham gia xử lý nợ, tái cơ cấu tài chính cho 10 doanh nghiệp, hoàn thành thoái vốn tại 3 doanh nghiệp.

Cùng với đó, DATC đã tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng và hoàn thiện để Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 42/2021/TT-BTC ngày 04/6/2021 về Điều lệ tổ chức và hoạt động của DATC; Thông tư số 62/TT-BTC ngày 29/7/2021 về Quy chế tài chính của DATC. Qua đó, hoàn thiện hành lang pháp lý giúp DATC tiếp tục vai trò đầu tàu trong việc tham gia hỗ trợ, tái cơ cấu doanh nghiệp và mua bán, xử lý nợ và tài sản.

Đẩy mạnh quy mô hoạt động

Ngay từ đầu năm 2022 tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và dự báo thị trường mua bán, xử lý nợ tiếp tục cạnh tranh nhưng với các thể chế, cơ chế quan trọng đã được phê duyệt DATC định hướng tiếp tục đẩy mạnh quy mô hoạt động mua và xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp trong năm 2022. Đồng thời, để hướng tới giai đoạn mới với tầm nhìn và định hướng phát triển phù hợp, DATC sẽ hoàn thiện và báo cáo Bộ Tài chính phê duyệt Đề án Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035. Đồng thời, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án Tái cơ cấu DATC giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh đó, DATC tiếp tục triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ Chính phủ giao liên quan tới: hoạt động tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản loại trừ khỏi giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa DNNN; tham gia tích cực vào quá trình tái cơ cấu để hỗ trợ sắp xếp lại và cổ phần hóa các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước theo Đề án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, DATC sẽ chủ động nghiên cứu, đề xuất tham gia xử lý nợ có tính chất Nhà nước theo cơ chế đặc thù để từ đó góp phần làm lành mạnh và nâng cao năng lực tài chính các định chế tài chính và doanh nghiệp liên quan.

Trên cơ sở những kết quả đạt được của DATC, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, DATC cần xây dựng kế hoạch hoạt động tích cực cùng các giải pháp thiết thực trong công tác chuyên môn để thực hiện có tính khả thi cao; rà soát để ban hành các quy trình, quy chế nội bộ đảm bảo đúng quy định pháp luật, công khai và minh bạch, đồng thời chủ động đề xuất và phối kết hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách của Công ty. Bên cạnh đó, DATC cần chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông và củng cố vai trò công tác Đảng, công tác đoàn thể, từ đó nâng cao tinh thần đoàn kết thống nhất nội bộ để tiếp tục phát huy và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2022.

Thu Trang

Tạp chí in số tháng 3/2022
Bạn đang đọc bài viết DATC: Chủ động bám sát thực tế, linh hoạt phương thức mua và xử lý nợ tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan