Đề xuất cơ chế, chính sách vận hành thị trường năng lượng cạnh tranh
TCDN - Về thị trường năng lượng, chính sách giá điện, giá than, giá xăng dầu, Đoàn giám sát Quốc hội kiến nghị nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách vận hành thị trường năng lượng cạnh tranh phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp theo lộ trình phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh.
Sáng 12/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”.
Trình bày Báo cáo tóm tắt Kết quả giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Phó trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát nêu rõ, trong giai đoạn 2016 - 2021, với định hướng chiến lược đúng đắn của Đảng, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự tham gia, ủng hộ của người dân, ngành năng lượng nước ta đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực; bám sát định hướng và đạt được nhiều mục tiêu cụ thể đề ra.
Cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện. Công nghiệp khai thác dầu khí, lọc hoá dầu tiếp tục phát triển, hình thành được một số cơ sở lọc hoá dầu quy mô lớn. Đã đầu tư xây dựng nhiều dự án mỏ than có công suất lớn; sản lượng khai thác than thương phẩm tăng; thuỷ điện phát triển nhanh, gần đây điện gió và điện mặt trời bắt đầu phát triển với tốc độ cao.
Đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp điện có sự phát triển mạnh mẽ, đưa điện lưới quốc gia tới hầu hết mọi miền của đất nước. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày càng được quan tâm. Đã bước đầu thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng sang hoạt động theo cơ chế thị trường; huy động được nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, nòng cốt là các doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, phát triển năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức, đặc biệt đã xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ năm 2022, thiếu điện một số thời điểm của năm 2023; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi.
Công tác quản lý, khai thác nguồn tài nguyên năng lượng còn hạn chế. Hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng còn thấp. Cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ. Trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành năng lượng chậm được nâng cao, việc nội địa hoá và hỗ trợ thị trường từ các dự án trong ngành năng lượng cho hàng hoá cơ khí chế tạo sản xuất trong nước còn hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động trong một số lĩnh vực còn thấp.
Thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện; chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội.
Một số dự án năng lượng do doanh nghiệp nhà nước đầu tư còn thua lỗ; một số dự án năng lượng đầu tư ra nước ngoài tiềm ẩn nhiều khả năng mất vốn. Công tác bảo vệ môi trường trong ngành năng lượng có nơi, có lúc chưa được quan tâm đúng mức, gây bức xúc xã hội.
Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập, thích ứng kịp thời với bối cảnh trong giai đoạn mới, Đoàn giám sát kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021. Theo đó, phân công trách nhiệm cụ thể đối với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cần làm ngay giai đoạn 2024-2025:
Tập trung rà soát, trình Quốc hội việc sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Khoáng sản, Luật Hóa chất, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật khác để tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn khi triển khai đầu tư các dự án, hạ tầng năng lượng, cụ thể:
Về thị trường năng lượng, chính sách giá điện, giá than, giá xăng dầu, Đoàn giám sát kiến nghị nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách vận hành thị trường năng lượng cạnh tranh phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp theo lộ trình phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh.
Về bảo đảm tính khả thi, hiệu quả đầu tư và nguồn vốn thực hiện các dự án năng lượng, Đoàn giám sát kiến nghị rà soát, đánh giá tính khả thi của các dự án nguồn và lưới điện dự kiến thu hút đầu tư hoặc được cam kết đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2023 - 2030; Nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi về đầu tư, phát triển, quản lý hệ thống kho, cảng dự trữ xăng dầu tại khu vực Bắc - Trung - Nam để đáp ứng yêu cầu về dự trữ, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Xem xét ban hành chính sách ưu tiên triển khai xây dựng hạ tầng kho cảng nhập khẩu LNG theo hướng phát triển các kho cảng LNG trung tâm có công suất lớn, gần các trung tâm điện lực sử dụng LNG để tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng vận chuyển, phân phối khí, tối ưu hóa chi phí và giảm giá thành sản xuất điện...
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, điều tra và kết luận, xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng; trong năm 2023, làm rõ nguyên nhân gây ra khoản lỗ của các Tập đoàn/Tổng công ty nhà nước phát triển năng lượng trong thời gian vừa qua.
Phó tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2021, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức 10 cuộc thanh tra liên quan đến lĩnh vực năng lượng, đã ban hành 10 Kết luận thanh tra, phát hiện vi phạm về kinh tế khoảng hơn 15 nghìn tỷ đồng. Theo đó, kiến nghị thu hồi cho nhà nước khoảng hơn 1.900 tỷ đồng, kiến nghị xử lý về đất là 5.600m2, kiến nghị xem xét xử lý hành chính nhiều tập thể, cá nhận và chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét khoảng 23 vụ.
Qua báo cáo của Đoàn giám sát, Thanh tra Chính phủ đề nghị Đoàn giám sát và Quốc hội cân nhắc bổ sung kiến nghị những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm, Chính phủ cũng rất quyết liệt trong việc thực hiện điều chỉnh cơ chế giá điện và xăng dầu, quản lý nguồn và lưới điện. Các cơ quan đã và đang vào cuộc, tập trung kiểm tra, thanh tra vấn đề này.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị Đoàn giám sát bổ sung vào Nghị quyết của Quốc hội kiến nghị rõ hơn vấn đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch của các phân ngành liên quan đến năng lượng như quy hoạch về điện và xăng dầu... Liên quan đến nội dung này, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra, kiểm tra và có kết luận chính thức. Do đó, đề nghị Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Theo Phó tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh thời gian qua Kiểm toán nhà nước đã tiến hành 19 cuộc kiểm toán.
Nêu rõ vấn đề về năng lượng là chuyên đề khó được người dân dư luận quan tâm, Phó tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh bày tỏ đồng tình với báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát. Đồng thời cho biết thêm, qua 19 cuộc làm việc của Kiểm toán nhà nước liên quan đến vấn đề năng lượng, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý trên 24 tỷ đồng và đến nay đã thực hiện được 83,1% theo kế hoạch.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899