Diễn đàn Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam

07/08/2024, 11:25

TCDN - Chiều nay (7/8), Tạp chí Tài chính doanh nghiệp phối hợp với các bên liên quan tổ chức Diễn đàn Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam.

Quốc hội ban hành Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12/11/2021 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu tổng quát là hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế. 

5h

Vượt qua nhiều thách thức, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng ở mức 6,42% trong nửa đầu năm 2024. Các chuyên gia cho rằng tăng trưởng GDP cả năm 2024 có thể chạm mốc gần 7% sau khi Việt Nam có quý tăng trưởng vượt tiềm năng thứ 4 liên tiếp... Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng chưa tạo được chuyển biến căn bản; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn một số rủi ro, nền tảng vĩ mô chưa thực sự vững chắc, nền kinh tế có độ mở cao và phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu.

Nhằm có đầy đủ thông tin tham mưu cho các cơ quan chức năng giải quyết những khó khăn, vướng mắc, khắc phục tình trạng trên, Diễn đàn tập trung vào các nội dung như: Hiện trạng mô hình tăng trưởng của Việt Nam và một số định hướng; Giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam; Đổi mới mô hình tài chính và tăng cường hệ thống ngân hàng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; Mô hình doanh nghiệp Chuyển đổi kép tại Việt Nam; Vai trò của khởi nghiệp sáng tạo trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...

Diễn đàn diễn ra vào lúc: 13h30 - 17h00, Thứ tư, ngày 07/08/2024 tại Khách sạn Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake, B7 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội. Các diễn giả tại diễn đàn gồm:

GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội;

PGS. TS Bùi Quang Tuấn – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam;

TS. Võ Trí Thành - Nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương;

TS. Chử Đức Hoàng - Chánh văn phòng, Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ;

Ông Phạm Anh Cường - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Hệ sinh thái Khởi nghiệp BestB.

Hội thảo được phát trực tiếp trên: https://fb.watch/tOSdorCvDp/

Ông Hà Khắc Minh, Tổng biên tập Tạp chí Tài chính doanh nghiệp.

Ông Hà Khắc Minh, Tổng biên tập Tạp chí Tài chính doanh nghiệp.

Phát biểu Khai mạc Diễn đàn, Tổng biên tập Tạp chí Tài chính doanh nghiệp Hà Khắc Minh nhiệt liệt chào mừng và cảm ơn quý vị đại biểu, các vị khách quý, các cơ quan báo chí đã đến tham dự Diễn đàn đổi mới mô hình tăng trưởng.

Theo ông Hà Khắc Minh, chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế đã được Đảng ta nêu ra ở Đại hội lần thứ XI và được bổ sung phát triển ở các kỳ Đại hội XII và XIII.

Tại Đại hội XIII của Đảng yêu cầu: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Đây là quan điểm mang tính định hướng chiến lược lâu dài của Đảng ta về đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Việc đổi mới mô hình tăng trưởng của nước ta nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh, phát triển nhanh và bền vững toàn diện kinh tế, xã hội và môi trường. Không thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá, gây nên những tác động xấu. Đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chú trọng và dựa nhiều hơn vào các nhân tố thúc đẩy tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực và thành tựu khoa học - công nghệ của nhân loại, mọi tiềm năng, lợi thế của các ngành, lĩnh vực, các địa phương và cả nước.

Ngày 10/7/2024 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 108/NQ-CP tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương (Nghị quyết 108). Trong đó nêu rõ, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm và trong thời gian tới như sau: Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; Chú trọng thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.

Trên thực tế, trong nửa đầu năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng ở mức 6,42% trong nửa đầu năm 2024. Các chuyên gia cho rằng tăng trưởng GDP cả năm 2024 có thể chạm mốc gần 7% sau khi Việt Nam có quý tăng trưởng vượt tiềm năng thứ 4 liên tiếp...

Đông đảo đại biểu tham dự diễn đàn

Đông đảo đại biểu tham dự diễn đàn

Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng chưa tạo được chuyển biến căn bản; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn một số rủi ro, nền tảng vĩ mô chưa thực sự vững chắc, nền kinh tế có độ mở cao và phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu.

Tổng biên tập Hà Khắc Minh nêu rõ, để có đầy đủ thông tin tham mưu cho các cơ quan chức năng giải quyết những khó khăn, vướng mắc, khắc phục tình trạng trên, Tạp chí Tài chính doanh nghiệp phối hợp với các bên liên quan tổ chức “Diễn đàn đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam”.

Ban tổ chức mong rằng, diễn đàn chúng ta sẽ trao đổi một cách cởi mở về những vấn đề đặt ra trong đổi mới mô hình tăng trưởng trong bối cảnh mới; Định hướng mô hình tăng trưởng tại Việt Nam?

Empty

PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay, mô hình tăng trưởng kinh tế thể hiện một quốc gia phát triển nhanh/chậm, dựa vào động lực nào và yếu tố nào là chính, cơ cấu có hiện đại hay không, chất lượng/không chất lượng của tăng trưởng như thế nào?

Theo ông Tuấn, hiện nay đóng góp của vốn và vốn con người có xu hướng gia tăng. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) và đóng góp của lao động vào tăng trưởng GDP có xu hướng giảm theo thời gian. Do đó, đầu tư vẫn là nhân tố chủ yếu dẫn dắt tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy bởi vốn con người hơn là tích lũy yếu tố đầu vào lao động.

Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng vẫn dựa vào lao động giá rẻ, tồn tại nền kinh tế nhị nguyên (nước ngoài và trong nước), lan tỏa của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài còn hạn chế, nhất là năng lực công nghệ. Đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng còn ít. Chưa cải thiện nhiều về năng suất lao động 2016-2020 tăng bình quân 5,8%/năm, 2011 - 2015 tăng 4,3%, vẫn chậm…

Ngoài ra, mô hình tăng trưởng chưa xanh, chưa đóng góp nhiều cho phát triển bền vững (ví dụ năng lượng tái tạo, ô nhiễm môi trường (đặc biệt rác thải nhựa), phát thải khí nhà kính…). Tăng trưởng xanh hầu như chưa thực hiện được bao nhiêu. Kinh tế tuần hoàn còn mới manh nha, chưa phát triển. Kinh tế biển xanh còn đang ở dạng tiềm năng là chính…

PGS.TS Bùi Quang Tuấn cho hay, việc đổi mới mô hình tăng trưởng có nhiều cơ hội. Đó là xu hướng công nghệ mới (CM4.0), xanh và số trở thành khách quan; phong trào đổi mới sáng tạo; phong trào khởi nghiệp; cơ cấu dân số trẻ, tiếp cận công nghệ tốt; sản xuất, phân phối, tiêu dùng thông minh hơn…

6h

Theo ông Bùi Quang Tuấn, Đại hội XIII phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy sức sáng tạo, ý chí và sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng xã hội phồn vinh, dân chủ, công bằng, văn minh, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để đổi mới mô hình tăng trưởng, ông Tuấn đề xuất một loạt giải pháp như đột phá ở khâu khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng và gắn kết với đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra năng suất lao động cao hơn, đi nhanh, đi thông minh.

Tìm cách tiếp cận hệ sinh thái xanh, hệ sinh thái số, đổi mới sáng tạo. Tạo ra mối liên kết chủ thể trong hệ sinh thái đảm bảo các điều kiện của hệ sinh thái. Hoàn thiện thể chế, chính sách, có thí điểm, đặc thù, đột phá... Sáng tạo trong huy động nguồn lực, đặc biệt ngoài nhà nước...

Cùng với đó, đầu tư cho kết cấu hạ tầng trong đó có hạ tầng số, nền tảng số, ứng dụng số như AI, blockchain… để tạo ra những sản phẩm số thương hiệu của Việt Nam. Có cơ chế khuyến khích đầu tư cho khoa học công nghệ và R&D ở các doanh nghiệp, trang trại... Chia sẻ và kết nối cơ sở dữ liệu và tài nguyên số, ứng dụng trong quản trị, điều hành. Liên kết vùng, liên kết chuỗi, cụm ngành...

Ngoài ra, theo ông Tuấn cần chú ý tới chiều cạnh xã hội như yếu tố gap trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và môi trường như quản lý tài nguyên và ô nhiễm, phát thải... Thể chế thí điểm, đặc thù cho chuyển đổi kép (xây dựng và thí điểm các mô hình trên thực tiễn như ngân hàng số, fintech, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn,...) Tạo lập nền tảng văn hoá sáng tạo cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi kép, tiêu dùng bền vững, văn hóa sống xanh...

TS. Chử Đức Hoàng, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF), Bộ Khoa học và Công nghệ.

TS. Chử Đức Hoàng, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF), Bộ Khoa học và Công nghệ.

TS. Chử Đức Hoàng, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF), Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay, hiện trạng cơ cấu sản xuất, dịch vụ tại Việt Nam hiện nay gồm dịch vụ chiếm 43,65%; công nghiệp và xây dựng chiếm 35,47%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,22%; nông, lâm nghiệp thủy sản chiếm 11,66%.

Xu hướng chuyển đổi hiện nay là tăng tỷ trọng công nghiệp và xây dựng tăng từ 32,1% (2010) lên 38,1% (2023), dự kiến đạt 40% vào năm 2030. Dịch vụ duy trì vai trò chủ đạo chiếm khoảng 50% GDP trong suốt giai đoạn, dự kiến tiếp tục ổn  định  ở  mức  50%  đến  năm 2030. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP tăng từ 13% (2010) lên 25% (2023), mục tiêu đạt trên 30% vào năm 2030. Kinh tế số chiếm khoảng 14,3% GDP (2023), mục tiêu đạt 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu; Mục tiêu đóng góp ngày càng quan trọng vào GDP đến năm 2030.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng, trong quá trình chuyển đổi Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức. Đó là năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp so với nhiều nước trong khu vực. Việc áp dụng công nghệ mới trong sản xuất còn hạn chế. Nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu. Các thủ tục hành chính còn phức tạp, thiếu minh bạch. Hệ thống giao thông, logistics còn hạn chế ở nhiều nơi. Sự phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền. Phát triển công nghiệp nhanh dẫn đến ô nhiễm gia tăng. Lực lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế hiện đại; cần cải cách giáo dục và đào tạo để nâng cao chất lượng.

Chia sẻ về vai trò của công nghệ cao và ứng dụng mới đối với chuyển đổi kép, ông Hoàng cho biết đó là tự động hóa quy trình sản xuất. Robotics và hệ thống tự động giúp tăng tốc độ sản xuất, giảm sai sót do con người, và cho phép hoạt động liên tục 24/7. Hệ thống sản xuất linh hoạt (FMS) cho phép thay đổi nhanh chóng giữa các loại sản phẩm, tăng khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Internet of thing (IOT) và dữ liệu lớn (BIG DATA) để giám sát thời gian thực, cho phép theo dõi và điều chỉnh quy trình sản xuất ngay lập tức. Phân tích dự đoán giúp dự báo nhu cầu bảo trì, ngăn ngừa sự cố và tối ưu hóa sản xuất.

Trí tuệ nhân tạo (Al) và máy học (Machine Learning) kiểm soát chất lượng. Hệ thống thị giác máy tính có thể phát hiện lỗi sản phẩm nhanh chóng và chính xác hơn con người. Tối ưu hóa quy trình: AI có thể phân tích dữ liệu sản xuất để đề xuất cải tiến quy trình.

Công nghệ in 3D và Sản xuất phụ gia giúp tạo mẫu nhanh, rút ngắn thời gian phát triển sản phẩm mới. Sản xuất linh hoạt, cho phép tạo ra các sản phẩm tùy chỉnh với chi phí thấp.

Thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) nhằm đào tạo nhân viên. Cung cấp môi trường học tập an toàn và hiệu quả. Hỗ trợ vận hành, AR có thể cung cấp hướng dẫn trực quan cho nhân viên trong quá trình sản xuất.

Blockchain giúp truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tính minh bạch và an toàn trong chuỗi cung ứng. Quản lý chất lượng, giúp theo dõi và xác minh chất lượng sản phẩm qua các giai đoạn sản xuất.

Điện toán đám mây để quản lý dữ liệu. Cho phép lưu trữ và xử lý lượng lớn dữ liệu sản xuất. Hợp tác từ xa, tạo điều kiện cho các đội ngũ làm việc cùng nhau bất kể vị trí địa lý.

Theo TS, một số doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi như Vinamilk là một trong những doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi; FPT song hành Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; Mô hình chuyển đổi số 3S của FPT.

Từ kinh nghiệm các doanh nghiệp trên, TS Hoàng nêu ra các bài học bao gồm tích hợp chuyển đổi kép vào chiến lược kinh doanh tổng thể; hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để trao đổi kinh nghiệm và công nghệ; xây dựng văn hóa doanh nghiệp hướng tới sự bền vững và đổi mới; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi kép; đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ mới.

Để thúc đẩy chuyển đổi kép (xanh và số) cho Việt Nam, TS Hoàng cho rằng cần có các giải pháp như quy định pháp lý về chuyển đổi số và môi trường; thúc đẩy năng lượng sạch; bảo vệ môi trường; phấn đấu cho nền công nghiệp xanh; đầu tư vào giao thông thông minh và phát triển bền vững; từ trang trại đến bàn ăn; dẫn dắt xu hướng chuyển đổi xanh; xóa bỏ ô nhiễm; chuyển đổi công bằng cho mọi người...

Ông Phạm Anh Cường - Chuyên gia Ươm tạo & Đầu tư doanh nghiệp; Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hệ sinh thái Doanh nghiệp BestB; Giám đốc Quỹ đầu tư BestB Capital.

Ông Phạm Anh Cường - Chuyên gia Ươm tạo & Đầu tư doanh nghiệp; Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hệ sinh thái Doanh nghiệp BestB; Giám đốc Quỹ đầu tư BestB Capital.

Ông Phạm Anh Cường - Chuyên gia Ươm tạo & Đầu tư doanh nghiệp; Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hệ sinh thái Doanh nghiệp BestB; Giám đốc Quỹ đầu tư BestB Capital cho rằng, hiện nay có rất nhiều mô hình, dự án khởi nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ thất bại không hề nhỏ.

Lý giải nguyên nhân thất bại, ông Cường chỉ ra 9 nguyên nhân chính: Hết tiền/ không huy động được vốn mới (chiếm 38%); Không có nhu cầu thị trường (chiếm 35%); Vượt quá khả năng của doanh nghiệp (chiếm 20%); Sai mô hình kinh doanh (chiếm 19%); Các thay đổi về quy định/pháp lý (chiếm 18%); Các vấn đề về giá cả/chi phí (chiếm 15%); Các vấn đề về team/nhóm (chiếm 14); Sản phẩm được sử dụng sai (chiếm 10); Sản phẩm kém (chiếm 8%).

Nói về vai trò của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ông Cường cho hay, bối cảnh kinh tế - xã hội toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng và phức tạp với nhiều thách thức; các mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giúp tạo ra môi trường khuyến khích kiến tạo những giải pháp mới, công cụ mới; Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia, giải quyết những khó khăn, thách thức mang tính khu vực, toàn cầu; Thúc đẩy sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia nói riêng và của toàn thế giới nói chung.

Đánh giá về thực trạng của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, theo Giám đốc Quỹ đầu tư BestB Capital tỷ lệ doanh nghiệp mới gia nhập thị trường ở Việt Nam cao hơn hầu hết các quốc giá OECD. Tuy nhiên, những năm gần đây tỷ lệ này có phần chững lại nhưng tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại được lại tăng lên.

Thiếu vốn là trở ngại với các doanh nghiệp khởi nghiệp giai đoạn đầu, đặc biệt là những doanh nghiệp dựa vào tri thức và bằng sáng chế. Các nhà đầu tư có vai trò quan trọng trong cấp vốn giai đoạn ban đầu khi mô hình doanh nghiệp còn chưa được chuyên nghiệp hóa. Các quỹ và các nhà đầu tư trong nước còn phải đối mặt với nhiều hạn chế, trong đó, khung pháp lý chưa tạo động lực để nhiều quỹ đăng ký, dẫn đến tổng đầu tư còn nhỏ.

Chính vì vậy, các vườn ươm, tổ chức thúc đẩy kinh doanh và Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo giúp doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hỗ trợ trong việc hoàn thiện ý tưởng, dịch vụ, mô hình kinh doanh và hỗ trợ kết nối đầu tư.

Hiện nay, số lượng quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo coi Việt Nam là thị trường mục tiêu hoặc có hoạt động tại Việt Nam là 108, trong đó có 23 quỹ có pháp nhân Việt Nam.

Chia sẻ về vườn ươm doanh nghiệp, ông Phạm Anh Cường nhấn mạnh, vườn ươm doanh nghiệp được xem là công cụ kinh tế quan trọng và cơ bản để thúc đẩy các doanh nghiệp mới khởi sự hình thành và phát triển, tạo việc làm, thúc đẩy môi trường kinh doanh ở địa phương, thương mại hoá ý tưởng kinh doanh, xây dựng và thúc đẩy sự phát triển của các cụm công nghiệp.

"Ở một hệ sinh thái còn khá trẻ như hệ sinh thái khởi nghiệp tạo tác động xã hội ở Việt Nam, các tổ chức này:  tiếp thêm can đảm cho những người muốn trở thành khở nghiệp nhưng còn thiếu kiến thức và mối quan hệ; Cung cấp cho họ những khung làm việc có sẵn và những người cố vấn dày dặn kinh nghiệm; Cung cấp cả các chương trình đào tạo cho starup để nâng cao nguồn vốn con người… Có thể nói các tổ chức thúc đẩy kinh doanh có thể được coi là nơi “tiếp nhiên liệu” ngay từ bước đầu để một startup cất cánh", ông Cường nói.

Ban Tổ chức tặng hoa cho các chuyên gia, diễn giả.

Ban Tổ chức tặng hoa cho các chuyên gia, diễn giả.

Tọa đàm đối thoại Chiến lược đổi mới kinh tế: Tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia

GS. TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, dù đổi mới tăng trưởng theo truyền thống chuyển sang đổi mới khoa học công nghệ, hay đổi mới tăng trưởng dựa vào xu thể mới… đều phải thực hiện việc thay đổi toàn bộ cái cũ. Trước đây Việt Nam dựa vào tài nguyên, lao động… hiện nay phải dựa vào khoa học công nghệ, chuyển sang sạch, xanh…

“Chúng ta thường nói tới đổi mới mô hình tăng trưởng phải gắn liền với tái cấu trúc lại nền kinh tế, từ góc độ tổng thể kinh tế vĩ mô tới từng doanh nghiệp, cần lựa chọn cái gì cần giữ, cái gì cần bỏ đi”, ông Cường nói.

GS. TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

GS. TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Dẫn chứng về tái cấu trúc đầu tư công, GS Hoàng Văn Cường cho rằng đây là vấn đề quan trọng nhất. Những năm qua đã có định hướng chuyển hướng đầu tư từ đầu tư phân tán, manh mún, chuyển sang đầu tư tập trung, theo lộ trình 5 năm, các dự án đã tập trung lại. Gần đây không phải chỉ có các dự án lớn mà còn đầu tư vào hạ tầng khung, đặc biệt là đường giao thông, cao tốc, trung tâm tạo ra trung chuyển logistics…

Bên cạnh đó, không chỉ duy trì cách đầu tư công truyền thống, tập trung vào các công trình, trong xu thế chuyển đổi, đầu tư công phải chuyển sang hướng tạo ra sự chuyển đổi trong các mô hình. Như hiện nay đang khuyến khích mô hình sản xuất xanh, sạch...

Ông Cường đặt ra câu hỏi, đổi mới sáng tạo sẽ chờ 1 số doanh nghiệp hay nhà đầu tư quỹ? Hay chính nhà nước phải dùng nguồn lực ngân sách để đầu tư? Chỉ khi có vốn nhà nước mới có thể phát triển được, tạo ra được những trụ cột lớn.

“Đổi mới sáng tạo không chỉ dừng ở khu vực sản xuất kinh doanh. Đổi mới sáng tạo phải đột phá từ cơ chế. Nếu cơ chế quản lý không thúc đẩy, không công nhận, bảo vệ về con người đổi mới sáng tạo thì khó có thể thành công trong đổi mới sáng tạo”, GS. TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương.

Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương.

Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương chia sẻ, năm 2012, Quốc hội thông qua chương trình tái cấu trúc bao gồm 3 lĩnh vực đầu tư công, tín dụng, tài chính ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước. Sau đó bắt nhịp cuộc cách mạng đổi mới sáng tạo, startup, khởi nghiệp. Tuy nhiên bức tranh tổng thể mô hình tăng trưởng của chúng ta vẫn vậy, chưa có sự đột phá. Vì sao như vậy?

Theo ông Thành, nhìn câu chuyện của Vinamilk, FPT.. có rất nhiều đổi mới sáng tạo, sáng kiến bắt đầu từ chính cuộc sống. Sáng kiến hay nhất là Khu công nghiệp sinh thái. Đây là mô hình khá thành công, thu hút các nhà đầu tư. Chưa cần đến các cơ quan chức năng hoàn chỉnh thể chế thì doanh nghiệp đã bắt đầu với mô hình này và đến nay có sự thành công nhất định.

Vấn đề thể chế, bộ máy, ông Võ Trí Thành cho rằng, bản chất là động lực. Một trong những biện pháp để thay đổi là thay đổi hành vi của công chức. Phải có cơ chế thưởng phạt, KPI đối với công chức.

Về vấn đề chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong đổi mới sáng tạo, theo ông Thành đây là cơ hội cuối cùng để Việt Nam bắt kịp thế giới. Trong cuộc cách mạng lần này có nhiều loại hình, thích hợp với năng lực, đầu óc và văn hoá nghề nghiệp của người Việt. Do đó, Việt Nam cần phải chủ động, không chờ đợi để có thể bắt kịp được với thế giới.

Nhóm PV
Bạn đang đọc bài viết Diễn đàn Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan