Đồng yen bấp bênh khi Nhật Bản không còn là chủ nợ lớn nhất thế giới

08/12/2023, 08:55
báo nói -

TCDN - Vị thế chủ nợ lớn nhất thế giới của Nhật Bản đang lung lay và thực trạng ấy có thể làm tăng mức độ bất lợi của đồng yen.

"Đồng yen mạnh là vì lợi ích quốc gia của chúng ta", cựu Thứ trưởng Tài chính Eisuke Sakakibara nói tại một sự kiện vào cuối tháng 11.

Giới truyền thông từng gọi Eisuke Sakakibara là "Mr. Yen" vào nửa cuối thập niên 1990, khi ông lãnh đạo hoạt động can thiệp ngoại hối của Nhật Bản. Bình luận của ông đã gián tiếp dẫn lời Robert Rubin, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cùng thời, người đã nói: "USD mạnh là vì lợi ích quốc gia của chúng ta".

Theo Nikkei, tiền tệ là tấm gương phản ánh uy tín tín dụng quốc gia. Yen sẽ bước vào giai đoạn quan trọng vào năm tới, khi phải đối mặt với hai trở ngại tiềm ẩn.

Vấn đề đầu tiên là Nhật Bản có thể mất vị thế chủ nợ lớn nhất thế giới, tính theo tổng giá trị tài sản nước ngoài ròng (net external assets) - tức tổng cho vay nước ngoài trừ đi tổng nợ nước ngoài. Chỉ số này thường được sử dụng để đo lường sức mạnh tài chính một quốc gia trong quan hệ với thế giới.

Vào năm 2022, tài sản nước ngoài ròng của Nhật Bản đứng đầu thế giới với kỷ lục 3.100 tỷ USD, theo sau là Đức (2.900 tỷ USD). Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổng giá trị tài sản nước ngoài ròng của Nhật dự kiến đạt lần lượt là 3.300 tỷ USD và 3.400 tỷ USD vào cuối năm 2023 và 2024. Trong khi đó, tích lũy của Đức lần lượt là 3.200 tỷ USD năm nay và 3.500 tỷ USD năm sau, nghĩa là nước này có khả năng soán ngôi vị của Nhật Bản.

Vị thế chủ nợ lớn nhất thế giới của Nhật Bản lung lay bởi một số lý do. Về lý thuyết, thay đổi trong số dư tài khoản vãng lai quốc gia gần như được phản ánh chính xác vào tài sản nước ngoài ròng. Vào 24/11, trên thị trường ngoại hối Thượng Hải, đồng yen mất giá xuống 4,7749 nhân dân tệ đổi 100 yen, mức thấp nhất kể từ năm 2005. Mặc dù sự suy yếu của yen một phần do sự mất giá của nó so với USD, điều không nên bỏ qua là sự thay đổi cơ cấu trong cán cân tài khoản vãng lai của Nhật Bản với Trung Quốc.

Thâm hụt diễn ra kể từ quý I/2022 và tổng thâm hụt kể từ đó đến quý 2/2023 khoảng 4.500 tỷ yen (30 tỷ USD). Thâm hụt với Trung Quốc đã ăn mòn gần 20% thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản đạt được với Mỹ trong cùng thời kỳ.

Yếu tố then chốt là thâm hụt thương mại gia tăng do xuất khẩu của Nhật Bản giảm, đặc biệt là các sản phẩm liên quan đến bán dẫn. Ngoài ra, còn có các lý do khác như doanh thu đầu tư từ nước ngoài yếu và nhu cầu của thị trường Trung Quốc chậm lại do kinh tế hạ nhiệt.

dong yen

Emin Yurumazu, nhà kinh tế của Million Eyes ở Tokyo, không vui khi phải dự báo về đồng yen. "Tôi không ngờ yen Nhật sẽ biến thành đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ, khi tôi đưa ra dự báo về chỉ số trung bình chứng khoán Nikkei là 300.000", ông nói.

Ví yen với lira là một cách châm biếm của Yurumazu. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, lãi suất chính sách được duy trì dưới mức lạm phát - dẫn đến lãi suất ròng âm. Nước này lại thâm hụt kép kéo dài trong cán cân tài chính và cán cân tài khoản vãng lai. Tất cả dẫn đến vòng xoáy giá cả cao hơn và nội tệ yếu hơn.

Trong giai đoạn tháng 3/2020 đến tháng 10/2023, tỷ giá hối đoái thực tế của yen đã giảm 29%, so với mức giảm 21% của lira. Tỷ giá hối đoái thực có thể biểu thị sức mua tương đối của một loại tiền tệ, tính đến những thay đổi về giá và thương mại.

Toru Sasaki, Chiến lược gia trưởng Tập đoàn tài chính Fukuoka, so sánh tương quan càng làm "nổi bật sự suy yếu về thực chất của đồng yen". Bởi lẽ, Nhật Bản là chủ nợ lớn nhất thế giới tính theo tài sản ròng ngoại vi nhưng tổng nợ công của nước này lớn hơn nhiều so với Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhật Bản, dòng vốn ròng chảy ra nước ngoài thông qua quỹ ủy thác đầu tư chứng khoán - chênh lệch giữa số tiền đầu tư và số tiền thu được - đạt tổng cộng 105.000 tỷ yen (hơn 710 tỷ USD) từ tháng 1/2000 đến tháng 6/2023. Số liệu thống kê chỉ ra rằng dòng tiền chảy ra nhiều hơn vào các chu kỳ yen yếu hơn, ví dụ như giai đoạn 2005-2007, 2013-2015 và 2020 đến nay.

Một chương trình mới miễn thuế với các khoản đầu tư nhỏ, được gọi là NISA, sẽ được Nhật Bản triển khai đầu năm sau, nhằm thu hút dòng tiền cá nhân. Và đây lại chính là vấn đề thứ hai của đồng yen trong 2024.

Trong thời đại toàn cầu hóa, không nên xem nhẹ niềm tin vào đồng yen, vốn là nền tảng để thu hút tiền cho các công ty Nhật Bản. Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu Nhật Bản ngay cả khi yen yếu hơn, nhờ niềm tin vào Nhật Bản với tư cách là chủ nợ lớn nhất thế giới.

Nếu niềm tin của họ suy yếu, họ chắc chắn sẽ bắt đầu xem xét lợi nhuận và giá cổ phiếu các công ty Nhật Bản dựa trên cơ sở USD. Nếu điều này xảy ra, tác dụng thúc đẩy lợi nhuận của đồng yen sẽ không còn hiệu quả nữa.

Nếu ai đó muốn khẳng định rằng thoát khỏi một nền kinh tế giảm phát hoặc duy trì đồng yen mạnh là lợi ích quốc gia, điều đó phải được người dân cảm nhận thực tế, còn không sẽ chỉ là ý tưởng hão huyền. Một thời điểm quan trọng trong lịch sử đang đến với nền kinh tế Nhật Bản, theo Nikkei.

Như Hằng/Nikkei
Bạn đang đọc bài viết Đồng yen bấp bênh khi Nhật Bản không còn là chủ nợ lớn nhất thế giới tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan