Giai đoạn 2016 - 2020, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước chỉ đạt 30% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong năm 2021 - 2022 chỉ cổ phần hóa được 5 doanh nghiệp nhà nước. Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn vẫn “ì ạch” không đạt mục tiêu đề ra.
Báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thừa nhận, công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và đơn vị sự nghiệp công lập chưa đạt yêu cầu; chưa phát huy tốt vai trò của các tập đoàn kinh tế nhà nước tham gia vào các công trình, dự án lớn.
Bộ Tài chính cho biết, trong 10 tháng năm 2022, các đơn vị tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa theo kế hoạch đã được phê duyệt, ngoài ra ghi nhận bổ sung 1 doanh nghiệp cổ phần hóa là Công ty TNHH MTV Phà An Giang (đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần năm 2021) thuộc danh mục cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng giá trị doanh nghiệp là 309 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 278 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong tháng 10 năm 2022, ghi nhận các tập đoàn, tổng công ty, DNNN thoái vốn tại doanh nghiệp với giá trị 60,3 tỷ đồng thu về 1.072 tỷ đồng.
Lũy kế 10 tháng đầu năm 2022, ghi nhận các tập đoàn, tổng công ty, DNNN thoái vốn tại doanh nghiệp với giá trị là 526,5 tỷ đồng, thu về 3.361,7 tỷ đồng. Cụ thể, SCIC đã thực hiện bán vốn tại 19 doanh nghiệp với giá trị là 211,6 tỷ đồng, thu về 796,5 tỷ đồng. Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thoái vốn tại Công ty cổ phần Bưu điện với giá trị 182 tỷ đồng, thu về 1.409 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thoái vốn tại CTCP Tập đoàn Tân Mai với giá trị là 72 tỷ đồng, thu về 83 tỷ đồng...
Kết quả cổ phần hóa, thoái vốn DNNN trong những năm gần đây liên tục được đánh giá là chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra. Trong báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, trong năm 2021 chỉ có 4 doanh nghiệp cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 333 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 196 tỷ đồng; thoái vốn tại 18 doanh nghiệp (bao gồm các doanh nghiệp cấp I và doanh nghiệp cấp II) với giá trị 1.665 tỷ đồng, thu về 4.402 tỷ đồng.
Tại Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp về tình hình sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, năm 2021 đến nay và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới vừa diễn ra, ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng Ban chuyên trách, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2020 đã cổ phần hóa 180 doanh nghiệp với tổng giá trị doanh nghiệp là 489.690 tỷ đồng, giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỷ đồng.
Trong đó đã cổ phần hóa 39/128 doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa theo Quyết định số 26/219/QĐ-TTg, đạt 30% kế hoạch; số doanh nghiệp chưa hoàn thành cổ phần hóa theo kế hoạch là 89 doanh nghiệp.
Lý giải việc chậm thực hiện sắp xếp lại DNNN, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại giai đoạn vừa qua hầu hết là các doanh nghiệp lớn, có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai; hoặc là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích, gắn liền với các hoạt động của địa phương, đóng góp vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện các chiến lược, mục tiêu về an sinh xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, tư duy, nhận thức về vai trò, vị trí của DNNN chưa thống nhất dẫn tới lúng túng trong hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện. Một số vấn đề chưa rõ, còn ý kiến khác nhau nhưng chậm được tổng kết thực tiễn, kết luận để có thể cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật, ví dụ vấn đề vị trí của DNNN trong thực hiện vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, vấn đề trao quyền tự chủ của DNNN, vấn đề sử dụng DNNN làm công cụ điều tiết kinh tế... Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.
Cơ chế, chính sách quản lý đối với DNNN còn nhiều bất cập, chưa tạo điều kiện phát huy hết tính chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN; hệ thống tiêu chí đánh giá DNNN chưa đầy đủ, DNNN chưa thực sự có quyền tự chủ theo cơ chế thị trường; quy định về DNNN bị phân tán tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật, được ban hành ở các thời điểm khác nhau, do các cơ quan chuẩn bị khác nhau nên có những quy định vướng mắc, chồng chéo nhất định. Vướng mắc về thể chế chậm được nghiên cứu, hoàn thiện, bổ sung để tháo gỡ và thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nguyên nhân từ nội tại DNNN cũng khiến cho quá trình cổ phần hóa, thoái vốn chậm. Cụ thể, do nhiều yếu tố cấu thành nên bản thân DNNN chậm đổi mới, chưa theo kịp và thích ứng với yêu cầu và bối cảnh phát triển kinh tế thị trường; Chưa quyết liệt trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn, còn hình thức, thiếu khả thi và chưa sát với thực tế. Đa số các tập đoàn, tổng công ty, DNNN chưa chủ động triển khai các chính sách pháp luật về đất đai, đến khi phải thực hiện cổ phần hóa mới bắt đầu thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa;
“DNNN vẫn còn hiện diện trong nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần duy trì sở hữu vốn. Còn tư tưởng chưa muốn thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực phát triển mạnh, có tỷ suất sinh lời cao làm cho tiến độ thoái vốn chậm lại”, Bộ trưởng cho hay.
Nhận định về quá trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng còn nhiều vướng mắc, nhất là liên quan đến sắp xếp nhà đất, tài sản công; các quy định pháp luật còn chồng chéo hoặc không rõ; khó khăn trong xác định giá trị thương hiệu, văn hóa, lịch sử; một số doanh nghiệp còn kinh doanh thua lỗ, sắp xếp lại không thành công;…
Nguyên nhân là do cơ chế chính sách còn thiếu, chưa rõ, chưa phù hợp; việc tổ chức thực hiện chưa nghiêm, công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát chưa quyết liệt; vẫn còn tình trạng cán bộ e dè trong thực quá trình thực thi nhiệm vụ; trong xây dựng kế hoạch còn chủ quan, chưa đánh giá hết tình hình;…
Là một địa phương có số doanh nghiệp lớn cần cổ phần hóa, thoái vốn, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM Võ Văn Hoan thừa nhận: “Thành phố chậm có phương án cổ phần hóa, nhưng để có phương án cổ phần hóa thì lại phải chờ hướng dẫn phương án sử dụng đất, không có phương án sử dụng đất cho nên cũng không làm được”.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Cần Thơ) đề nghị Bộ Tài chính nhanh chóng tham mưu Chính phủ ban hành chính sách nhất quán về phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp, xác định giá trị quyền sử dụng đất một cách chính xác. Trong đó có tính đến yếu tố chênh lệch khung giá đất giữa các địa phương, khung giá đất nhà nước quy định so với giá thị trường. Đồng thời, cần có chế tài xử lý người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN không hoàn thành hoặc không triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong năm 2023, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, bảo đảm công khai, minh bạch, phát huy vai trò tham gia vào các dự án quan trọng. Tập trung xử lý DNNN hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả.
Theo Phó thủ tướng Lê Minh khái, việc sắp xếp, đổi mới DNNN là việc khó, phức tạp, liên quan đến nhiều bộ ngành địa phương, được dư luận rất quan tâm, nhưng việc thực hiện thời gian qua vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Do vậy cần phải tổng kết rút kinh nghiệm, qua đó làm rõ những khó khăn, vướng mắc để đề ra các giải pháp thực thi hiệu quả trong thời gian tới.
Phó thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021-2025 để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, sắp xếp của DNNN là căn cứ kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 để các Bộ ngành, địa phương và DNNN thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động. Xây dựng cơ sở dữ liệu để theo dõi, quản lý tiến độ kê khai, báo cáo, lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất và tổ chức xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo Đề án được duyệt để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính; thoái vốn danh mục đầu tư theo kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025.
Thực hiện nghiêm quy định về đăng ký lưu ký, đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Thí điểm lựa chọn một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa có đủ điều kiện, có quy mô hợp lý thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán khu vực và thế giới.
Đáng chú ý theo Bộ Tài chính, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về cổ phần hóa, thoái vốn mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn chưa đáp ứng được kịp thời yêu cầu của thực tiễn.
Do đó, hiện nay Bộ Tài chính đang rà soát, xây dựng báo cáo để trình cấp có thẩm quyền về việc sửa đổi các Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017, số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015, số 32/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018, số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 trong năm 2022. Trong đó tập trung vào việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn như: tách quá trình sắp xếp, xử lý nhà đất ra khỏi quá trình cổ phần hóa; Việc tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, xác định giá trị doanh nghiệp; Quy định phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa; Hoàn thiện quy định về phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp gắn với việc bổ sung vốn điều lệ từ nguồn cổ tức, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp; Hoàn thiện các quy định về điều chỉnh vốn điều lệ tại doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Theo Bộ Tài chính, vấn đề sở hữu đất đai, chậm chễ trong việc sắp xếp, xử lý nhà đất là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến quá trình cổ phần hóa, thoái vốn DNNN thời gian qua chậm. Trong đó nguồn gốc hình thành và việc sử dụng nhà, đất của các doanh nghiệp nhà nước phức tạp; công tác quản lý nhà, đất chưa chặt chẽ.
Vì vậy, Bộ Tài chính đang nghiên cứu sửa đổi quy định này theo hướng tách quá trình sắp xếp, xử lý nhà đất ra khỏi quá trình cổ phần hóa, bỏ quy định về điều kiện cổ phần hóa là doanh nghiệp cổ phần hóa phải có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Bài: Thanh Phương Thiết kế: Hồng Ánh