Bộ Tài chính xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật số 69/2014/QH13

17/03/2023, 14:19

TCDN - Ngày 17/3, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo một số nội dung định hướng xây dựng Luật thay thế Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Thứ trưởng Cao Anh Tuấn chủ trì hội thảo.

20230317_113429

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, căn cứ các yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ý kiến kết luận của Bộ Chính trị về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; chỉ đạo của Chính phủ; Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) đang được xem xét, báo cáo Quốc hội, Bộ Tài chính đang hoàn thiện Hồ sơ Luật để trình Chính phủ xem xét báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Cụ thể, ở nhóm chính sách 2 bổ sung nội dung “Việc tính giá trị quyền sử dụng đất trong xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa và khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, liên doanh, liên kết thực hiện theo quy định của Luật Đất đai (sửa đổi)”.

Ở nhóm chính sách 3, bổ sung nội dung “Các doanh nghiệp nhà nước thực hiện việc đấu thầu theo quy định tại Luật Đấu thầu (sửa đổi)”.

Nhóm chính sách 4 bổ sung nội dung “Việc thực hiện chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp thông qua các cơ quan đại diện và người đại diện sở hữu vốn (trong đó Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp)”.

20230317_113038

Theo Ông Bùi Tuấn Minh - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, tên Luật sẽ là “Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp”. Luật này quy định việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; cơ cấu lại vốn nhà nước đã đầu tư tại doanh nghiệp; giám sát việc đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Định hướng quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp như sau: Thứ nhất, toàn bộ các tổ chức hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư được xác định là doanh nghiệp có vốn nhà nước (không phân biệt DNNN và doanh nghiệp tư nhân, không phân biệt ngành nghề, lĩnh vực, không phân biệt tỷ lệ % Nhà nước nắm giữ).

Thứ hai, vốn nhà nước đầu tư tại tất cả doanh nghiệp phải được quản lý, thống nhất, hạch toán, tập trung. Bộ máy quản lý vốn nhà nước thông qua các cơ quan quản lý nhà nước (Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương) và thông qua cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Thứ ba, công cụ quản lý tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp, chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp.

Góp ý phạm vi điều chỉnh, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng, Tổng công ty Hàng không VIệt Nam - CTCP (VNA) nhấn mạnh, Luật quy định việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; cơ cấu lại vốn nhà nước đã đầu tư tại doanh nghiệp; giám sát việc đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đồng thời, Luật xác định toàn bộ các tổ chức hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư được xác định là doanh nghiệp có vốn nhà nước. Tuy nhiên, cần làm rõ: (i) Khái niệm “doanh nghiệp có vốn nhà nước” có bao gồm các doanh nghiệp (F2) là công ty có vốn góp của doanh nghiệp nhà nước (F1) hay không? (ii) Phần vốn của F1 đầu tư tại F2 có được gọi là “vốn nhà nước tại doanh nghiệp" hay không? (iii) Việc đầu tư, xử lý về các mặt nào và đến mức độ nào, quản lý thông qua cơ chế như thế nào?

Thực tế hiện nay, do việc định nghĩa, diễn giải khái niệm “vốn nhà nước tại doanh nghiệp” không rõ ràng dẫn đến việc không thống nhất trong việc hiểu phạm vi, đối tượng áp dụng các quy định quản lý, sử dụng, bảo toàn vốn nhà nước tại doanh nghiệp và việc kiểm tra, giám sát thực hiện Luật 69 của các cơ quan thanh tra, kiểm tra.

Liên quan đến chính sách cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đại diện VNA cho rằng, theo định hướng xây dựng Luật có quy định các trường hợp chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên nếu quá trình cơ cấu lại vốn nhà nước không tính đến phương án tăng cường năng lực tài chính cho doanh nghiệp nhà nước (đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối) để phát triển mở rộng sản xuất kinh doanh sẽ không thể giúp DNNN tăng hiệu quả kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, trở thành lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, giữ vai trò dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế.

Vì vậy, VNA đề xuất Luật bổ sung thêm hình thức chuyển giao quyền mua cổ phần của chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước khi doanh nghiệp phát hành thêm cổ phần tăng vốn điều lệ để giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước, qua đó giúp tăng năng lực tài chính cho doanh nghiệp nhà nước, đồng thời đáp ứng các mục tiêu cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp (đã có tiền lệ thực hiện khi VNA phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ năm 2021, SCIC thay mặt Chính phủ đầu tư vào VNA theo phương thức chuyển giao quyền mua theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội).

Đối với nội dung đầu tư vốn nhà nước, đại diện doanh nghiệp cho rằng, cần bổ sung định hướng đầu tư vào lĩnh vực vận tải hàng không, đây cũng là một trong những lĩnh vực xương sống giúp thúc đẩy sự tăng trưởng nền kinh tế chung, kết nối giao thương, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác, góp phần thực hiện các nhiệm vụ an ninh quốc phòng của đất nước (vai trò là hãng Hàng không quốc gia). Do vậy, đề nghị xem xét bổ sung lĩnh vực vận tải hàng không vào danh mục ngành, lĩnh vực mà Nhà nước cần tiếp tục đầu tư bổ sung vốn để duy trì tỷ lệ sở hữu.

Thu Hằng
Bạn đang đọc bài viết Bộ Tài chính xây dựng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp thay thế Luật số 69/2014/QH13 tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Đề xuất Quốc hội xem xét thông qua Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước trong năm 2023
Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).