120 tập đoàn FDI tại Việt Nam bị ảnh hưởng bởi thuế tối thiểu toàn cầu
TCDN - Tổng cục Thuế rà soát theo số liệu quyết toán thuế TNDN năm 2022, có khoảng 120 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, với khoảng trên 1.000 doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu nếu thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng từ năm 2024.
Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cho biết, hiện nay các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đang hưởng thuế suất thuế TNDN phổ thông ở Việt Nam là 20%. Mức thuế suất này về cơ bản đã đảm bảo quy định thuế tối thiểu toàn cầu.
Đồng thời, chính sách ưu đãi về thuế TNDN hiện hành nhiều trường hợp được hưởng nếu tính trong cả thời gian hoạt động bình thường của dự án (khoảng 50 năm) thì cũng không ưu đãi hơn so với mức nộp 15% (mức thuế tối thiểu toàn cầu) suốt đời dự án, trừ trường hợp dự án được kéo dài thời gian ưu đãi về thuế suất thuế TNDN 10% từ 15 năm lên 30 năm và dự án được hưởng ưu đãi theo Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg.
Tuy nhiên, ông Huy cũng cho hay, do áp dụng ưu đãi thuế suất thấp và được ưu đãi miễn thuế, giảm thuế nên trên thực tế thuế suất đối với các dự án đầu tư của doanh nghiệp FDI có ưu đãi sẽ có thuế suất thực tế trong thời gian được hưởng ưu đãi thấp hơn mức thuế suất tối thiểu là 15%.
Tổng cục Thuế đã rà soát theo số liệu quyết toán thuế TNDN năm 2022, có khoảng 120 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam (với khoảng trên 1.000 doanh nghiệp) chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu nếu thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng từ năm 2024 (sau khi đã loại trừ các trường hợp không phải áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu).
“Theo đó, nếu các quốc gia khác đều áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu bắt đầu từ năm 2024, các quốc gia có công ty mẹ sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng trên 14.000 tỷ đồng”, ông Huy cho hay.
Cũng theo ông Lưu Đức Huy, về phía các tập đoàn của Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu, Tổng cục Thuế đã đánh giá sơ bộ ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu tới 2 tập đoàn của Việt Nam có đầu tư lớn ra nước ngoài là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Đối với Tập đoàn Viettel, hiện nay mức thuế suất thuế TNDN tại các nước do Viettel đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp qua VTG đầu tư đều trên 15%, trừ tại Viettel Đông Timor mức thuế 10% (đươc miễn thuế theo từng khu vực, bình quân thuế suất thực tế từ 5-7 %).
Như vậy, nếu Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (Quy định IIR) mà Đông Timor không áp dụng quy định thuế tối thiểu nội địa bổ sung đạt chuẩn (QDMTT) thì Việt Nam sẽ có khả năng thu thêm phần thuế TNDN chênh lệch giữa thuế tối thiểu toàn cầu so với mức thuế thực tế Viettel phải nộp tại Đông Timor.
Đối với Tập đoàn PVN, ông Huy cho hay, các dự án đầu tư ra nước ngoài của PVN tập trung chủ yếu là các dự án trong lĩnh vực dầu khí, chịu mức thuế suất thuế TNDN hoặc loại thuế tương tự thuế TNDN tại các quốc gia khá cao từ 30% đến 60%. Do đó việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu hiện tại không ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài của PVN.
Đối với các tập đoàn khác có Công ty mẹ tối cao tại Việt Nam thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Tổng cục Thuế đang tiếp tục rà soát, đanh giá tác động đối với các Tập đoàn này bao gồm tác động của quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu theo quy định IIR và tác động của quy định QDMTT.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899