Doanh nghiệp ồ ạt rút khỏi Trung Quốc, Việt Nam hưởng lợi?

30/08/2019, 10:04

TCDN - Xét về vị trí địa lý, Việt Nam là quốc gia gần hơn cả khi doanh nghiệp nước ngoài tháo chạy khỏi Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Theo một số chuyên gia, một “bức tranh” về sản xuất toàn cầu mới đang bắt đầu hình thành - Ảnh minh họa.

Theo một số chuyên gia, một “bức tranh” về sản xuất toàn cầu mới đang bắt đầu hình thành - Ảnh minh họa.

Khi Mỹ và Trung Quốc đang bị cuốn vào trong cuộc chiến tranh thương mại đầy căng thẳng, nhiều doanh nghiệp sản xuất đang có ý định chuyển nhà máy của mình khỏi Trung Quốc và tìm đến các quốc gia như Việt Nam, theo bài viết mới nhất trên Wall Street Journal (WST).

Thế nhưng, có một câu hỏi đặt ra rằng, những điểm đến mới của giới sản xuất để thay thế Trung Quốc đã thực sự sẵn sàng?

Doanh nghiệp giảm dần cơ sở ở Trung Quốc

Các chuỗi cung ứng chuyên biệt đã biến Trung Quốc thành một cường quốc sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị điện tử. Trong khi đó, xét về vị trí địa lý, Việt Nam là quốc gia gần hơn cả.  Tuy nhiên, các nhà máy có chứng nhận an toàn theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ và máy móc thâm dụng vốn không sẵn có nhiều. Và có những quan ngại xung quanh việc dân số của Việt Nam chỉ chưa bằng 1/10 so với Trung Quốc nên tình trạng thiếu lao động sẽ trở nên trầm trọng hơn khi các nhà sản xuất toàn cầu đổ xô đến thiết lập các cơ sở tại đây để “né” hàng rào thuế quan của Mỹ.

“Trung Quốc đã khởi đầu từ 15 năm trước nên nếu bạn muốn bất cứ thứ gì, sẽ có ai đó làm cho bạn”, bà Wing Xu, Giám đốc điều hành của Omnidex Group – doanh nghiệp giúp sản xuất máy bơm lớn cho nhà sản xuất thiết bị công nghiệp có trụ sở tại Pennsylvania - McLanahan Corp chia sẻ với WSJ, một trong những tờ nhật báo có ảnh hưởng nhất toàn cầu.

Omnidex đã chuyển một số dây chuyền sản xuất sang Việt Nam, nhưng trong số hơn 80 bộ phận của một máy bơm được sử dụng trong các hoạt động khai thác, các nhà máy ở đây chỉ mới sản xuất được 20 bộ phận. “Bạn không thể chỉ chuyển hoạt động kinh doanh sang Việt Nam và trông chờ vào việc bạn có thể tìm thấy bất cứ thứ gì mà mình cần tìm”, bà Wing Xu nói.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho biết họ đang chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Rất ít công ty có kế hoạch rời khỏi Trung Quốc hoàn toàn, nhưng những công ty có hàng cụm sản xuất ở nước này đang khẩn trương tìm cách đa dạng hóa địa điểm.

Một số công ty đang chuyển một phần dây chuyền sản xuất của họ sang các nước Đông Nam Á hoặc các nơi khác, trong khi vẫn tiếp tục sản xuất các sản phẩm cho  thị trường Trung Quốc và ngoài Hoa Kỳ ở Trung Quốc. Chiến lược này được họ gọi là Trung Quốc + 1. Những doanh nghiệp khác có số lượng đơn đặt hàng lớn thì hy vọng sẽ có thể “huých” các nhà cung ứng của Trung Quốc ra và chuyển hoạt động khỏi Trung Quốc.  

Kết quả là, một “bức tranh” về sản xuất toàn cầu mới đang bắt đầu hình thành. Các cơ sở sản xuất đang rời khỏi Trung Quốc và tỏa ra các nước đang phát triển. Một phần nhỏ sẽ đến Hoa Kỳ nhờ sự hậu thuẫn của quá trình tự động hóa. Sự sắp xếp lại của chuỗi cung ứng theo hướng các nhà sản xuất giảm dần các cơ sở sản xuất tại Trung Quốc nhưng thị phần chủ yếu của “chiếc bánh” vẫn ở nước này.

Theo các nhà quan sát, việc tạo ra các cụm công nghiệp mới sẽ không thể xảy ra “chỉ sau một đêm”. Việt Nam cung cấp nguồn lao động giá rẻ, nhưng dân số 100 triệu người vẫn còn khá nhỏ so với 1,3 tỷ dân của Trung Quốc.

Trong khi đó, hệ thống đường xá và cầu cảng vẫn chưa thực sự thông suốt. Ấn Độ thì có nguồn nhân lực, nhưng trình độ kỹ năng vẫn còn thấp và các quy tắc của chính phủ lại tương đối hạn chế. “Có một câu hỏi mà mọi người đang cùng đặt ra là: Chúng ta nên đi đâu”, Giang Le, nhà phân tích của hãng tư vấn chiến lược Control Risks có trụ sở tại Singapore nói với WST. “Câu trả lời vẫn chưa rõ ràng”.

Nhà sản xuất camera có trụ sở tại California - GoPro Inc., đang chuyển phần lớn dây chuyền sản xuất sang Guadalajara ở Mexico trong khi vẫn duy trì hoạt động tại Trung Quốc cho các thị trường khác. Universal Electronics Inc., có trụ sở tại Arizona và chuyên sản xuất công nghệ nhà thông minh vừa có một đối tác mới ở Philippines và cũng đang mở rộng hoạt động tại Monterrey, Mexico.

Việt Nam đang có nhiều thuận lợi

Công ty TNHH Techtronic Industries niêm yết ở Hồng Kông, nơi sản xuất máy hút bụi Hoover cũng sẽ thành lập một nhà máy mới tại Việt Nam và bổ sung công suất cho các hoạt động tại Mississippi. Đơn vị này vẫn sẽ duy trì một số hoạt động sản xuất tại Trung Quốc trong ít nhất một thập kỷ. Mô hình sản xuất tại Trung Quốc đã tồn tại suốt 20 năm qua và đã phát triển mạnh.

Các nhà cung ứng được đặt gần nhau, giúp chu trình sản xuất nhanh hơn, ít tốn kém hơn và hiệu quả hơn. Bây giờ, khi các hoạt động trở nên phân mảnh hơn, doanh nghiệp đang đứng trực nguy cơ chi phí bị đội lên, thời gian giao hàng bị kéo dài, chưa kể nhiều chế tài vế thuế và lao động bị nhân lên.

Các công ty đang bắt đầu tập trung vào các quy tắc phức tạp của chính phủ như bao nhiêu % của một sản phẩm cần được sản xuất ở một quốc gia thì sẽ được cho là có xuất xứ từ nước đó, ông Willy C. Shih, chuyên gia kinh tế chuyên về lĩnh vực sản xuất tại Trường Kinh doanh Harvard nói và nhấn mạnh đến quy định trong Made in Vietnam.

Việt Nam đang có nhiều thuận lợi để gia tăng các khu công nghiệp chuyên về điện tử để nâng cao giá trị của chuỗi cung ứng. Các khu công nghiệp đã tràn ngập các yêu cầu đăng ký gia nhập. Công ty phát triển công nghiệp BW, được hỗ trợ bởi quỹ Warburg Pincus của Mỹ, đã bắt đầu xây dựng các nhà máy cho thuê vào năm ngoái. Các cơ sở của công ty này đã được đặt kín cho đến tháng 12.

Theo Giám đốc tiếp thị Michael Chan của BW, một số bên thuê thậm chí còn gấp rút đến mức ký hợp động thuê nhà máy chỉ trong vòng một tuần.

Bình An
Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp ồ ạt rút khỏi Trung Quốc, Việt Nam hưởng lợi? tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan