Dự kiến trình Quốc hội thông qua áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu vào tháng 10

12/07/2023, 13:57
báo nói -

TCDN - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, Chính phủ Việt Nam dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu vào tháng 10 năm 2023 và dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024.

Từ ngày 10 đến 12/7/2023, đoàn công tác của Tổng cục Thuế do Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh làm trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị lần thứ 15 của Diễn đàn hợp tác về Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận của OECD (Diễn đàn IF) tại Paris, Cộng hòa Pháp, theo Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thuế.

Hội nghị lần thứ 15 của Diễn đàn IF thảo luận về các nội dung liên quan đến giải pháp hai Trụ cột cải cách thuế toàn cầu để ứng phó với các thách thức phát sinh từ nền kinh tế kỹ thuật số.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh tham dự Hội nghị.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh tham dự Hội nghị.

Tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh tham gia tham luận về việc triển khai Trụ cột hai về thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam. Phó Tổng cục Trưởng cho biết, với sự hỗ trợ của Ban Thư ký OECD thông qua việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, phiên họp dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, Bộ Tài chính Việt Nam đã có Báo cáo Chính phủ vào tháng 6 về việc áp dụng quy định về chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (GloBE) tại Việt Nam.

Theo đó, Chính phủ Việt Nam dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu vào tháng 10 năm 2023 và dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024. Quốc hội Việt Nam sẽ ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thuế tối thiểu toàn cầu, trong đó dự kiến bao gồm quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) và thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT).

Các quy định này được Việt Nam nội luật hóa đảm bảo tuân thủ Quy định mẫu và các hướng dẫn theo chương trình Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận toàn cầu. Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật sẽ lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng doanh nghiệp và các Bộ, ngành có liên quan trong mùa hè này trước khi Quốc hội chính thức xem xét thông qua dự kiến vào tháng 10 năm nay.

Hội nghị dự kiến thông qua văn bản tuyên bố kết quả hai trụ cột, gồm dự thảo Hiệp định đa phương về Khoản A (Phần thu nhập của doanh nghiệp đa quốc gia có doanh thu trên 20 tỷ USD và vượt tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu 10%) của Trụ cột một (MLC), Khoản B (thu nhập tiếp thị và phân phối theo giá thị trường) của Trụ cột một, Quy tắc quyền đánh thuế của nước nguồn (STTR) trong Trụ cột hai và chương trình hỗ trợ triển khai thực hiện.

Giải pháp hai Trụ cột dựa trên sự đồng thuận có vai trò quan trọng đảm bảo sự công bằng và bình đẳng trong hệ thống thuế và củng cố khuôn khổ thuế quốc tế trước các mô hình kinh doanh mới và đang thay đổi.

Diễn đàn IF đang hoàn thiện công việc theo Trụ cột một và Quy tắc về quyền đánh thuế của nước nguồn (STTR) và khuôn khổ thực hiện. Khoản A của Trụ cột một sẽ thiết lập quyền đánh thuế cho các nước thị trường đối với phần lợi nhuận thặng dư xác định của các công ty đa quốc gia lớn nhất và có lợi nhuận cao hoạt động trên thị trường các nước, ngăn chặn việc phổ biến các loại thuế đối với dịch vụ kỹ thuật số và các biện pháp tương tự có liên quan khác, tránh đánh thuế hai lần và tránh gánh nặng tuân thủ quá mức, đồng thời tăng cường sự ổn định và chắc chắn trong hệ thống thuế quốc tế.

Thuế tối thiểu toàn cầu theo Trụ cột hai thiết lập một môi trường đầu tư bình đẳng toàn cầu về thuế thu nhập doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp đa quốc gia (MNE) phải chịu thuế ở mỗi nước với mức thuế suất tối thiểu thực tế là 15% bất kể doanh nghiệp đó hoạt động ở đâu. Chương trình thuế tối thiểu toàn cầu theo Trụ cột hai đã trở thành hiện thực, với hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đang từng bước tổ chức thực hiện.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Dự kiến trình Quốc hội thông qua áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu vào tháng 10 tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Thuế tối thiểu toàn cầu giảm tình trạng chuyển giá, chuyển lợi nhuận
Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) Lưu Đức Huy cho rằng, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo một bằng chung về thuế tại tất cả các quốc gia, từ đó tránh việc cạnh tranh về thuế giữa các nước hiện nay và giảm thiểu tình trạng chuyển giá, chuyển lợi nhuận, giữ vững nguồn thu thuế.