DATC hoàn thành sứ mệnh, khẳng định vị thế

25/01/2019, 10:05

TCDN - Với vị thế đi trước, dẫn đầu trong lĩnh vực mua bán nợ gắn với tái cơ cấu giúp nhiều doanh nghiệp hồi sinh và phát triển, DATC được xem là đơn vị đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ Việt Nam.

Ra đời từ năm 2003, DATC được xem là một định chế tài chính không chỉ thực hiện nhiệm vụ mua bán nợ xấu mà còn là công cụ quan trọng tham gia vào quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo lộ trình của Chính phủ.

Khi mới đi vào hoạt động, giai đoạn 2004 - 2008, tổng doanh số mua nợ và tổng doanh thu của DATC hàng năm trung bình khoảng 500 tỷ đồng, riêng năm 2007 DATC đã lần đầu tiên đạt trên 1.000 tỷ đồng tổng doanh số mua nợ và tài sản. Dù mới thành lập nhưng DATC đã thể hiện được vai trò của mình trước Chính phủ khi tiếp nhận và xử lý thành công hàng loạt các khoản nợ có giá trị hàng trăm tỷ đồng từ Ngân hàng Việt Hoa, Ngân hàng Eximbank...

Trong 15 năm qua, DATC đã mua bán, xử lý nợ và tài sản đạt trên 90.000 tỷ đồng, qua đó hỗ trợ khoảng 20 tập đoàn, tổng công ty nhà nước và trên 2.000 DNNN chuyển đổi thành công ty cổ phần qua xử lý nợ xấu và tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản được loại trừ khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Đặc biệt, DATC đã thực hiệnhỗtrợxửlýnợxấuvàtáicơ cấu theo chỉ định của Chính phủ tại Ngân hàng Việt Hoa, Eximbank, Vinalines, Vinashin (SBIC) ,Tổng công ty Dâu tằm tơ, Tổng công ty xây dựng đường thủy...

DATC đã trực tiếp tham gia tái cơ cấu cho 173 doanh nghiệp, trong đó có 33 DNNN không đủ điều kiện cổ phần hóa. Qua đó không chỉ giúp các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đóng góp cho ngân sách Nhà nước mà còn tạo điều kiện để hàng ngàn lao động có việc làm, góp phần ổn định an sinh xã hội.

Như vậy, giai đoạn 2004 - 2008, DATC là đơn vị đầu tiên và duy nhất đặt viên gạch nền móng cho sự phát triển của thị trường mua bán nợ thuở sơ khai. Trong 15 năm hoạt động, DATC đã hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, đồng thời luôn khẳng định vai trò là một định chế tàichínhvềxửlýnợvàtáicơcấu doanh nghiệp.

Ông Lê Hoàng Hải, Chủ tịch HĐTV DATC cho biết, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tại kỳ họp Quốc hội khóa XII cho thấy, tỷ lệ nợ xấu phát sinh hàng năm khoảng từ 1,3% - 1,5% dựa trên tổng dư nợ cho vay. Với mục tiêu tăng trưởng dư nợ cho vay bình quân 16%/năm thì dự kiến số nợ xấu phát sinh trong 5 năm tới (2017 - 2022) là khoảng 350.000 tỷ đồng. Mục tiêu duy trì nợ xấu dưới ngưỡng 3% thì tổng nợ xấu trong 5 năm tới tương đương mức 640.000 tỷ đồng. Như vậy, trung bình phải xử lý gần 130.000 tỷ đồng/năm trong vòng 5 năm tới. Vì vậy, cả DATC, VAMC và hệ thống các AMC của ngân hàng thương mại cũng như các thành phần kinh tế khác (được thành lập theo Nghị định số 69/2016/NĐ-CP) phải hết sức nỗ lực mới đáp ứng được yêu cầu đặt ra về xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu nền kinh tế và củng cố ổn định nền tài chính quốc gia.

Tuy nhiên, cơ chế hoạt động của DATC hiện còn nhiều vướng mắc, ví dụ như lợi ích của việc xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp lớn nhưng thực tế DATC đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu cơ chế mua nợ để tái cơ cấu phục hồi doanh nghiệp. Để tái cơ cấu doanh nghiệp đang kinh doanh thua lỗ, lâm vào tình trạng phá sản phải có một khoản chênh lệch giá từ mua bán nợ để tái cơ cấu về tài chính cho các doanh nghiệp. Khó khăn lớn nhất ở đây là đa phần các doanh nghiệp có nhiều chủ nợ (không chỉ 1 ngân hàng), một số ngân hàng là chủ nợ đồng ý bán nợ nhưng một số khác chỉ tập trung thu nợ, dẫn đến việc thu tài sản, khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản.Để thực hiện xử lý nợ và tái cơ cấu doanh nghiệp thành công, cần có sự đồng thuận từ các chủ nợ, từ đó dành đủ chênh lệch giữa giá mua và giá trị nợ để xử lý.

Ngoài ra, về phía Chính phủ cũng chưa có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp sau tái cơ cấu để phục hồi ổn định sản xuất, kinh doanh. Phần lớn doanh nghiệp sau tái cơ cấu yếu về tài chính nhưng không tiếp cận được nguồn vốn từ phía ngân hàng để đầu tư phục hồi sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, DATC cũng chưa có cơ chế để bảo lãnh hoặc hỗ trợ vốn cho những doanh nghiệp này. Mặt khác, DATC chưa có cơ chế buộc các chủ nợ khác phối hợp để tái cơ cấu cho doanh nghiệp.
Do đó, doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn vì chỉ có DATC xóa nợ (gốc và lãi) để giúp doanh nghiệp cân bằng tài chính, còn các chủ nợ khác vẫn tính và thu lãi, bao gồm cả lãi phạt (phạt chậm trả nợ vay, chậm nộp thuế và bảo hiểm xã hội trước đây). Một số doanh nghiệp sau tái cơ cấu phải dừng sản xuất kinh doanh vì bị thu hồi hóa đơn và bị khởi kiện vì nợ bảo hiểm xã hội.

DATC chưa có cơ chế phù hợp cho việc mua và xử lý nợ xấu đối với doanh nghiệp không đủ điều kiện để tái cơ cấu tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách Xã hội. Vì vậy, doanh nghiệp buộc phải thực hiện phá sản và thu hồi được rất ít nếu so với bán nợ cho DATC để tái cơ cấu vì tài sản bị xuống cấp, hao hụt, mất giá trong quá trình xử lý, thi hành án... Nhà nước mất nguồn thu (vì doanh nghiệp bị phá sản, dừng hoạt động), người lao động bị mất việc làm tạo nguy cơ bất ổn trên địa bàn.

Về hoạt động thoái vốn, bán nợ, cũng như SCIC và các AMC khác, DATC cũng gặp phải những khó khăn, vướng mắc về cơ chế thoái vốn như mất nhiều thời gian đăng ký thủ tục thoái vốn thông qua Ủy ban chứng khoán nhà nước, trong khi tại các Sở giao dịch chứng khoán chưa có cơ chế thoái vốn cả lô, thoái vốn cả lô kèm nợ phải thu. Việc thoái vốn theo cơ chế tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP chưa có hướng dẫn cụ thể về chuyển nhượng lô vốn góp kèm nợ phải thu, cũng như chưa làm rõ việc bán đấu giá không thành công thì có được điều chỉnh giảm giá khởi điểm bán đấu giá...

Hạnh Trần - Tạp chí TCDN số 1+2/2019
Bạn đang đọc bài viết DATC hoàn thành sứ mệnh, khẳng định vị thế tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899