Cho An Lạc vay trăm tỷ đồng, 'chúa Chổm' Hà Đô Group gây khó hiểu

26/08/2019, 07:32

TCDN - Nợ của Hà Đô đang tăng nhanh, cao gấp 3,4 lần vốn chủ sở hữu nhưng lại cho An Lạc vay hàng trăm tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (Hà Đô Group, mã HDG) đang nhận được sự quan tâm từ giới đầu tư cổ phiếu khi lợi nhuận tăng đột biến. Tuy nhiên, cùng với lợi nhuận là sự gia tăng của nợ. Tại thời điểm 30/6/2019, tổng nợ phải trả của Hà Đô Group tăng từ 8.396 tỷ đồng lên 10.370 tỷ đồng, cao gấp 3,4 lần vốn chủ sở hữu.

Con số kể trên cho thấy, Hà Đô Group đã phải vay nợ rất nhiều để có tiền rót cho các dự án. Thế nhưng, doanh nghiệp này lại có cách cho vay khá khó hiểu. Trong đó, mối quan hệ nợ vay và các quan hệ khác với Công ty Cổ phần Đầu tư An Lạc (Công ty An Lạc) là ví dụ.

Tại thời điểm cuối năm 2018, Hà Đô Group không nắm giữ cổ phần tại Công ty An Lạc sau khi chuyển nhượng toàn bộ vốn cổ phần tại An Lạc có giá trị ghi sổ 12 tỷ đồng với giá 20,176 tỷ đồng.

Do 12 tỷ đồng tương ứng 7% vốn nên giá trị ghi sổ của An Lạc là hơn 171 tỷ đồng. Công ty An Lạc có giá trị ghi sổ hơn 171 tỷ đồng nhưng Hà Đô từng cho An Lạc vay số tiền lớn hơn giá trị ghi sổ rất nhiều.

Tại thời điểm 31/12/2018, khi Hà Đô Group đã bán xong cổ toàn bộ cổ phần của An Lạc, Hà Đô vẫn tồn tại khoản phải thu về cho vay ngắn hạn trị giá gần 229 tỷ đồng tại An Lạc. Điều đáng nói, các khoản vay này không có tài sản đảm bảo với lãi suất từ 4,5% tới 9,3%/năm. Cả gốc và lãi sẽ được trả vào ngày đáo hạn quy định tại từng thỏa thuận vay. Có thể thấy, điều kiện vay mà Hà Đô dành cho An Lạc là rất tốt.

Chưa hết, cũng tại thời điểm 31/12/2018, Hà Đô có khoản phải thu về cho vay dài hạn tại An Lạc lên đến 100 tỷ đồng. Khoản vay này không tính lãi. Như vậy, sau khi Hà Đô thoái vốn khỏi An Lạc, An Lạc vẫn nợ Hà Đô gần 329 tỷ đồng. Trong khi giá trị ghi sổ của An Lạc là khoảng 171 tỷ đồng.

Còn theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019, tại thời điểm 30/6/2019, có khoản phải thu về cho vay dài hạn tại Công ty Cổ phần Đầu tư An Lạc trị giá 100 tỷ đồng. Không rõ An Lạc đã thanh toán khoản vay 229 tỷ đồng kể trên hay chưa vì Hà Đô không ghi rõ từng khoản vay mà chỉ thông báo có “phải thu khác” trong phần phải thu ngắn hạn trị giá 310 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Đầu tư An Lạc hoạt động từ ngày 2/4/2002 với ngành nghề chính là “xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng”. Chủ tịch Hội đồng quản trị của An Lạc là ông Nguyễn Trọng Thông. Hiện tại, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Hà Đô cũng có tên Nguyễn Trọng Thông.

Ông Nguyễn Trọng Thông cũng có một chị gái tên Nguyễn Thị Xuân Lan. Bà Lan cũng là cổ đông của Hà Đô Group. Lượng cổ phiếu HDG thuộc sở hữu của bà Lan theo thị giá hiện tại có trị giá khoảng 24 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Trọng Thông nắm giữ gần 41,6 triệu cổ phiếu HDG của Hà Đô trị giá khoảng 1.493 tỷ đồng. Nhờ vậy, ông Thông đứng trong top 50 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam hiện tại. Ông Thông thậm chí còn giàu hơn cả ông Đặng Thành Tâm, ông Bùi Quang Ngọc trên sàn chứng khoán.

Trên thị trường chứng khoán, khép lại ngày giao dịch cuối tuần 23/8, mã HDG đứng mức 35.900 đồng/cổ phiếu, giảm 0,69%, tương đương mỗi cổ phiếu mất 250 đồng. Với hơn 118,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường Hà Đô Group "bay hơi" gần 30 tỷ đồng.

Theo VTC
Bạn đang đọc bài viết Cho An Lạc vay trăm tỷ đồng, 'chúa Chổm' Hà Đô Group gây khó hiểu tại chuyên mục Chứng khoán của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899