Đề nghị “hoàn trước” “kiểm sau” với hồ sơ hoàn thuế

16/08/2023, 13:51
báo nói -

TCDN - Ban Dân nguyện đề nghị ngành thuế coi trọng công tác “hậu kiểm”, thực hiện “hoàn trước, kiểm sau” đối với hồ sơ hoàn thuế, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức lợi dụng việc hoàn thuế GTGT để có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nhà nước.

Sáng 16/8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 7/2023.

Báo cáo tại phiên họp, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân còn băn khoăn, lo lắng về tình trạng sạt lở, sụt lún, lũ quét tại một số địa phương, gây thiệt hại không nhỏ về người, tài sản, ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống người dân; tình hình sản xuất kinh doanh, thị trường lao động, việc làm gặp nhiều khó khăn. Giá cả nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt, hàng tiêu dùng và các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất, đời sống có xu hướng tăng từ trước thời điểm tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhưng đến đầu tháng 8/2023 vẫn tiếp tục tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình.

Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình.

Việc thực hiện trách nhiệm hoàn thuế GTGT của cơ quan thuế đối với doanh nghiệp xuất khẩu đã gây tác động lớn đến vốn, hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu và uy tín của doanh nghiệp…

Từ đó, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đánh giá, tìm ra nguyên nhân xảy ra nhiều vụ sạt lở, sụt lún tại một số địa phương để có giải pháp thích hợp bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân; tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, ổn định sản xuất và kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp...

Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chấn chỉnh kịp thời việc hoàn thuế GTGT của cơ quan Thuế đối với hồ sơ đề nghị hoàn thuế đã thực hiện đầy đủ quy định về hoàn thuế; xử lý nghiêm đối với các trường hợp lạm dụng chức trách, nhiệm vụ để đưa ra các yêu cầu trái quy định để sách nhiễu, làm mất uy tín của doanh nghiệp có đề nghị hoàn thuế; coi trọng công tác “hậu kiểm”, thực hiện “hoàn trước, kiểm sau” đối với hồ sơ hoàn thuế, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức lợi dụng việc hoàn thuế GTGT để có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nhà nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Ban Dân nguyện làm việc với Tổng cục Thuế và có báo cáo cụ thể với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề hoàn thuế GTGT xem hiện nay còn vướng mắc một số quy định, thông tư, trách nhiệm trong hậu kiểm và thực hiện "hoàn trước kiểm sau" ra sao. Mục tiêu là phải vừa ngăn ngừa được những hành vi trục lợi, tham nhũng, tiêu cực trong chính sách, vừa phải đảm bảo thực hiện nghiêm quy định của Luật Quản lý thuế.

Tại Công điện về việc đẩy mạnh giải quyết hoàn thuế GTGT ngày 9/8, Tổng cục Thuế giao Cục trưởng Cục Thuế địa phương trực tiếp và phân công các Phó cục trưởng rà soát đến từng hồ sơ đề nghị hoàn thuế, đặc biệt là hồ sơ đã được phân loại kiểm tra trước, hoàn thuế sau để đẩy nhanh công tác kiểm tra, xác minh điều kiện hoàn thuế.

Đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT mà Cơ quan Thuế đã kết thúc kiểm tra, xác định đủ điều kiện hoàn thì thực hiện giải quyết hoàn thuế ngay.

Đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế của doanh nghiệp xuất khẩu đang được kiểm tra, xác minh mà đã quá thời hạn giải quyết theo quy định, trường hợp kết quả kiểm tra, xác minh đến thời điểm hiện tại chưa phát hiện các hành vi gian lận về thuế thì Cơ quan Thuế căn cứ hồ sơ và các tài liệu kèm theo của doanh nghiệp cung cấp để xác định số thuế đủ điều kiện hoàn thuế và thực hiện giải quyết hoàn thuế theo quy định.

Trường hợp sau khi giải quyết hoàn thuế, Cơ quan Thuế phát hiện doanh nghiệp có hành vi kê khai sai về số thuế đề nghị hoàn thuế thì doanh nghiệp phải nộp lại số tiền thuế đã được hoàn thừa và tiền chậm nộp theo quy định, đồng thời doanh nghiệp chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với hành vi vi phạm của mình.

Đối với các hồ sơ Cơ quan Thuế phát hiện các hành vi, dấu hiệu gian lận nhằm trục lợi tiền hoàn thuế từ ngân sách nhà nước thì củng cố hồ sơ để chuyển cơ quan công an điều tra, đồng thời thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp được biết và căn cứ kết luận của các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế tiếp tục sắp xếp, bố trí bổ sung cán bộ công chức tham gia giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế, nhất là hồ sơ của các doanh nghiệp xuất khẩu, đảm bảo đến hết tháng 9 năm 2023, kết quả hoàn thuế GTGT đạt và vượt so với cùng kỳ năm 2022.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Đề nghị “hoàn trước” “kiểm sau” với hồ sơ hoàn thuế tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Doanh nghiệp gỗ 'than' bị chậm hoàn thuế GTGT, Tổng cục Thuế nói gì?
Liên quan đến những kiến nghị của doanh nghiệp gỗ và sản phẩm từ gỗ về chậm hoàn thuế GTGT, Tổng cục Thuế cho biết, từ năm 2022 đến nay ngành thuế đã tiếp nhận 5.213 hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT đối với xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ, hồ sơ đã giải quyết chiếm tỷ lệ 93,7%.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Kiên quyết không hoàn thuế GTGT với hồ sơ không đủ điều kiện
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc yêu cầu ngành Thuế cần tập trung giải quyết các hồ sơ hoàn thuế GTGT đảm bảo công khai minh bạch, kiên quyết không hoàn thuế đối với hồ sơ không đủ điều kiện, hồ sơ có dấu hiệu gian lận cần chuyển cho cơ quan Công an phối hợp xử lý đúng theo quy định.