Giải pháp phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản

26/08/2019, 08:50

TCDN - Khai thác thủy sản (KTTS) ở Việt Nam (VN) là một ngành kinh tế quan trọng đã được quan tâm phát triển, đặc biệt là từ sau năm 1975. Tuy nhiên, nguồn lợi thủy sản ở VN hiện nay đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt do khai thác quá mức.

Trong bài viết này, các tác giả đánh giá thực trạng của ngành khai thác thủy sản ở VN, trên cơ sở đó rút ra những thuận lợi, khó khăn cho hoạt động khai thác hiện nay, kết hợp với đánh giá những chính sách của chính phủ trong việc quản lý ngành khai thác thủy sản, đặc biệt là những chính sách nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, từ đó đề xuất một số gợi ý chính sách để phát triển bền vững ngành khai thác tài nguyên này cho VN trong thời gian tới.

2-1

Tổng quan về ngành KTTS ở Việt Nam

KTTS ở VN là một ngành kinh tế đã hình thành từ sớm. Trước năm 1945 nhà nước cũng đã có sự quan tâm đầu tư phát triển nghề cá, điển hình như việc thành lập Viện khoa học Đông dương năm 1918, thành lập Viện Hải dương học Nha Trang năm 1922. Tuy nhiên nhìn chung nghề cá lúc này chưa phát triển, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng sản lượng của nền kinh tế, quy mô sản xuất manh mún, mang tính tự phát, sản lượng khai thác năm 1944 mới đạt 127.200 tấn.

Trong giai đoạn 1945 - 1954 chưa có bước tiến gì đáng kể trong việc đầu tư phát triển nghề cá so với trước đó. Sang giai đoạn 1955 -1975, nghề cá có bước phát triển đáng kể, chính phủ cũng có nhiều chính sách quan tâm phát triển, đặc biệt là ở Miền Bắc, điển hình như việc thành lập trường đại học thủy sản Nha Trang chuyên đào tạo nhân lực cho ngành thủy sản năm 1959, thành lập cục thủy sản để quản lý và phát triển nghề cá năm 1960, vấn đề hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KTTS cũng được chú trọng (với Trung Quốc, Liên Xô,...).

Giai đoạn này ở Miền Bắc thành lập các tổ đội sản xuất phát triển mạnh, sản lượng khai thác ở tăng từ 90 nghìn tấn năm 1955 đến 300 nghìn tấn năm 1971 (ở miền Nam không có số liệu ghi chép cụ thể).

Giai đoạn 1976 đến nay có sự phát triển vượt bậc một cách toàn diện cả về khai thác, nuôi trồng, hậu cần dịch vụ, chế biến và xuất khẩu, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, mở rộng hợp tác quốc tế và giữ vững nhịp độ tăng trưởng. Riêng sản lượng khai thác biển cả nước tính đến năm 2016 đạt 2.678.406 tấn, đứng thứ 8 thế giới và kim ngạch xuất khẩu đạt 7.320 triệu USD, đứng thứ 3 thế giới.

Khai thác thủy sản ở nước ta là một ngành khai thác đa loài do có nhiều loài thủy hải sản khác nhau (với khoảng 11.000 loài sinh vật biển đã được phát hiện), sản lượng khai thác thủy sản ở VN chủ yếu là khai thác biển. Mỗi năm có hai mùa khai thác chính: vụ nam và vụ bắc gắn với vụ gió mùa tây nam và đông bắc. Ngành khai thác thủy sản phát triển không đồng đều giữa các vùng biển, tập trung chủ yêu ở vùng đông nam bộ và tây nam bộ (chiểm khoảng 60% sản lượng khai thác cả nước), và chủ yếu là khai thác gần bờ (chiếm khoảng 80% sản lượng khai thác).

Nhìn chung, hoạt động khai thác thủy sản của VN có những thuận lợi và khó khăn như sau:

Thuận lợi

Có vùng thủy vực rộng lớn: vùng nước lợ khoảng 600.000 ha, vùng nước ngọt khoảng 1.000.000 ha, vùng nước mặn khoảng 1.000.000 km2 (vùng đặc quyền kinh tế) với bờ biển dài 3.260km cùng với 112 cửa sông lạch, 12 đầm phá và rất nhiều hòn đảo lớn nhỏ có khả năng KTTS.

Trữ lượng hải sản khá lớn, ước tính có khoảng 4,2 triệu tấn và nguồn tái tạo là khoảng 1,73 triệu tấn (theo báo cáo ngành TS Việt Nam 2018).

Biển VN có tính đa dạng sinh học khá cao, với chừng 11.000 loài sinh vật đã được phát hiện, tuy nhiên phân bố rời rạc.

Nguồn lao động dồi dào, chịu khó và có kinh nghiệm cùng với truyền thống phát triển nghề khai thác thủy sản có từ lâu đời.

Chính phủ ngày càng quan tâm nhiều hơn và có những chính sách hỗ trợ phát triển nghề cá, đặc biệt là từ khi ban hành luật thủy sản vào năm 2003 hay việc ban hành nghị định Số: 67/2014/NĐ-CP của chính phủ năm 2014 về các chính sách phát triển ngành thủy sản. Đối với việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chính phủ cũng đặc biệt quan tâm, điều này thể hiện trong luật thủy sản 2019 và nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Khó khăn

Nguồn lợi thủy sản tuy phong phú, đa loài nhưng trữ lượng thấp, kích thước quần đàn nhỏ, phân tán manh mún gây khó khăn cho hoạt động khai thác.

Cơ sở hạ tầng yếu, cảng cá quy mô quá nhỏ, trang thiết bị xếp dỡ còn thủ công lạc hậu, luồng lạch có độ sâu hạn chế gây khó khăn cho việc xuất bến về bến của tàu thuyển. Phương tiện đánh bắt đa chủng loại, còn nhiều phương tiện mang tính tận diệt, hủy diệt như dùng xung điện, thuốc nổ, te, mành, giả cào, lưới rê,...cho đến nay vẫn chưa thể kiểm soát được hết do tập quán khai thác mang tính cá thể nhỏ lẻ, manh mún, tự phát còn nhiều.

Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nhất là mùa mưa bão hàng năm gây khó khăn cho hoạt động khai thác.

Kích thước tàu thuyền nhỏ, công suất thấp, trang thiết bị thiếu đồng bộ, chắp vá, khả năng chịu đựng sóng gió của tàu thuyền thấp nên rất khó khăn trong việc khai thác, nhất là trong điều kiện thời tiết xấu.

Công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch còn yếu, cộng với trình độ ngư dân thấp, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên rất khó khăn trong việc tiếp nhận công nghệ hiện đại, tiên tiến, làm cho năng suất khai thác và chất lượng sản phẩm sau thu hoạch thấp.

Việc kiểm soát nguồn nguyên liệu chưa thật sự tốt về việc tuân thủ quy định IUU hay dư lượng hóa chất, khiến cho các nhà máy chế biến không đủ khả năng kiểm soát đồng bộ quá trình sản xuất.

Hoạt động tiêu thụ thủy sản hiện nay thường không ổn định về nhiều mặt như giá cả, khách hàng, việc xây dựng thương hiệu thủy sản VN còn yếu, chưa có tổ chức có tư cách pháp nhân để đại diện và bảo vệ quyền lợi cho ngư dân, làm cho hiệu quả kinh tế của việc khai thác thấp.

Diễn biến giá xăng, dầu không ổn định, biến động theo xu hướng tăng. Trong khi đó nhiên liệu phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu nên chi phí sản xuất phụ thuộc nhiều vào giá xăng dầu thế giới.

Tình hình an ninh trên biển còn nhiều phức tạp, công tác tuyên truyền chủ quyền còn hạn chế. Việc hợp tác, mở rộng ngư trường khai thác ra vùng biển quốc tế chưa được quan tâm đúng mức, điều này làm hạn chế đáng kể sản lượng khai thác.

Đời sống ngư dân ven biển thấp, phụ thuộc rất lớn vào việc khai thác thủy sản, cộng với ý thức bảo vệ nguồn lợi của người dân kém, do vậy dẫn đến sự khai thác quá mức.

Việc áp dụng các chế tài xử phạt còn khá nhẹ, mức độ kiểm tra, kiểm soát tình hình vi phạm còn lỏng lẽo, do vậy thực tế việc sử dụng ngư cụ trái phép, khai thác trái phép,...thường xuyên xảy ra gây cạn kiệt nguồn lợi.

Một số gợi ý chính sách

Để hoạt động khai thác thủy sản được phát triển một cách bền vững, khai thác phải cân đối với tái tạo, tránh gây cạn kiệt nguồn lợi. Chính phủ và chính quyền các địa phương phải phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm soát sản lượng khai thác. Trong thời gian qua chính phủ cũng đã có nhiều chính sách để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hướng đến phát triển bền vững, tuy nhiên cần có thêm một số chính sách cụ thể hơn, quyết liệt hơn để giải quyết triệt để tình trạng khai thác quá mức, cụ thể như sau:

Hỗ trợ bà con ngư dân tìm kiếm thêm việc làm, bớt sự phụ thuộc quá lớn vào khai thác thủy sản, đồng thời tích cực giáo dục, tuyên truyền cho bà con ngư dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ nguồn lợi, đồng thời nâng cao ý thức của họ trong việc hạn chế gia tăng dân số, dẫn tới nhu cầu đánh bắt thủy sản gia tăng. Bên cạnh đó cần có sự chung tay của cả cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, kể cả người tiêu dùng sản phẩm.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình khai thác để phát hiện và ngăn chặn kịp thời tình trạng khai thác mang tính hủy diệt, tận diệt.

Kiểm soát chặt chẽ về số lượng tàu thuyền, kích cỡ tàu thuyền, kích cỡ mắt lưới, phương tiện đánh bắt, thời gian đánh bắt, tránh khai thác mùa sinh sản.

Đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản để thay thế thủy sản khai thác trong tự nhiên. Tuy nhiên để sản phẩm nuôi trồng có thể thay thế được sản phẩm khai thác từ tự nhiên, cần quan tâm cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là vấn để sử dụng thức ăn, thuốc, hóa chất bảo quản trong nuôi trồng thủy sản.

Tích cực nghiên cứu trong việc phát hiện, lai tạo, tái tạo giống thủy sản để bổ sung giống thả vào tự nhiên, đồng thời chú trọng xây dựng các khu bảo tồn biển để lưu giữ và phát triển giống thủy sản, tránh tình trạng bị tuyệt chủng. Điều này cũng cần có sự chung tay giữa các nhà khoa học, nhà quản lý và cả cộng đồng dân cư mới có thể thực hiện được một cách hiệu quả.

Tăng cường hợp tác quốc tế về đổi mới công nghệ, kỹ thuật trong khai thác, đặc biệt là việc tuân thủ các quy định chung mang tính quốc tế để bảo vệ và tái tạo nguồn lợi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Luật thủy sản 2019

2. Nghị định 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ về về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

3. Nghị định 67/2014/NĐ-CP về các chính sách phát triển ngành thủy sản

4. Báo cáo ngành thủy sản VN 2018

5. TS. Nguyễn Đức Sĩ, Giáo trình địa lý nghề cá, tài liệu nội bộ Đại học Nha Trang, 2014 FAO

Nguyễn Châu Thoại - Lê Thị Xoan

Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh

Tạp chí in số tháng 8/2019
Bạn đang đọc bài viết Giải pháp phát triển bền vững ngành khai thác thủy sản tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899