Đề xuất Quốc hội xem xét thông qua Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước trong năm 2023

11/08/2022, 20:57
báo nói -

TCDN - Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Bán cổ phần, thoái vốn phải thực hiện theo nguyên tắc thị trường

Sáng 11/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, việc sửa đổi toàn diện, ban hành Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp mới nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; tạo môi trường pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; đảm bảo doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường trong các ngành, nghề kinh doanh theo yêu cầu của nhà nước (chủ sở hữu).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước tương xứng với nguồn vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo, giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế; huy động và phát huy hết các nguồn lực của khu vực kinh tế nhà nước nói chung, doanh nghiệp nhà nước nói riêng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, nội dung các chính sách của đề nghị xây dựng luật tập trung vào 4 chính sách trọng tâm, gồm: Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp; quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu.

Về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp: Quy định cụ thể khái niệm vốn nhà nước tại doanh nghiệp, vốn của doanh nghiệp, vốn đầu tư của chủ sở hữu (nhà nước) tại doanh nghiệp. Quy định cụ thể nguồn lực, quy trình đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và hình thức, phạm vi đầu tư vốn nhà nước.

Về cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Luật hóa một số nội dung quy định mang tính chất nguyên tắc chung nhằm nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của pháp luật trong quá trình thực hiện chuyển đổi cổ phần hóa, bán, thoái vốn như: giá trị doanh nghiệp phải được định giá lại sát với thị trường thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá và làm cơ sở để xác định giá khởi điểm; việc bán cổ phần, thoái vốn phải thực hiện theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, tối đa lợi ích kinh tế - xã hội cho nhà nước; doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán;….

Đối với thoái vốn, bãi bỏ phương thức “chào bán cạnh tranh”; giá khởi điểm phải do tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định.

Bổ sung các trường hợp chuyển giao thực tế phát sinh trong thời gian qua; quy định nguyên tắc chuyển giao theo hướng tách bạch giữa chuyển giao có thanh toán và chuyển giao không thanh toán, việc chuyển giao không thanh toán (điều chỉnh tăng, giảm vốn) chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, doanh nghiệp nhà nước cung ứng sản phẩm dịch vụ công, các công ty nông, lâm nghiệp và các lĩnh vực khác (độc quyền) theo quy định của Chính phủ (điện lực, dầu khí,...).

Về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp: Quy định cụ thể nội dung quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; doanh nghiệp do nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.

dnnn

Về quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu: Phân công phân cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước của các cơ quan, tổ chức; Quyền, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong thực hiện quyền của chủ sở hữu. Quy định về trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu trước hoạt động giám sát của cơ quan thuộc Hội đồng nhân dân, Quốc hội. Công khai thông tin hoạt động của doanh nghiệp. Nâng cao trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc giao mục tiêu cụ thể tại kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để tận dụng tối đa nguồn lực, phù hợp với thực tiễn hoạt động, dự báo thị trường và quản lý theo mục tiêu đối với doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng cho biết, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Xem xét chính sách quản lý đầu tư vốn vào các công ty cổ phần

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội tán thành sửa đổi toàn diện Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.

Ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị lưu ý, cân nhắc thận trọng việc sử dụng một số khái niệm mới (vốn đầu tư của chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, vốn của doanh nghiệp...) bảo đảm phù hợp, thống nhất với các Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp và tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Xem xét đánh giá tác động của việc thực thi Luật này sau khi được ban hành gắn với quy định của Luật Doanh nghiệp nhằm xác định chính sách quản lý phù hợp, đặc biệt là việc đầu tư vốn vào các công ty cổ phần, nhất là công ty cổ phần do nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. 

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đề nghị, cần quy định rõ các nguyên tắc, tiêu chí để giám sát, kiểm tra hoạt động sử dụng, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp để bảo toàn và bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn vốn nhà nước, tránh sơ hở có thể dẫn đến sai phạm, vi phạm, gây thất thoát nguồn lực của nhà nước.

Về nhóm chính sách liên quan đến cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ, đề xuất chính sách cụ thể để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương đã được đề ra tại Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng “đổi mới cách thức thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, nhất là các biện pháp liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, thương hiệu và giá trị truyền thống của doanh nghiệp cổ phần hóa”.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội nhất trí đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lưu ý, thời gian qua, các Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã được ban hành với nhiều quy định mới. Một số Luật mới ban hành, sửa đổi, bổ sung cũng sẽ được thực hiện trong thời gian tới. Do vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần chú ý rà soát, nghiên cứu để bảo đảm thống nhất với các luật đã ban hành, cũng như dự án luật dự kiến sẽ xây dựng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu, trong quá trình hoàn chỉnh, cần nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội nhằm bảo đảm đáp ứng yêu cầu kịp thời điều chỉnh những vấn đề mới mà thực tiễn đặt ra và khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập.

Chú ý thể chế hóa đầy đủ các chủ trương mới của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, nhất là những vấn đề liên quan đến quản lý vốn, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, đất đai, quản lý Quỹ đổi mới và phát triển doanh nghiệp; tiếp tục tách bạch chức năng quản lý nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước với doanh nghiệp; làm rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, quan hệ phối hợp giữa các chủ thể có liên quan; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật trong hệ thống pháp luật, kể cả các luật đã được sửa đổi, bổ sung và các luật đang trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung; bảo đảm không trùng lặp nhưng cũng không để trống trong các lĩnh vực pháp luật điều chỉnh.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Đề xuất Quốc hội xem xét thông qua Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước trong năm 2023 tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước: Vừa tăng quyền chủ động, vừa tạo sức ép cho doanh nghiệp
Giải pháp thúc đẩy quá trình CPH, thoái vốn trong giai đoạn tới là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp gắn với giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm soát quyền lực. Đồng thời, tạo động lực, sức ép để thúc đẩy DNNN chủ động sắp xếp, giữ vai trò chủ đạo dẫn dắt các doanh nghiệp.
Yêu cầu 19 Tập đoàn, Tổng Công ty thực hiện nghiêm túc giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp
Năm 2022 Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu 19 Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện nghiêm túc, bảo đảm thời hạn các quy định về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, giám sát tài chính, đánh hiệu quả hoạt động và công khai tài chính, công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước.