Thanh Hóa: Gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất gần 400 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp
TCDN - Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, bên cạnh tăng cường chống thất thu thuế, ngành thuế và hải quan Thanh Hóa còn hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.
Thực hiện các chính sách về thuế nhằm hỗ trợ khu vực sản xuất, kinh doanh phục hồi, 7 tháng năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đã gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất khoảng 385 tỷ đồng; giảm thuế bảo vệ môi trường 780 tỷ đồng, giảm tiền thuê đất 55 tỷ đồng. Cùng với đó, từ đầu tháng 7 đến hết năm nay, các doanh nghiệp được giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% đối với nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ.
Hơn nữa, việc Nhà nước liên tục có các chính sách về giảm thuế VAT 2%, giảm tiền thuê đất, giãn nộp thuế cho doanh nghiệp và người dân, thì kết quả thu ngân sách trên rất đáng ghi nhận.
Cục thuế tỉnh Thanh Hóa cho biết: Bên cạnh chính sách về thuế giá trị gia tăng, các chính sách hỗ trợ về thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm phí lệ phí, việc sản xuất kinh doanh được tháo gỡ, hỗ trợ một phần góp phần kích cầu cũng như nền kinh tế phục hồi, phát triển hơn. Chính việc phục hồi sản xuất kinh doanh tạo cho việc huy động ngân sách nhà nước trong ngắn hạn cũng như dài hạn.
Năm 2023, Tỉnh ủy Thanh Hóa đặt mục tiêu thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn vượt 10% so với dự toán giao. Như vậy, số thu còn phải thực hiện trong 5 tháng cuối năm là trên 15.000 tỷ đồng. Đây là nhiệm vụ khá nặng nề trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức khó lường. Mặt khác, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn bảo dưỡng tổng thể nhà máy trong 55 ngày làm giảm thu ngân sách dự kiến từ 750 đến 800 tỷ đồng; các chính sách giảm thuế, phí, tiền thuê đất để hỗ trợ, phục hồi sản xuất, kinh doanh sẽ tác động đến giảm thu ngân sách Nhà nước dự kiến trên 1.400 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, những chính sách hỗ trợ về thuế cho doanh nghiệp và người dân của Quốc hội và Chính phủ trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả trong hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, để sau đó có thể quay trở lại đóng góp tích cực vào ngân sách Nhà nước.
7 tháng năm 2023, thu nội địa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt trên 13.600 tỷ đồng, bằng 63% dự toán và 68% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt trên 10.100 tỷ đồng, bằng 75% dự toán và 88% so với cùng kỳ. Theo đánh giá của các ngành thực hiện nhiệm vụ thu, mặc dù số thu đảm bảo tiến độ và đạt khá so với dự toán nhưng giảm so với cùng kỳ.
Chủ yếu do tiền thu một số khoản có tỷ trọng lớn như thu từ doanh nghiệp nhà nước, thuế thu nhập cá nhân, thuế bảo vệ môi trường, lệ phí trước bạ…giảm. Nguyên nhân là do sức ép lạm phát tăng cao, tình hình sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp trọng điểm trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn; nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chưa có đơn hàng phải cắt giảm sản xuất hoặc giảm lượng nguyên liệu nhập khẩu; đơn giá bình quân các mặt hàng nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn như dầu thô, sắt thép phế liệu giảm mạnh...
Các chính sách về thuế hỗ trợ khu vực sản xuất, kinh doanh phục hồi đã đáp ứng được sự mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp, là nguồn trợ lực tài chính kịp thời, mạnh mẽ, giúp các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có thêm sức đề kháng để ổn định và phát triển sản xuất, tiếp tục có đóng góp quan trọng vào ngân sách Nhà nước. Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa được giao dự toán thu ngân sách trên 35.000 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa gần 22.000 tỷ đồng.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899