"Điểm nghẽn" ở VNPT trên con đường cổ phần hóa

01/09/2019, 17:11

TCDN - Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNPT Trần Mạnh Hùng cho hay, khó khăn lớn nhất hiện nay của VNPT là việc xác định giá trị quyền sử dụng đất nên đã ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa của doanh nghiệp này

2.840 tỷ đồng là tổng lợi nhuận sau thuế của VNPT trong năm 2018, tăng khoảng 4,4% so với cùng kỳ 2017 - Ảnh: Internet.

2.840 tỷ đồng là tổng lợi nhuận sau thuế của VNPT trong năm 2018, tăng khoảng 4,4% so với cùng kỳ 2017 - Ảnh: Internet.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đang đối mặt nhiều thách thức ở ngành kinh doanh truyền thống và gặp thế khó trong việc định giá doanh nghiệp trước thềm cổ phần hóa.Với tổng số vốn điều lệ 67.054 tỷ đồng, nhà nước dự kiến sẽ bán 35% cổ phần và chỉ nắm giữ 65% cổ phần VNPT.

Doanh thu đi ngang

Đến cuối 2018, VNPT có trên 34 triệu thuê bao, trong đó có 31,3 triệu thuê bao Vinaphone; còn lại là thuê bao cố định, thuê bao Internet băng thông rộng.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, VNPT đạt 26.118 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng 2,4% và lợi nhuận sau thuế đạt 2.840,8 tỷ, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Doanh thu hợp nhất của VNPT gần như chỉ đi ngang trong 4 năm trở lại đây, quanh mức 51 - 52 nghìn tỷ đồng, dù vậy lợi nhuận trước thuế và sau thuế của VNPT tăng vọt trong giai đoạn 2016-2018. Trong đó, lợi nhuận trước thuế năm 2018 đạt 6.447 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2017.

Trong số các đơn vị ăn lên làm ra của VNPT, phải kể đến “con gà đẻ trứng vàng” là Vinaphone. Trong đó, năm 2018 doanh thu của Vinaphone đạt 41.908 tỷ đồng, tăng 5,52%, lợi nhuận trước thuế đạt 1.558 tỷ đồng, tăng 18,66% so với năm 2017. Vinaphone đặt mục tiêu doanh thu hàng năm giữ mức tăng trưởng bình quân trên 8%/năm và lợi nhuận tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 10%/năm.

Trong khi đó, Bệnh viên Bưu điện - đơn vị trực thuộc của VNPT, năm 2018 đã nhận sáp nhập Bệnh viện Phục hồi chức năng Bưu điện, doanh thu năm 2018 đạt 990 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2017 và lợi nhuận đạt xấp xỉ 48,4 tỷ đồng.

Thách thức ngành truyền thống

Theo các chuyên gia, khách hàng đã chuyển hướng sang sử dụng các cuộc gọi OTT như Viber, Zalo, Skype, Facebook… do đó các nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông cơ bản như gọi điện thoại hay SMS đang ở thời kỳ suy thoái.

Bà Trần Thị Thanh Mai, Giám đốc Công ty Kantar Media, cho biết tốc độ tăng trưởng của Internet cộng với sự phổ biến của các thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh, máy tính bảng, Smart TV, HD box… sẽ hỗ trợ phát triển mạnh mẽ OTT. Điều này khiến dịch vụ kinh doanh nghe gọi truyền thống ngày càng bị mai một.

Trong thời gian ngắn, thị trường OTT tại Việt Nam có sự bùng nổ mạnh mẽ với sự tham gia của các ông lớn nội địa, như VTV, VTC, K+, SCTV, FPT Telecom, BHD, Galaxy,… cho đến các nhà đầu tư nước ngoài, như iFlix, Netflix...

Để cạnh tranh, VNPT cũng chuyển hướng đẩy mạnh phát triển 4G, 5G, cũng như các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền di động, băng rộng cố định, đồng thời đầu tư phát triển các dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT), phân tích dữ liệu Big Data.

Theo định hướng của VNPT, hiện Tập đoàn tập trung phát triển 3 mảng chính: các thiết bị đầu cuối do VNPT Technology thực hiện; sản xuất thiết bị vật tư, sản xuất công nghiệp; và dịch vụ tích hợp viễn thông, CNTT.Đặc biệt, VNPT còn phát triển các phần mềm Chính phủ điện tử, hiện hầu hết các bộ ngành địa phương đang sử dụng hệ thống trục liên thông văn bản quốc gia do VNPT triển khai.

Khó khăn khâu định giáTheo ông Nguyễn Hồng Long- Phó trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp trung ương, không chỉ riêng đối với VNPT mà nhiều DNNN khác, CPH chậm là do vướng đất đai.

Việc xây dựng được phương án sử dụng đất là tiền đề để xây dựng phương án CPH. Đây là khó khăn, vướng mắc lớn nhất, vì nguồn gốc đất đai của DNNN qua một thời gian dài rất phức tạp. CPH không bao giờ gây ra mất đất, nhưng quá trình chuyển mục đích sử dụng đất sau CPH mới làm thất thoát đất.

Do vậy, việc xác định giá trị doanh nghiệp rất quan trọng để tránh thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình bán đấu giá cổ phần của DNNN. Trước đây, DNNN có quy mô vốn trên 5.000 tỷ đồng mới phải mời cơ quan kiểm toán vào kiểm toán để xác định giá trị tài sản, nhưng pháp luật hiện hành quy định DNNN có giá trị chỉ trên 1.800 tỷ đồng bắt buộc phải thực hiện kiểm toán để xác định giá trị tài sản. Do vậy với số vốn trên 67 ngàn tỷ đồng, thì khâu định giá ở VNPT phải được thực hiện rất chặt chẽ.

Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV VNPT, cũng đã từng chia sẻ khó khăn lớn nhất hiện nay của VNPT là việc xác định giá trị quyền sử dụng đất. VNPT có 4.270 mảnh đất trên 63 tỉnh, thành và hiện khâu phê duyệt CPH chưa xong nên chưa có cơ sở xác định chi phí CPH để thuê tư vấn. “Với tiến độ này, khả quan nhất thì phải đến cuối năm 2020 VNPT mới xác định được giá trị doanh nghiệp, tức là phải sang năm 2021 VNPT mới có thể CPH được”, ông Hùng chia sẻ.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia lo ngại, một lượng lớn cổ phần VNPT được bơm ra thị trường trong bối cảnh nền thị trường chứng khoán không mấy khởi sắc, sẽ là bài toán khó đối với VNPT trong việc tìm đối tác chiến lược, cho dù VNPT là một trong những doanh nghiệp được chờ đợi IPO nhất trong suốt 10 năm qua.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Bạn đang đọc bài viết "Điểm nghẽn" ở VNPT trên con đường cổ phần hóa tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Duyệt cổ phần hóa 93 doanh nghiệp đến cuối 2020
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. Theo đó, có 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020.