Đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với doanh nghiệp dệt may

29/08/2019, 13:57

TCDN - Dệt may là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn, thu hút đông đảo lực lượng lao động nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh nghề nghiệp cũng như an toàn lao động. Điều này đòi hỏi, công tác an toàn, vệ sinh lao động ngành dệt may cần được Nhà nước và doanh nghiệp quan tâm đúng mức.

Theo Tổng cục thống kê, ngành dệt may năm 2018 ghi nhận doanh thu toàn ngành đạt 30.4 tỷ USD (+16.6% YoY), trong đó chủ yếu xuất khẩu hàng may mặc (chiếm 80%), theo sau là xuất khẩu vải (chiếm 6%) và xuất khẩu xơ, sợi (chiếm 11%).

Sự tăng trưởng tích cực này còn được thể hiện ở việc giá trị xuất khẩu đến các thị trường chủ lực cũng lần lượt tăng tích cực. Cụ thể, trong năm qua, giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 14% và tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng dệt may Việt Nam (chiếm 47% giá trị xuất khẩu toàn ngành). Trong khi đó, hàng dệt may Việt nam đang tiến dần đến vị trí dẫn đầu tại 2 thị trường tiềm năng là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Đây cũng là ngành thu hút đông đảo lực lượng lao động trên cả nước, với số lượng lao động liên tục tăng trưởng. Theo thống kê của ngành dệt may - da giầy Việt Nam, hiện có trên 2.000 doanh nghiệp với trên 3 triệu lao động. Trong chiến lược phát triển ngành đến năm 2020, nhu cầu nguồn nhân lực bổ sung mỗi năm là khoảng 2300 cử nhân, kỹ sư công nghệ và thiết kế.

Do tập trung số lượng lớn lao động, nên ngành dệt may cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh nghề nghiệp. Người lao động thường xuyên phải làm việc trong môi trường có nhiều tác nhân độc hại, như: bụi, rác thải, tiếng ồn, thiếu ánh sáng. Đây là một trong số những nguyên nhân gây nên các bệnh nghề nghiệp. Trong đó, bệnh bụi phổi là phổ biến và nguy hiểm nhất (chiếm 74%), viêm đường hô hấp (32%) và điếc do tiếng ồn (17%)…

Bên cạnh đó, trong công tác an toàn lao động, ngành dệt may có nguy cơ cháy nổ cao hơn so với các ngành nghề khác. Thực tế, trong thời gian qua, có không ít vụ cháy lớn đã xảy ra tại các doanh nghiệp dệt may. Điển hình như, tháng 6/2018, ở khu công nghiệp Thụy Vân, tỉnh Phú Thọ đã xảy ra vụ hoả hoạn tại công ty may mặc Jakjin Việt Nam, 100% vốn Hàn Quốc với 5.000 công nhân.

Hay trước đó, tháng 03/2018, vụ hỏa hoạn lớn xảy ra tại nhà máy may của Công ty TNHH Vina Korea, ở khu công nghiệp Khai Quang, TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc… Mặc dù các vụ hỏa hoạn không có thiệt hại về người, nhưng đã gây tổn thất lớn về tài sản.

Nguyên nhân chủ yếu của các vụ cháy nổ trên là do các doanh nghiệp dệt may chưa thực sự quan tâm tới công tác an toàn, vệ sinh lao động, còn để xảy ra nhiều sai phạm ở tất cả các khâu, các nội dung của công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra, kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động còn ít trong khi số lượng doanh nghiệp lớn nên công tác thanh, kiểm tra không thực hiện được đầy đủ đối với tất cả các doanh nghiệp,

Ngoài ra, bệnh nghề nghiệp của công nhân ngày càng gia tăng là do các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Theo Thông tư số 14/2013/TT-BYT, ngày 06/05/2013 của Bộ Y tế hướng dẫn khám sức khỏe quy định các cơ quan, doanh nghiệp phải có trách nhiệm khám sức khỏe định kỳ cho người lao động ít nhất một lần/năm; sáu tháng/lần đối với các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chỉ coi đây là hoạt động mang tính hình thức, để qua mắt cơ quan chức năng, không ít doanh nghiệp đã thuê các cơ sở y tế bên ngoài tổ chức khám sức khỏe cho người lao động với chi phí rẻ. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp cố tình bỏ qua quyền lợi này của người lao động. Đây cũng là một trong những nguyên nhân góp phần làm cho bệnh nghề nghiệp của công nhân ngành dệt may ngày càng gia tăng và trầm trọng hơn.

Việc chấp hành các quy định về thời gian làm việc, tiền lương, tiền công và việc thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh lao động cùng với các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động còn không ít sai phạm. Cụ thể, trong khuôn khổ dự án “Tăng cường tuân thủ tại nơi làm việc thông qua thanh tra lao động”, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện chiến dịch thanh tra lao động trong ngành Dệt may với 152 doanh nghiệp dệt may trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố trong cả nước đã phát hiện 1.786 sai phạm. Trung bình 12 sai phạm/doanh nghiệp, các đoàn thanh tra lập 19 biên bản vi phạm hành chính để xử lý 19 doanh nghiệp với tổng số tiền xử phạt là 594 triệu đồng (BLĐTBXH, 2015).

Riêng đối với nội dung an toàn, vệ sinh lao động đã phát hiện hơn 1.000 sai phạm ở tất cả các doanh nghiệp được thanh tra. Các sai phạm xuất hiện ở tất cả các nội dung được thanh tra và tập trung ở các nội dung như: công tác đào tạo, huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động cho các đối tượng đang làm việc tại doanh nghiệp; trang bị và sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân của người lao động…

Trong số 152 doanh nghiệp được thanh tra có 90 doanh nghiệp người sử dụng lao động không tham gia huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, 61 doanh nghiệp cán bộ làm công tác an toàn và 68 doanh nghiệp có người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động không tham gia huấn luyện an toàn vệ sinh lao động. Theo quy định của pháp luật lao động, các đối tượng gồm người sử dụng lao động, cán bộ làm công tác an toàn và người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (lao động thuộc nhóm I, II, III) phải được đào tạo, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và định kỳ 2 năm một lần phải được huấn luyện lại. Đối với lao động thuộc nhóm IV (những lao động không thuộc nhóm I, II, III và bao gồm cả người học nghề, tập nghề, thử việc) phải được đào tạo huấn luyện an toàn vệ sinh lao động lần đầu khi được tuyển dụng và định kỳ huấn luyện lại ít nhất mỗi năm một lần. Tuy nhiên, theo kết quả thanh tra, có 87 doanh nghiệp không tổ chức huấn luyện an toàn lao động cho người lao động thuộc nhóm IV, trong đó 59 doanh nghiệp không tổ chức huấn luyện cho người học nghề và người mới được tuyển dụng.

Hoạt động thanh tra cũng tập trung khoanh vùng rủi ro và chỉ ra những vi phạm đối với việc trang cấp và sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động. Nguồn gốc của những sai phạm này có cả ở người sử dụng lao động và người lao động, trong những vi phạm do lỗi của người sử dụng lao động có 44% là vi phạm trong việc cung cấp (không trang bị và trang bị không đầy đủ về số lượng phương tiện bảo vệ cá nhân theo quy định cho người lao động), 84% lỗi vi phạm của người lao động là không sử dụng và sử dụng trang bị bảo vệ cá nhân không đúng mục đích công việc.

Ngoài ra, còn có hơn 100 doanh nghiệp có sai phạm trong công tác lập kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động hàng năm như không xây dựng kế hoạch hoặc xây dựng kế hoạch an toàn lao động nhưng không đảm bảo các nội dung theo quy định, không tham khảo ý kiến của đại diện người lao động hay tổ chức công đoàn khi xây dựng kế hoạch… 52 doanh nghiệp vi phạm trong công tác đo kiểm tra môi trường tại nơi làm việc định kỳ hàng năm (37 doanh nghiệp không tổ chức đo, kiểm tra môi trường lao động, 15 doanh nghiệp có tổ chức đo, kiểm tra nhưng không thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện, môi trường làm việc)…

Những số liệu kết quả của chiến dịch thanh tra trên cho thấy, các doanh nghiệp dệt may chưa thực sự quan tâm tới công tác an toàn, vệ sinh lao động, còn để xảy ra nhiều sai phạm ở tất cả các khâu, các nội dung của công tác an toàn, vệ sinh lao động.

PGS. TS Trần Thị Bích Ngọc, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, giải pháp giúp doanh nghiệp thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động cần có sự phối hợp của các cơ quan có thẩm quyền. Trong đó, cơ quan quản lý nhà nước cần có các biện pháp hỗ trợ để cho doanh nghiệp hiểu, nắm bắt được các quy định của pháp luật cũng như đánh giá được các rủi ro và phòng ngừa, bao gồm:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động để doanh nghiệp và người lao động nắm được và thực hiện.

- Tăng cường công tác thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm của doanh nghiệp nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người sử dụng lao động và bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

- Ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An toàn, vệ sinh lao động đảm bảo đầy đủ và phù hợp với thực tế.

Đối với doanh nghiệp, phối hợp cùng với Công đoàn cơ sở tổ chức thực hiện các giải pháp:

- Kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn, vệ sinh lao động trong doanh nghiệp, lựa chọn những cán bộ có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm để phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động.

- Nâng cao hiệu quả của công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức huấn luyện, đào tạo đầy đủ theo đúng đối tượng và thời gian đã được pháp luật quy định; nội dung huấn luyện cần phải ngắn gọn, thiết thực, chỉ rõ các công việc cần làm phù hợp với từng đối tượng; bố trí cán bộ chuyên môn tham dự đầy đủ các lớp tập huấn. Trong huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cần chú trọng đào tạo kỹ năng phòng tránh tai nạn lao động, nhận biết rủi ro trong quá trình sản xuất cho công nhân lao động trực tiếp để giảm thiểu tai nạn lao động.

- Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết công tác an toàn, vệ sinh lao động hàng quý, hàng năm với các nội dung: Phân tích các kết quả, các thiếu sót, tồn tại và các bài học kinh nghiệm; tổ chức khen thưởng đối với các đơn vị và cá nhân làm tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động; phát động phong trào thi đua đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người lao động thực hiện tốt các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; chấp hành nghiêm chỉnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn, các biện pháp làm việc an toàn và phát hiện; xử lý kịp thời những hiện tượng thiếu an toàn, vệ sinh trong sản xuất. Tăng cường công tác tự kiểm tra đánh giá tại cơ sở nhằm phát hiện kịp thời và chấn chỉnh những sai phạm trong an toàn, vệ sinh lao động.

- Công đoàn phối hợp với bộ phận chuyên môn căn cứ trên cơ sở pháp luật hiện hành tổ chức rà soát, bổ sung, xây dựng chế tài xử phạt nghiêm những người vi phạm quy trình an toàn, vi phạm kỷ luật lao động, có những sai phạm trong quản lý, điều hành dẫn đến tai nạn lao động; xây dựng quy chế khen thưởng, động viên kịp thời những người phát hiện, ngăn chặn kịp thời những sai phạm, những nguy cơ có thể dẫn tới sự cố, tai nạn trong lao động.

Tài liệu tham khảo

1.https://congthuong.vn/an-toan-lao-dong-trong-nganh-det-may-chuyen-bien-tich-cuc-121285.html

2.http://www.sggp.org.vn/nganh-det-may-truoc-thach-thuc-moi-563176.html

3.https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/moi-nam-can-hang-nghin-cu-nhan-ky-su-nganh-det-may-da-giay-20181216180547571.htm

4.http://laodongbinhduong.org.vn/nguoi-su-dung-lao-dong-phai-co-trach-nhiem-giam-nguy-co-benh-nghe-nghiep-cho-cong-nhan-a3621.html

Đỗ Duy Hoàn

Đại học Công nghiệp Việt - Hung

Tạp chí in số tháng 8/2019
Bạn đang đọc bài viết Đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với doanh nghiệp dệt may tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Giải pháp phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản
Khai thác thủy sản (KTTS) ở Việt Nam (VN) là một ngành kinh tế quan trọng đã được quan tâm phát triển, đặc biệt là từ sau năm 1975. Tuy nhiên, nguồn lợi thủy sản ở VN hiện nay đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt do khai thác quá mức.