Dự kiến xây dựng Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

31/08/2023, 14:32
báo nói -

TCDN - Bộ Tài chính vừa có Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) với tên gọi mới là Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Sửa đổi tên Luật và mở rộng đối tượng áp dụng

Theo Bộ Tài chính, để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trước yêu cầu của thực tiễn quản lý, hội nhập quốc tế, nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại trong Luật số 69/2014/QH13 Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và quá trình thi hành Luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam, cần thiết phải sửa đổi căn bản, toàn diện theo hướng ban hành Luật mới thay thế Luật số 69/2014/QH13.

Theo đó, dự thảo đề xuất tên Luật: “Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp”. Phạm vi điều chỉnh: “Luật này quy định việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; sắp xếp và cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; kiểm tra, giám sát việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp”.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Đối tượng áp dụng là doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp, bao gồm các doanh nghiệp hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành khác do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn đầu tư vốn của nhà nước tại doanh nghiệp;

Doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác, bao gồm các doanh nghiệp hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành khác do doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp đầu tư vốn; Doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;

Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Người đại diện phần vốn của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp tại các doanh nghiệp khác. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư của nhà nước tại doanh nghiệp.

Nguyên tắc quản lý vốn nhà nước “lợi ích hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”

Về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, dự thảo Tờ trình nêu rõ, xác định rõ nguyên tắc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đảm bảo nguyên tắc “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ”, bảo toàn, hiệu quả, công bằng, thị trường, linh hoạt và công khai, minh bạch; vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đi đôi với quyền kiểm soát, phải được quản lý, sử dụng kịp thời, linh hoạt nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp có vốn nhà nước để làm tốt vai trò dẫn dắt mở đường cho các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác phát triển; đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp theo hướng thống nhất một chính sách về đầu tư vốn, tiên tiến, phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế; tạo hành lang pháp lý thống nhất, công bằng, thị trường để các doanh nghiệp có vốn nhà nước tổ chức thực hiện.

Tăng cường phân công, phân cấp ủy quyền cho Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị doanh nghiệp gắn với trách nhiệm giải trình của người đứng đầu, của lãnh đạo doanh nghiệp; trách nhiệm giám sát, kiểm tra của cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn về kết quả, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo nguyên tắc thị trường, đúng quy định của pháp luật.

Vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp phải được quản lý thống nhất, không phân biệt cấp quyết định thành lập. Về công cụ quản lý tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp, chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp. Việc giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động theo nguyên tắc thị trường, đánh giá doanh nghiệp thực hiện đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp trên 50% vốn điều lệ và người đại diện chủ sở hữu vốn trên nguyên tắc dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo thận trọng, khách quan, công khai, minh bạch, đánh giá toàn diện có loại trừ tác động của yếu tố khách quan.

Theo Bộ Tài chính, Luật số 69/2014/QH13 quy định Chính phủ thống nhất thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước trong việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong khi đó nội dung cụ thể trong Luật giao Chính phủ ban hành cơ chế chính sách chung đối với hoạt động quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Việc thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước quy định theo cấp quyết định thành lập để phân cấp nên Thủ tướng Chính phủ phải thực hiện một số quyền tại doanh nghiệp do mình quyết định thành lập.

Theo đó, dự án Luật quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan đại diện chủ sở hữu theo hướng: Chính phủ thống quản lý nhà nước về vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; quyết định thành lập, giao nhiệm vụ cho cơ quan đại diện sở hữu vốn; phân công, phân cấp trong việc quản lý và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp; báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm tình hình đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp của năm trước trong phạm vi toàn quốc.

Các Bộ, UBND cấp tỉnh thực hiện thanh tra, kiểm tra theo chức năng quản lý nhà nước đối với nhiệm vụ được giao trong phạm vi quản lý. Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quản lý và đầu tư đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định, phê duyệt và điều chỉnh các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ; trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định các nội dung về đầu tư vốn vào doanh nghiệp; phối hợp với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn trong công tác quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

Trình Thủ tướng Chính phủ điều chuyển Quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp trên 50% vốn điều lệ giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn; thẩm tra, tổng hợp báo cáo của các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn để trình Chính phủ báo cáo Quốc hội tình hình đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp hàng năm; xây dựng, vận hành và khai thác Hệ thống cơ sở dữ liệu về đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn thực hiện đầy đủ, kịp thời quyền hạn và trách nhiệm của chủ sở hữu vốn; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trong quản lý, kiểm tra, giám sát, báo cáo, giải trình việc đầu tư vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp thuộc phạm vi quản lý.

Xác định rõ nội dung quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, quy định cụ thể một số nội dung quản lý vốn tại doanh nghiệp về công tác nhân sự chủ chốt, chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, phương án cơ cấu lại và phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp.

Cụ thể, công tác nhân sự do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn quyết định cử, giới thiệu, thuê người đại diện chủ sở hữu vốn, kiểm soát viên, kiểm toán nội bộ tại doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty của Tập đoàn kinh tế 100% vốn nhà nước. Hiện nay có 06 Tập đoàn, gồm: Công nghiệp viễn thông quân đội; Bưu chính viễn thông; Công nghiệp than khoáng sản; Dầu khí; Điện lực; Hóa chất.

Cho ý kiến để cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn giới thiệu biểu quyết nhân sự giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị đối với các Tập đoàn kinh tế trên 50% vốn nhà nước. Hiện nay có 03 Tập đoàn, gồm: Bảo Viêt; Công nghiệp cao su; Xăng dầu.

Về chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh 05 năm và phương án cơ cấu lại của Tập đoàn kinh tế do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở thẩm định của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn. Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn lấy ý kiến của cơ quan tài chính cùng cấp trước khi quyết định hoặc cho ý kiến về kế hoạch sản xuất kinh doanh 05 năm và phương án cơ cấu lại doanh nghiệp; chiến lược đối với các Tổng công ty. Kế hoạch sản xuất, kinh doanh hàng năm do Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông phê duyệt, quyết định sau khi có ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn.

Việc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác do doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp quyết định, chỉ đạo người đại diện có ý kiến về nhân sự và kế hoạch sản xuất kinh doanh 05 năm và hàng năm.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Dự kiến xây dựng Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan