"Tp.HCM chậm cổ phần hóa do không có phương án sử dụng đất"

13/10/2022, 08:30
báo nói -

TCDN - Phó chủ tịch UBND Tp.HCM Võ Văn Hoan cho biết, liên quan đến cổ phần hóa, thành phố chậm có phương án cổ phần hóa, nhưng để có phương án cổ phần hóa thì lại phải chờ hướng dẫn phương án sử dụng đất, không có phương án sử dụng đất cho nên cũng không làm được.

Ngày 12/10, tại phiên họp thứ 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.HCM.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng do tác động của dịch bệnh Covid-19 rất nặng nề cho nên dù thành phố đã triển khai rất quyết liệt chính sách về đất đai, về đầu tư, tài chính, ngân sách, những cơ chế, chính sách cho tổ chức cán bộ nhưng thực tế chưa được phát huy hết tác dụng, hiệu quả, một số chính sách chậm triển khai. Kỳ vọng của Quốc hội muốn tạo ra cú huých, mở thêm dư địa để huy động các nguồn lực, tạo động lực phát triển cho đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng đến nay hiệu quả chưa cao.

Phó chủ tịch UBND Tp.HCM Võ Văn Hoan.

Phó chủ tịch UBND Tp.HCM Võ Văn Hoan.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế phân tích, về cơ chế, chính sách về đất đai, Nghị quyết 54 phân cấp cho HĐND thành phố nhưng thực tế vướng ở nguồn gốc đất, các thông tin về đất và đặc biệt là cơ chế xử lý, thẩm định của các bộ, ngành đối với các dự án có sử dụng đất. Do đó đề nghị báo cáo làm rõ thêm điểm nghẽn, giải pháp xử lý để giúp cho Tp.HCM đánh trúng, giải quyết đúng các điểm nghẽn về đất đai, khai thác nguồn lực để phát triển trong thời gian tới.

Về phí, lệ phí, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết qua theo dõi nhận thấy có một số vấn đề. Trong đó, về phí cảng biển, khi cho thực hiện phí cảng biển đã tạo ra sự cạnh tranh chưa thực sự lành mạnh giữa Tp.HCM và các cảng biển của các khu vực khác nên cần phải xem xét, đánh giá lại.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Tp.HCM báo cáo rõ thêm có những vướng mắc gì trong thực hiện quy định về phí để xử lý vấn đề ùn tắc giao thông. Cơ chế được giữ lại phần thu từ cổ phần hóa, thoái vốn, giữ lại khoản thu từ bán tài sản gắn liền với đất là chính sách triển khai thực hiện còn chậm và chưa phát huy tác dụng, đặc biệt là đối với Tp.HCM. Có lẽ bài toán ùn tắc giao thông, bài toán về chống ngập của Tp.HCM cần phải tiếp tục nghiên cứu để xử lý trong thời gian sắp tới, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Thống nhất với việc trình với Quốc hội cho phép kéo dài thực hiện Nghị quyết 54 thêm khoảng một năm nữa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, thời gian kéo dài thực hiện này sẽ có quỹ thời gian và có điều kiện để nghiên cứu, đánh giá, tổng kết thấu đáo hơn để đề xuất chính sách cần được tiếp tục thực hiện, chính sách cần được thể chế hóa trong luật hay chính sách cần thí điểm thêm.

Báo cáo làm rõ việc chậm triển khai một số chính sách, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM Võ Văn Hoan cho biết, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 54 thì hai năm đầu Thành phố tập trung xây dựng các quy định cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết. Hai năm sau đáng lẽ sẽ tập trung thực hiện nhưng lại vướng dịch COVID-19 dẫn đến có những nội dung chưa triển khai được. Theo Phó chủ tịch UBND Tp.HCM Võ Văn Hoan, ở đây có nguyên nhân chủ quan từ phía Thành phố, có những việc Thành phố muốn làm nhưng còn phải cân nhắc vì mới, khó, có những vấn đề còn ý kiến trái chiều.

Bên cạnh đó, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM làm rõ như vấn đề thu hồi đất lúa trên 10 hécta thì Thành phố làm được, nhưng thực hiện dự án trên 10 hécta và có quy mô dân số từ 10.000 đến 15.000 hoặc khu chế xuất, khu công nghiệp, khu đô thị, khu kinh tế lại vướng thủ tục về đầu tư, quy định của Luật Đầu tư. Đó là vấn đề khó, cho nên chậm triển khai.

Hay như vấn đề liên quan đến cổ phần hóa, theo ông Hoan, Thành phố chậm có phương án cổ phần hóa, nhưng để có phương án cổ phần hóa thì lại phải chờ hướng dẫn phương án sử dụng đất, không có phương án sử dụng đất cho nên cũng không làm được. Vấn đề về tài sản công của các cơ quan Trung ương trên địa bàn chưa có phương án sắp xếp nên Thành phố cũng không có cơ hội để triển khai thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 54.

Theo Phó chủ tịch UBND Tp.HCM, hiện nay Thành phố đã chuẩn bị dự thảo nghị quyết mới trình Quốc hội mang tính toàn diện hơn để huy động nhiều nguồn lực hơn, không chỉ nguồn lực của nhà nước, có tính đến mở rộng huy động nguồn lực bên ngoài; kiến nghị để Quốc hội xem xét cho phép thực hiện PPP trong lĩnh vực văn hóa và thể thao; kiến nghị cho phép các nhà đầu tư bỏ vốn để triển khai thực hiện các dự án, trước hết là phục vụ cho họ và sau đó là phục vụ cho cộng đồng dân cư.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định cho phép Tp.HCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 đến hết 31/12/2023, đưa nội dung này vào nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tp.HCM tập trung nguồn lực, nhân lực để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 54, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội. Khi kết thúc các cơ chế, chính sách thí điểm, tổng kết toàn diện các cơ chế, chính sách cho Tp.HCM áp dụng cho đến khi hết thời hạn thực hiện Nghị quyết 54.

Bảo An
Bạn đang đọc bài viết "Tp.HCM chậm cổ phần hóa do không có phương án sử dụng đất" tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói về nguyên nhân chậm cổ phần hóa, thoái vốn
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, một trong những nguyên nhân chậm cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước do chào bán cổ phần lần đầu (IPO) không bán hết số lượng, hạn chế giao dịch khi niêm yết trên thị trường chứng khoán như GENCO2, PVPOWER; Tổng công ty Thép Việt Nam 11 năm chưa thực hiện quyết toán cổ phần hóa.