Dự án Vành đai 2 Tp.HCM: Gần 8 năm dang dở, đến bao giờ mới về đích?
TCDN - Sau gần 8 năm kể từ ngày khởi công, đoạn 3 của dự án Vành đai 2 Tp.HCM dài 2,7 km, nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (Tp.Thủ Đức) vẫn chưa thể hoàn thành, dù được kỳ vọng sớm tái khởi động khi Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc pháp lý.
Được khởi công từ cuối năm 2017 theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), đoạn 3 của dự án Vành đai 2 Tp.HCM dài 2,7 km có tổng vốn đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng chiếm tới hơn 1.800 tỷ đồng. Tuyến đường được thiết kế rộng 67 m, gồm hai đường song hành mỗi bên 3 làn xe, phần đất giữa dành cho các hạng mục triển khai trong tương lai.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2020 nhằm kết nối thông suốt hai trục giao thông huyết mạch Phạm Văn Đồng và Quốc lộ 1, đồng thời giúp giảm tải cho các tuyến đường vòng như Linh Đông và Quốc lộ 13. Tuy nhiên, đoạn 3 của dự án Vành đai 2 buộc phải dừng thi công từ tháng 3/2020 khi mới đạt 44% khối lượng.

Ghi nhận của PV, công trường hiện rơi vào cảnh hoang hóa: cỏ dại mọc um tùm, nhiều đoạn đường đã bị người dân sử dụng làm lối đi tạm. Các hạng mục cống thoát nước lớn dang dở, sắt thép phơi mưa nắng đã hoen gỉ, phần thô của hai nhánh cầu bắc qua rạch nhỏ gần nút giao Gò Dưa cũng trơ trọi.

Tháng 1/2024, UBND Tp.HCM đã phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi, lùi thời hạn hoàn thành dự án đến năm 2026. Thế nhưng đến nay, các vướng mắc pháp lý xoay quanh hợp đồng BT và phương thức thanh toán quỹ đất vẫn chưa thể tháo gỡ, tiếp tục cản trở tiến độ thi công.

Theo Công ty Cổ phần Văn Phú-Bắc Ái (nhà đầu tư dự án), doanh nghiệp đã chi hơn 1.474 tỷ đồng (chưa tính lãi vay) cho công tác giải phóng mặt bằng và thi công. Tuy nhiên, việc đình trệ kéo dài đang khiến chi phí lãi vay phát sinh khoảng 15 tỷ đồng mỗi tháng.

Nguyên nhân chính của vướng mắc xuất phát từ việc, mặc dù hợp đồng BT ký năm 2016 đã xác định thanh toán bằng 6 khu đất, song trong quá trình phê duyệt dự án, các khu đất này lại không được đưa vào báo cáo nghiên cứu khả thi dẫn đến nhiều rắc rối về mặt pháp lý.
Năm 2019, Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu Tp.HCM rà soát lại chỉ tiêu tài chính, điều chỉnh tổng mức đầu tư và hoàn thiện các thủ tục pháp lý đối với quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này vượt ngoài thẩm quyền của UBND Tp.HCM, buộc phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép thực hiện lại các thủ tục điều chỉnh.

Theo Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông Tp.HCM (Ban Quản lý Dự án), đến nay đã phê duyệt và chi trả bồi thường cho 452/468 hồ sơ, đạt tỷ lệ 96,58%. Về diện tích, hiện đã bàn giao khoảng 90%, tương ứng 411/468 trường hợp (88%). Dự án cũng đã đạt 44% khối lượng thi công trước khi dừng lại.
Hiện tại, các sở, ngành và đơn vị liên quan đang phối hợp tập trung tháo gỡ khó khăn, từ điều chỉnh dự án, đàm phán phụ lục hợp đồng, thanh toán quỹ đất đến đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng nhằm khôi phục lại tiến độ thi công.

Ngày 12/2, UBND Tp.HCM đã gửi văn bản đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) góp ý về dự thảo Tờ trình và Nghị quyết nhằm tháo gỡ vướng mắc cho 5 dự án lớn trên địa bàn, trong đó có đoạn Vành đai 2 này.
Theo Ban Quản lý Dự án, tiến độ giải phóng mặt bằng chậm là nguyên nhân chính kéo lùi tiến độ chung, đồng thời việc thanh toán hợp đồng BT chưa hoàn tất đã dẫn tới lãi vay tăng cao, gây khó khăn cho nhà đầu tư trong tiếp cận tín dụng, giải ngân và triển khai dự án.

Bên cạnh đó, thủ tục điều chỉnh dự án vẫn chưa hoàn thành, dẫn đến việc điều chỉnh hợp đồng BT chưa đủ cơ sở pháp lý, tiếp tục “giam chân” dự án cho đến hiện tại.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899