Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế

29/05/2022, 14:30

TCDN - Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh đã có 108 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3.813,2 triệu USD. Trong đó khu vực tập trung các dự án quy mô lớn là ở huyện Phú Lộc có 10 dự án với tổng vốn đăng ký là 2.517,2 triệu USD.

6-1

Tóm tắt

Bài báo phân tích thực trạng thu hút và quản lý vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2010-2019 trên 5 tiêu chí cơ bản: Số lượng dự án và vốn đăng ký; Cơ cấu ngành nghề đầu tư; Cơ cấu nước đầu tư; Cơ cấu hình thức đầu tư; Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra một số khuyến nghị chính sách để nâng cao hiệu quả thu hút và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian tới.

1. Đặt vấn đề

Thực tiễn phát triển kinh tế ở Việt Nam cho thấy FDI là nguồn vốn rất quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thay đổi cơ cấu lao động từ đó góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư trong nước, như bổ sung cho tổng vốn đầu tư xã hội, đóng góp quan trọng vào xuất khẩu, vào nguồn thu ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, FDI còn là kênh chuyển giao công nghệ quan trọng, góp phần nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh đã có 108 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3.813,2 triệu USD. Trong đó khu vực tập trung các dự án quy mô lớn là ở huyện Phú Lộc có 10 dự án với tổng vốn đăng ký là 2.517,2 triệu USD, chiếm gần 70% tổng vốn đầu tư FDI trên toàn tỉnh.

FDI vào huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có những tác động tích cực và tiêu cực tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc nghiên cứu, phân tích và đánh giá những tác động của hình thức đầu tư này trên địa bàn huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế là vấn đề cần thiết để góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm tái cơ cấu đầu tư theo hướng phát triển chiều sâu và bền vững.

2. Tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

2.1 Về số lượng doanh nghiệp đăng ký đầu tư và số vốn đầu tư

Sau hơn 30 năm hoạt động đầu tư nước ngoài tại tỉnh Thừa Thiên Huế (kể từ năm 1987) khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành và có hiệu lực Tính đến cuối năm 2019, tỉnh Thừa Thiên Huế có 108 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp giấy phép đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 3.813,2 triệu USD.

Riêng năm 2019, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 294,5 triệu USD (trong đó, Ban Quản lý Khu kinh tế, Công nghiệp tỉnh cấp mới 04 dự án với tổng vốn đăng ký 232,5 triệu USD).

Sự phân bố dự án đầu tư ngày một cân đối hơn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Những năm đầu chủ yếu tập trung ở thành phố Huế, đến cuối năm 2019 đã có 9/9 huyện, thị xã, thành phố có dự án đầu tư. Đặc biệt, khu vực tập trung các dự án quy mô lớn là huyện Phú Lộc có khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô có 10 dự án với tổng vốn đăng ký là 2.517,2 triệu USD và chiếm gần 70% tổng vốn đầu tư FDI trên toàn tỉnh.

Năm 2019, trên địa bàn huyện Phú Lộc có 02 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT): dự án nhà máy chế xuất Billion Max Việt Nam (Hồng Kông) với vốn đăng ký 15 triệu USD; dự án Nhà máy dệt Sunjin AT&C Vina (Hoa Kỳ) với vốn đăng ký 4,5 triệu USD.

6.Bieudo1

Qua số liệu biểu đồ 1 cho ta thấy, số lượng các doanh nghiệp FDI đầu tư trên địa bàn huyện Phú Lộc có xu hướng ổn định tương đối đều từ giai đoạn 2015 - 2019 do đây là thời kỳ nền kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam cũng có mức tăng trưởng khá ổn định.

6_Bieudo2

Biểu đồ 2 cho thấy số vốn đăng ký đầu tư trên địa bàn huyện giai đoạn 2010-2019, số vốn đầu tư đăng ký qua các năm ổn định. Đặc biệt năm 2019, vốn đầu tư tăng mạnh mặc dù số dự án đăng ký đầu tư vẫn chỉ đạt 10 dự án, nhưng tổng vốn đầu tư tăng từ 1.360,7 triệu USD lên 2.517,2 triệu USD. Một số dự án lớn đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục pháp lý để triển khai xây dựng như: dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Quốc tế Minh Viễn Lăng Cô; dự án Khu du lịch Laguna Lăng Cô, dự án Nhà máy chế xuất Billion Max Việt Nam, dự án Nhà máy dệt Sunjin AT&C Vina; một số dự án đã và đang hoạt động kinh doanh cũng đã đầu tư thêm các máy móc, trang thiết bị nhằm nâng cao năng suất sản xuất. Từ đó cho ta thấy quy mô của các dự án cũng có xu hướng gia tăng.

Dự án Khu du lịch Laguna Lăng Cô của Công ty TNHH Laguna Việt Nam: Hiện tại, nhà đầu tư đang tích cực tìm kiếm các đối tác có năng lực, kinh nghiệm trong việc đầu tư, quản lý kinh doanh casino trên thế giới và thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư. Trong năm 2020 nhà đầu tư triển khai thi công xây dựng khối khách sạn và khu biệt thự với vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD; kế hoạch vốn giải ngân năm 2020 là 43,4 triệu USD; tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên trong năm 2020, vốn thực hiện khoảng 26 triệu USD.

Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Quốc tế Minh Viễn Lăng Cô của Công ty Cổ phần Quốc tế Minh Viễn: nhà đầu tư đang triển khai thi công xây dựng giai đoạn 1 của dự án với vốn đầu tư thực hiện ước đạt khoảng 350 tỷ đồng; kế hoạch vốn giải ngân năm 2020 là 43,4 triệu USD; tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên trong năm 2020, vốn thực hiện khoảng 26 triệu USD.

Dự án Nhà máy chế xuất Billion Max Việt Nam của Công ty Billion Max International Development Limited: Kế hoạch vốn giải ngân năm 2020 là 11 triệu USD.

2.2 FDI phân theo nước đầu tư

Vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn huyện Phú Lộc khá đa dạng, gồm cả các nhà đầu tư đến từ: Đài Loan, Hồng kong, Trung Quốc, Singapore, Anh, British Virgin Islands, Mỹ, Hàn Quốc… Tính đến hết ngày 31/12/2019 trên địa bàn huyện Phú Lộc có các nhà đầu tư đến từ 7 nước và vùng lãnh thổ. Đầu năm 2020 có thêm 02 nhà đầu tư mới đến từ Mỹ và Nhật Bản.

6_bieudo3
6_Bang1

Qua số liệu ở biểu đồ 3 và bảng 1 cho thấy, Singapore là nước có số doanh nghiệp FDI đầu tư nhiều nhất trên địa bàn huyện Phú Lộc (03 doanh nghiệp chiếm tỷ lệ 30% số doanh nghiệp FDI trên địa bàn huyện) và số vốn cao nhất so với các nước (2.103,4 triệu USD chiếm tỷ lệ 83,56% tổng vốn đăng ký FDI trên địa bàn huyện). Nhìn chung, các doanh nghiệp Singapore đầu tư chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp và du lịch và đa số có sự đầu tư tốt về công nghệ và bảo vệ tốt môi trường tự nhiên và môi trường lao động. Đây là động lực mạnh mẽ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tiếp đến là Trung Quốc (dự án Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Quốc tế Minh Viễn Lăng Cô - Việt Nam; dự án Nhà máy chế xuất Billion Max Việt Nam của Công ty Billion Max International Development Limited) với tổng số vốn đăng ký đầu tư 383 triệu USD chiếm tỷ lệ 15,22%. Còn lại các đối tác khác như Đài Loan, Hồng Kong, Hàn Quốc, Anh…

Thời gian qua, đã thu hồi một số dự án của một số nhà đầu tư như Mỹ, Singapore cụ thể: dự án Nhà máy cơ khí chính xác Chân Mây của công ty TNHH Cơ khí Chân Mây với vốn đăng ký 3.000.000 USD; dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng ven biển Lăng Cô của công ty TNHH Pegasus Fun 2 - Việt Nam với vốn đăng ký 4.800.000 USD, dự án Banyan Tree Đông Dương của công ty TNHH Banyan Tree Đông Dương lý do nhà đầu tư đề nghị chấm dứt hoạt động dự án.

2.3 Cơ cấu ngành nghề thu hút đầu tư FDI

Tính đến hết 31/12/2019, các doanh nghiệp FDI đầu tư trong khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô trên địa bàn huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế với tổng số 10 dự án nhưng chủ yếu tập trung vào lĩnh vực du lịch - dịch vụ.

6_Bang2

Từ số liệu bảng 2 cho thấy, các nhà đầu tư FDI trên địa bàn huyện Phú Lộc chủ yếu thực hiện trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch chiếm 50% tổng số dự án và 98,77% tổng số vốn đầu tư. Điều đáng chú ý huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch - dịch vụ.

Đây là lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nhóm ngành này, phù hợp với quan điểm phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Sản xuất công nghiệp, chế biến, chế tạo chiếm 30% tổng số dự án và chiếm 0,83% tổng số vốn đầu tư trên địa bàn huyện. Sản xuất nông, lâm nghiệp có 02 dự án, chỉ chiếm 0,40% tổng số vốn đầu tư, điều này một phần do đặc điểm của ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp của điều kiện tự nhiên, thời tiết không thuận lợi nên kém hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

2.4 FDI phân theo hình thức đầu tư

6_Bang3

Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và trên địa bàn huyện Phú Lộc nói riêng chủ yếu là vốn đầu tư dưới hình thức doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp liên doanh.

Cụ thể, theo hình thức doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước có 8 dự án với tổng vốn đăng ký 2.497,2 triệu USD, chiếm tỷ trọng 80% về dự án và 99,2% về tổng vốn đăng ký.

Các dự án 100% vốn nước ngoài trên địa bàn huyện có quy mô khá lớn như: dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô của công ty cổ phần quốc tế Minh Viễn, đặc biệt dự án Laguna Lăng Cô của Công ty TNHH Laguna. Hình thức liên doanh có 02 dự án với tổng vốn đăng ký 20 triệu USD, chiếm tỷ trọng 20% về số dự án và chiếm 0,8% tổng vốn đầu tư, một số dự án liên doanh quy mô vừa như: dự án trồng và chế biến cây nguyên liệu giấy của công ty TNHH Liên doanh nguyên liệu giấy, dự án Khu nghỉ dưỡng Làng Xanh Lăng Cô của công ty Liên doanh Làng xanh - Lăng Cô.

3. Một số khuyến nghị chính sách nâng cao hiệu quả thu hút và quản lý vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Đẩy mạnh việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hướng gắn với quy hoạch theo ngành, lĩnh vực, lựa chọn đối tác phù hợp. Có chính sách ưu tiên phù hợp cho các doanh nghiệp FDI muốn đầu tư vào địa phương để từ đó phát huy lợi thế của địa phương, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đai hóa gắn với kinh tế tri thức.

- Quá trình thu hút FDI phải theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, các dự án phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, các dự án tạo nhiều việc làm cho lao động. Tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước, phù hợp với định hướng tái cấu trúc nền kinh tế.

Đa dạng hoá hình thức đầu tư, khuyến khích và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô…

- Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính để phục vụ doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, nhất là các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

- Tăng cường thu hút các dự án quy mô lớn, sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao, từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới, từ đó xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, các doanh nghiệp phụ trợ. Đồng thời, chú trọng đến các dự án có quy mô vừa và nhỏ có tác động tích cực đến KT-XH của địa phương.

4. Kết luận

Cùng với xu thế chung của đất nước, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế đang trong quá trình hội nhập sâu, rộng vào thị trường khu vực và thị trường thế giới. Quá trình đó đem lại nhiều hơn những cơ hội thu hút đầu tư FDI phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của huyện theo hướng hiện đại, chuyển dịch theo đúng định hướng đã đề ra, phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức.

Tài liệu tham khảo:

1. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Báo cáo tổng kết 30 năm hoạt động đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (kể từ năm 1987).

2. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019 và kế hoạch năm 2020.

3. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp, Báo cáo phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, phương hướng nhiệm vụ thời kỳ 2021 - 2025.

4. UBND huyện Phú Lộc, Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020 và định hướng phát triển giai đoạn 2021 - 2025.

ThS. Nguyễn Hữu Lợi - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế

ThS. Giáp Nguyên Nhật - Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế

Tạp chí in số tháng 5/2022
Bạn đang đọc bài viết Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận