Doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực khai khoáng, thông tin, truyền thông hiệu quả sử dụng tài sản, vốn còn thấp
TCDN - Bộ Tài chính cho biết, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiệu quả sử dụng tài sản, sử dụng vốn đầu tư ở một số lĩnh vực vẫn còn thấp, chưa được cải thiện, điển hình như lĩnh vực khai khoáng, thông tin và truyền thông, nghệ thuật, vui chơi, giải trí…
Bộ Tài chính vừa có báo cáo tổng kết 35 năm thu hút và quản lý nguồn vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Về tình hình tài chính doanh nghiệp, theo Bộ Tài chính, số liệu trên các Báo cáo tổng hợp tình hình tài chính doanh nghiệp FDI (nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) do Bộ Tài chính tổng hợp hàng năm cho thấy về tổng quan từ 2018 - 2021 khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chi phối tiếp tục có sự tăng trưởng về quy mô tài sản và vốn đầu tư của chủ sở hữu.
Tại thời điểm 31/12/2021 tổng tài sản khối này là 8.857.187 tỷ đồng, tăng 54% vốn chủ sở hữu là 3.640.866 tỷ đồng, tăng 44,6%; vốn đầu tư của chủ sở hữu là 2.549.558 tỷ đồng, tăng 49%. Tuy nhiên tốc độ tăng tài sản có xu hướng chậm lại qua các năm, từ 16,3% năm 2018 xuống 13,1% năm 2021.
Về địa bàn và lĩnh vực phân bố tài sản, các địa phương như Tp.HCM, Hà Nội, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai vẫn là nơi tập trung số lượng tài sản lớn nhất, luôn chiếm trên 50% tổng số tài sản doanh nghiệp FDI trên cả nước, đặc biệt năm 2019 và năm 2020 chiếm trên 60%.
Sau vị trí dẫn đầu của Tp.HCM, Hà Nội là địa phương đứng thứ 2 về quy mô tài sản trong 3 năm liên tục từ năm 2019 đến năm 2021, đảo vị trí của Bắc Ninh vào năm 2018.
Về vốn chủ sở hữu, mặc dù có sự tăng trưởng nhưng tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu có xu hướng chậm lại, từ 24,5% năm 2018 xuống 10,9% năm 2021.
Một số lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; bán buôn và bán lẻ; sửa chữ ôtô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác có vốn chủ sở hữu chiếm trên 80% trong tất cả các lĩnh vực có vốn của nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời cũng là lĩnh vực có giá trị và tốc độ tăng trưởng tương đối cao trong giai đoạn 2018 - 2021. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh bất động sản là lĩnh vực có lợi nhuận sau thuế âm liên tục từ năm 2018 đến 2020 và đã cải thiện trong năm 2021.
Về doanh thu, các lĩnh vực liên tục duy trì doanh thu lớn từ năm 2019 đến 2021, chiếm 95% doanh thu của tất cả các lĩnh vực là công nghiệp chế biến, chế tạo (83%); bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ôtô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (7%); vận tải kho bãi (2%); hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (1%); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (2%). Đây cũng đồng thời là các lĩnh vực có số vốn đầu tư của chủ sở hữu chiếm tỷ trọng lớn.
Năm 2021, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực dẫn đầu về doanh thu, đạt 6.984.252 tỷ đồng, chiếm 82% tổng doanh thu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 2021, bỏ xa vị trí thứ 2 là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe động cơ khác có doanh thu 535.552 tỷ đồng (6,3%) và thứ 3 là lĩnh vực vận tải kho bãi có doanh thu 263.287 tỷ đồng (3,1%).
Về lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế của các lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn (trung bình khoảng 90%) trong giai đoạn 2018 - 2021 là công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí; hoạt động kinh doanh bất động sản.
Một số lĩnh vực liên tiếp báo cáo lỗ trong giai đoạn 2018 - 2021 là thông tin và truyền thông, nghệ thuật, vui chơi và giải trí và khai khoáng. Tuy vậy, các lĩnh vực này đến 2021 đều đã có sự cải thiện khi số lỗ giảm so với năm 2018 lần lượt như sau: 27%, 64%, 20%.
Về khả năng sinh lợi, giai đoạn 2018 - 2021, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) của khối này duy trì ở mức trung bình 10%, trong đó ROE năm 2020 bị sụt giảm xuống 9,8% nhưng tăng lại ở mức 10,1% năm 2021. Tỷ suất lợi nhuận ròng trên doanh thu (ROS) duy trì ở mức trung bình là 4,5% trong đó ROS năm 2021 có giảm nhẹ so với các năm, ở mức 4,27%.
Về khả năng thanh toán tổng quát, hệ số này duy trì mức ổn định quanh mức 1,7 lần trong giai đoạn 2018 - 2021. Năm 2021 một số lĩnh vực có khả năng thanh toán tổng quát cao như hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của các hộ gia đình (21,26 lần); hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (3,44 lần); cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải (2,53 lần)…
Một số lĩnh vực có khả năng thanh toán tổng quát tương đối thấp như thông tin và truyền thông (1,25 lần); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (1,26 lần)…
Lĩnh vực có hệ số khả năng thanh toán tổng quát ở dưới mức 1, không đảm bảo khả năng thanh toán là khai khoáng (0,52 lần).
Về khả năng thanh toán hiện thời, duy trì mức ổn định 1,35 lần trong giai đoạn 2018 - 2021. Tuy nhiên, một số lĩnh vực có hệ số khả năng thanh toán hiện thời nhỏ hơn 1 là sản xuất va phân phối điện, khí đôt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (0,69 lần); khai khoáng (0,87 lần); y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (0,98 lần) cho thấy có thể các doanh nghiệp đang dùng các khoản vay ngắn hạn để đầu tư tài sản dài hạn.
Về khả năng thanh toán nhanh, duy trì mức ổn định 0,93 lần trong giai đoạn 2018 - 2021. Một số lĩnh vực có hệ số khả năng thanh toán nhanh thấp như khai khóa (0,6 lần); sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (0,64 lần); nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (0,67 lần)… do 2 yếu tố chính tỷ trọng hàng tồn kho so với tài sản ngắn hạn cao (lĩnh vực khai khoáng, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản); giá trị nợ phải trả ngắn hạn cao hơn giá trị tài sản ngắn hạn (lĩnh vực khai khóa, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí).
Bộ Tài chính đánh giá, trong giai đoạn từ năm 2018 - 2021, mặc dù khối doanh nghiệp FDI có sự gia tăng về tài sản, vốn chủ sở hữu, doanh thu, lợi nhuận cả về giá trị, tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên dòng vốn FDI vẫn tập trung chủ yếu ở một số tỉnh, thành phố lớn, các vùng có điều kiện thuận lợi, có trình độ phát triển kinh tế xã hội cao và tập trung vào một số lĩnh vực có cơ hội tăng trưởng và kết quả sản xuất kinh doanh.
Các vùng, địa phương còn lại, đặc biệt là các vùng, địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn như các tỉnh miền núi phía Bắc chưa thu hút được nhiều nguồn vốn FDI; hiệu quả sử dụng tài sản, sử dụng vốn đầu tư ở một số lĩnh vực vẫn còn thấp, chưa được cải thiện, điển hình như lĩnh vực khai khoáng, thông tin và truyền thông, nghệ thuật, vui chơi, giải trí…
Để giải quyết tình trạng trên, Bộ Tài chính cho rằng, công tác thu hút FDI cần đảm bảo cân đối, hợp lý giữa các vùng miền trong đó cần hỗ trợ kinh phí để các địa phương chưa thu hút được nhiều dòng vốn FDI có điều kiện tăng cường xúc tiến đầu tư, cải thiện các điều kiện về cơ sở hạ tầng, tổ chức các chương trình đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn của người lao động nhằm đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp; có định hướng khuyến khích và thu hút đầu tư đối với ngành nghề, lĩnh vực phù hợp với tiềm năng và lợi thế của từng vùng, địa phương.
Đồng thời có cơ chế hỗ trợ các ngành, lĩnh vực khó khăn trong thời gian dài, chưa hấp dẫn các nhà đầu tư.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899