Donald Trump và COVID-19 có thể thay đổi thực tế chuộng USD
TCDN - Đại dịch COVID-19 và những quyết định của Tổng thống Donald Trump đang khiến vị thế của USD giảm, tạo cơ hội cho các loại tiền tệ hàng đầu khác lọt vào tầm ngắm của giới đầu tư.
Chuyên gia phân tích của CNN nhận định rằng khi đại dịch COVID-19 đạt đỉnh vào tháng 3 năm nay, xu hướng giữ USD, tài sản trú ẩn an toàn của thế giới, tăng lên một cách mạnh mẽ.
Nhưng khi dịch COVID-19 bùng phát ở Mỹ và người dân ở đây phải chống chọi những đợt bùng phát mới, nỗ lực phục hồi kinh tế đã khiến đồng bạc xanh lao dốc. Một số chuyên gia Phố Wall đang cảnh báo rằng đồng USD thể giảm hơn nữa một phần bởi cách xử lí khủng hoảng và các chính sách cô lập của Tổng thống Donald Trump.
"Chúng tôi dự đoán đồng USD Mỹ sẽ tiếp tục giảm vị thế và suy yếu trong dài hạn", Nomura - một công ty tài chính Nhật Bản - nhận định.
USD, một biểu tượng cho vị thế toàn cầu của Mỹ - vẫn là đơn vị tiền tệ chính đối với các nhà đầu tư, những người sử dụng nó để thực hiện đa số giao dịch trên thế giới. Vì USD vẫn là tiền dự trữ hàng đầu thế giới, các chính phủ, ngân hàng trung ương và các tổ chức tài chính lớn tích trữ nó với số lượng lớn. Những nhà đầu cơ USD và những người theo chủ nghĩa hoài nghi đều khẳng định hiện tại không đồng tiền nào có thể thay thế cho USD.
Dù vậy, sự lạc quan hơn về triển vọng của đồng USD của giới đầu tư đang giảm dần. Nợ công nước Mỹ cứ tăng dần và cam kết của Trump đối với các chính sách "Nước Mỹ trước tiên" khiến rủi ro tăng thêm. Vị thế của Mỹ suy giảm trên trường quốc tế có thể là cơ hội cho các đồng minh tăng cường nắm các loại tiền tệ hàng đầu khác.
Hàng loạt công ty quản lí tài sản như BlackRock (BLK) đang khuyến khích khách hàng xem xét các cơ hội đầu tư ở châu Âu, nơi các quốc gia dường như có cách xử lí tốt hơn đối với các thách thức về sức khỏe và kinh tế do dịch bệnh gây nên.
Xu hướng ấy có thể làm giảm giá trị của đồng USD trong những tháng tới, mặc dù sự thay đổi rõ rệt trong chế độ tiền tệ toàn cầu có thể diễn ra trong nhiều thập kỉ.
Viễn cảnh không khả quan
Nhiều người nhận định triển vọng kinh tế đang tệ hơn ở Mỹ, nơi số trường hợp COVID-19 mà giới chức xác nhận đã tăng lên gần 3,4 triệu.
Khi số ca nhiễm ở Mỹ vượt khỏi tầm kiểm soát, nhiều bang đã phải siết chặt các biện pháp cách li. Ở bang California, nơi tự hào là nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới, Thống đốc Gavin Newsom đã ra lệnh đóng các nhà hàng, rạp chiếu phim, vườn thú, bảo tàng và quán bar trong nhà từ hôm 13/7. Ít nhất 27 bang đang tạm hoãn kế hoạch nới lỏng các biện pháp an toàn.
"Mọi người có thể thấy nước Mỹ đã nới lỏng các biện pháp ngăn COVID-19 quá sớm. Đồng USD sẽ suy yếu trong trung hạn do phản ứng của Mỹ đối với dịch bệnh", Jordan Rochester, nhà phân tích chiến lược của Nomura, nói.
Một số ngân hàng lớn nhất của Mỹ nhất trí rằng thất nghiệp tại đây sẽ tiếp tục tăng. Tình hình kinh tế hiện nay cho thấy lãi suất của Mỹ sẽ vẫn tiếp tục duy trì ở gần mức 0 trong một thời gian nữa, và viễn cảnh ấy có thể gây hại cho giá trị của đồng USD. Một mối lo khác đến từ việc thâm hụt tài chính của nước Mỹ đang leo thang với nợ liên bang có thể đạt 101% GDP trong năm nay.
Chính phủ Mỹ đang tăng cường vay tiền để cấp vốn cho các chương trình kích thích, thúc đẩy nền kinh tế. Bộ Tài chính xác nhận thâm hụt ngân sách trong tháng 6 đã tăng lên 864 tỉ USD, đồng nghĩa với việc thâm hụt tài khoản vãng lai khá lớn, nghĩa là Mỹ chi nhiều hơn cho hàng hóa, dịch vụ và đầu tư ra nước ngoài hơn là thu về.
"Các nền kinh tế phát triển khác cũng đang vay mượn nhiều hơn. Nhưng ở Mỹ, chính phủ đang phát hành trái phiếu nhiều hơn con số mà Fed đang mua vào, nghĩa là số lượng trái phiếu kho bạc Mỹ hơn trên thị trường đang quá lớn, đe dọa giá trị của USD", Rochester nói.
Đồng euro thu hút sự chú ý
Bối cảnh ở Mỹ khiến đồng euro có vẻ ngày càng hấp dẫn đối với một số nhà đầu tư. Đến nay, đồng Euro đã tăng khoảng 2% so với đồng USD mặc dù châu Âu cũng đang vật lộn với suy thoái kinh tế.
Ông Rochester nhận định quá trình phục hồi ở nước Mỹ đã gián đoạn khi họ tiếp tục phải đương đầu với sự bùng phát mới của đại dịch. Ở châu Âu, nơi các chính phủ triển khai lệnh phong tỏa sớm hơn, các hoạt động kinh tế đang phục hồi.
Giới phân tích dự báo các quốc gia châu Âu có thể thông qua gói phục hồi kinh tế mới trong tháng 7, đồng nghĩa với việc thị trường tài chính sẽ có thêm 750 tỉ euro (825 tỉ USD) thông qua ngân sách giai đoạn 2021 - 2027.
"Gói phục hồi kinh tế có thể là một bước tiến lớn trong việc điều phối chính sách tài khóa trong khu vực và quan trọng hơn, đây sẽ là một nguồn nợ mới đầy triển vọng bằng đồng euro cho các nhà đầu tư toàn cầu", chiến lược gia Zach Pandl của Goldman Sachs bình luận.
Pandl nói rằng ông hi vọng đồng euro sẽ tăng giá dần so với đồng USD thế nhưng diễn biến ngược lại vẫn có thể xảy ra. "Tin tức gần đây về khu vực châu Âu đã mở ra một tín hiệu khả quan", ông Panld cho biết.
Nước Mỹ tự hào vì họ có danh sách dài các công ty blue-chip mà các nhà đầu tư không thể loại khỏi danh mục. Thế nhưng các tài sản của châu Âu cũng dần trở nên vô cùng tiềm năng khi tình hình của khu vực đang tiến triển tích cực. Nhu cầu đối với đồng euro có thể tăng lên trong thời gian tới.
Một cuộc khảo sát ý kiến các nhà quản lí quĩ mà Bank of America công bố hôm 14/7 cho thấy hơn 40% những người tham gia khảo sát muốn nắm nhiều euro hơn.
Rất ít lựa chọn thay thế USD
Đồng Mỹ kim hưởng lợi từ việc là tiền tệ mà giới đầu tư nhiều giao dịch toàn cầu, bao gồm cả giao dịch các mặt hàng như dầu mỏ. USD chiếm 62% dự trữ tiền tệ của thế giới và tham gia vào 88% giao dịch tiền tệ toàn cầu. Hai tỉ lệ ấy một thực tế: Tìm một đồng tiền khác thay thế USD trong ngắn hạn hay trung hạn là việc khó.
Jane Foley, người đứng đầu về chiến lược tiền tệ tại Rabobank, phát biểu: "Tôi không nghĩ rằng USD sẽ mất sức hấp dẫn trong giai đoạn trước mắt".
Lí do mà Jane đưa ra là USD có xu hướng tăng khi triển vọng kinh tế toàn cầu xấu hơn, đặc biệt là các vấn đề nổi cộm gần đây ở Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã thúc đẩy nhu cầu nắm USD nhiều hơn.
"Nhưng theo thời gian, mối lo ngại về nợ công của Mỹ kèm theo sự gắn kết lớn hơn ở các quốc gia châu Âu có thể bắt đầu làm suy yếu đồng USD", ngân hàng Nomura nhận định, đồng thời dự báo đồng USD có thể mất tới 20% giá trị trong 5 năm tới.
Xu hướng mất giá này có thể chịu ảnh hưởng trầm trọng hơn bởi các yếu tố địa chính trị. Nếu ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ, ngân hàng Nomura cho rằng xu thế đảo ngược toàn cầu hóa sẽ càng làm suy yếu đồng USD và thúc đẩy việc sử dụng nhiều hơn đồng tiền khác trong các giao dịch quốc tế.
Giới chuyên gia cho rằng lập trường của chính sách "Nước Mỹ trước tiên" có thể gây tổn hại cho đồng USD trong thời gian dài. Một nghiên cứu của Cục nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ năm 2017 cho thấy nhu cầu ngoại tệ đối với đồng USD có thể giảm nếu Mỹ không thể đảm bảo an ninh cho các đồng minh, dẫn đến việc họ có thể chuyển sang dự trữ nhiều hơn đồng euro, đồng yên và đồng Nhân dân tệ.
Bà Jane Foley cũng chỉ ra rằng Nga và Trung Quốc đang giảm dần mức sử dụng USD trong các thỏa thuận, giao dịch dầu thô. Các quan chức hàng đầu của EU cũng đã bắt đầu vận động để sử dụng đồng euro nhiều hơn sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Các doanh nghiệp vẫn đang hoạt động ở Iran lo ngại Washington sẽ thực thi các biện pháp trừng phạt ngăn khả năng tiếp cận của họ với đồng USD.
Bên cạnh đó, sự trỗi dậy của các loại tiền kĩ thuật số cũng có thể "bào mòn" sức mạnh của đồng USD. Facebook vẫn đang triển khai dự án đồng Libra, trong khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng đang thử nghiệm phiên bản kĩ thuật số của đồng Nhân dân tệ.
Mặc dù rào cản pháp lí cho việc sử dụng đồng tiền số vẫn còn rất lớn do lo ngại về gian lận và tội phạm tài chính nhưng ngân hàng Nomura vẫn đặc biệt chú ý tới các nỗ lực mạnh mẽ ở Trung Quốc, bởi Bắc Kinh luôn muốn tăng cường sự hiện diện của đồng Nhân dân tệ trên toàn cầu.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899