Đối thoại với doanh nghiệp về an toàn, vệ sinh lao động

19/09/2019, 16:14

TCDN - Ngày 19/9, Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp những vấn đề pháp lý về pháp luật lao động, an toàn, vệ sinh lao động và trách nhiệm của người sử dụng lao động khi quan hệ lao động chấm dứt.

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động phát biểu

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động phát biểu

Phát biểu khai mạc, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội cho biết, về cơ bản các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành kịp thời, đúng thẩm quyền, bảo đảm hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với Luật An toàn vệ sinh lao động và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.

Hệ thống văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật An toàn vệ sinh lao động cơ bản đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa các chính sách, đưa Luật đi vào cuộc sống và kịp thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh, góp phần đưa công tác quản lý nhà nước và thực thi chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này ngày càng hiệu quả hơn.

Công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh lao động ngày càng đi vào nền nếp, có chiều sâu, trên cơ sở sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của ngành lao động – thương binh và xã hội với các bộ ngành, tổ chức ở Trung ương cũng như giữa các sở, ban, ngành, tổ chức địa phương. Một số chính sách mới về quản lý và thực hiện an toàn vệ sinh lao động đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động bước đầu được quan tâm triển khai thông qua công tác khai báo, điều tra, báo cáo, đánh giá, công bố tai nạn lao động đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động đến UBND cấp huyện, xã.

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi pháp luật về an toàn vệ sinh lao động không phải doanh nghiệp nào cũng hiểu đúng, hiểu đủ và nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật. Việc chấp hành chế độ báo cáo, thống kê tai nạn lao động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như khu vực không có quan hệ lao động chỉ chiếm từ 5 – 7%, chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động sản xuất quy mô lớn. Doanh nghiệp dịch vụ, cơ quan hành chính hầu như không báo cáo về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, tình trạng khi xảy ra tai nạn lao động, người sử dụng lao động che giấu, không khai báo mà thỏa thuận bồi thường với người lao động hoặc thân nhân người lao động bị tử vong. Chính vì vậy, việc trao đổi với doanh nghiệp về pháp luật lao động, an toàn, vệ sinh lao động và trách nhiệm của người sử dụng lao động khi quan hệ lao động chấm dứt là thực sự cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật.

Nêu vướng mắc về mức hỗ trợ huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động, đại diện doanh nghiệp chia sẻ, theo quy định hiện kinh phí hoạt động hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động là 30% mức giá dịch vụ huấn luyện nhưng không có quy định cụ thể dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện.

Ông Nguyễn Khánh Long, Trưởng phòng Chính sách Bảo hộ lao động, Cục An toàn lao động nhấn mạnh, hiện Cục đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc, trong đó các nội dung liên quan đến hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động được quy định rõ ràng, chi tiết. Cụ thể: Chi phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động bao gồm: (1) xây dựng tư liệu huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động bao gồm tài liệu, phim ảnh, sách, tranh, mua bản quyền tài liệu, sách, tranh…; (2) chi hỗ trợ tài liệu huấn luyện cho các nhóm đối tượng huấn luyện theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động; (3) mua giáo cụ trực quan, trang thiết bị phục vụ hoạt động huấn luyện; (4) hỗ trợ chi phí huấn luyện.

Bà Nguyễn Thu Hường, Trưởng phòng Huấn luyện, thông tin, Cục An toàn, vệ sinh lao động cho biết thêm, người sử dụng lao động được nhận hỗ trợ chi phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động khi có đủ các điều kiện sau:

Thứ nhất, người sử dụng lao động tham gia đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ huấn luyện.

Thứ hai, thuê tổ chức huấn luyện hoặc tư vấn huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho đối tượng được hỗ trợ huấn luyện theo đúng quy định.

Thứ ba, trong thời gian tham gia bảo hiểm 10 năm cho một người lao động, người sử dụng lao động chỉ được nhận hỗ trợ 1 lần chi phí huấn luyện cho người lao động là đối tượng được hỗ trợ chi phí huấn luyện.

Thứ tư, thực hiện báo cáo công tác an toàn, vệ sinh lao động cho Sở Lao động – Thương binh & Xã hội năm trước liền kề năm đề nghị; không bị cơ quan bảo hiểm xã hội thông báo nợ đọng bảo hiểm 03 tháng liền kề hoặc trốn đóng bảo hiểm năm trước liền kề năm đề nghị hỗ trợ thanh toán.

Thứ năm, chỉ hỗ trợ chi phí huấn luyện cho các đối tượng được huấn luyện trong năm trước liền kề đề nghị hỗ trợ thanh toán.

Thu Hằng
Bạn đang đọc bài viết Đối thoại với doanh nghiệp về an toàn, vệ sinh lao động tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Tập huấn kỹ năng thông tin, truyền thông về an toàn, vệ sinh lao động
Ngày 12/9, Cục An toàn lao động - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Lào Cai tổ chức Hội nghị đối thoại và Tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng thông tin, truyền thông cho truyền thông viên nguồn về an toàn vệ sinh lao động tại Lào Cai.