Thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước: Vừa tăng quyền chủ động, vừa tạo sức ép cho doanh nghiệp

25/05/2022, 10:55

TCDN - Giải pháp thúc đẩy quá trình CPH, thoái vốn trong giai đoạn tới là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp gắn với giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm soát quyền lực. Đồng thời, tạo động lực, sức ép để thúc đẩy DNNN chủ động sắp xếp, giữ vai trò chủ đạo dẫn dắt các doanh nghiệp.

1-1

Lúng túng trong hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện

Ông Phạm Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, lũy kế giai đoạn 2016 - 2020, đã có 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 489.690 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 180 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 39/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 30% kế hoạch). Về thoái vốn, lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 - 2020 đạt 27.312 tỷ đồng, thu về 177.397 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính dẫn đến kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn chưa đạt mục tiêu đề ra là từ tư duy, nhận thức về vai trò, vị trí của doanh nghiệp nhà nước chưa thống nhất dẫn tới lúng túng trong hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện; Đa số các tập đoàn, tổng công ty chưa chủ động triển khai các chính sách pháp luật về đất đai, đến khi phải thực hiện cổ phần hóa mới bắt đầu thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa...

Trao đổi về những tồn tại, vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ông Lê Thanh Tuấn - Trưởng ban Đầu tư 4, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nhấn mạnh, việc tách riêng giá trị thương hiệu, văn hoá lịch sử để định giá trong nhiều trường hợp là chưa thực sự hợp lý. Theo đó, khi xác định giá trị doanh nghiệp, tổ chức tư vấn định giá căn cứ vào nhiều yếu tố (quy mô, đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp, thời gian thực hiện, tính hợp tác và phối hợp của doanh nghiệp, mức độ sẵn có của thông tin tài liệu...), để lựa chọn phương pháp định giá phù hợp. Trong đó, phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF) hay phương pháp tỷ số bình quân (là các phương pháp phổ biến được áp dụng trên thị trường) sẽ không tách bạch riêng việc xác định giá trị thương hiệu, văn hoá lịch sử khi định giá. Về bản chất, đối với các phương pháp này, các giá trị đem lại từ thương hiệu, giá trị văn hoá lịch sử đã phản ánh trong dòng tiền thuần tự do hay doanh thu, lợi nhuận đem lại cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.

Lý giải rõ hơn về khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, ông Lê Thanh Tuấn cho rằng, nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, địa bàn hoạt động nhỏ hẹp, thậm chí đang rất khó khăn, cơ bản không có lợi thế đáng kể về thương hiệu, cũng như giá trị văn hoá lịch sử. Việc thu thập các chi phí tạo lập giá trị thương hiệu trải qua rất nhiều năm dẫn đến rủi ro không thu thập được đầy đủ chứng từ, bằng chứng; hoặc doanh nghiệp thiếu hợp tác (do tỷ lệ sở hữu vốn của SCIC nhỏ), dẫn đến thời gian thẩm định giá kéo dài, tính chính xác chưa cao trong khi giá trị xác định được không đáng kể so với tổng giá trị doanh nghiệp. Do vậy, SCIC kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Chính phủ bỏ nội dung "Việc xác định giá trị thương hiệu (trong đó bao gồm giá trị văn hoá, lịch sử) được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính" mà thực hiện theo nguyên tắc thẩm định giá được Bộ Tài chính ban hành.

Theo SCIC, trong quá trình triển khai kế hoạch bán vốn từ năm 2019 - 2021, một số doanh nghiệp quy mô lớn SCIC quản lý bị chậm quyết toán vốn lần 2 hoặc bị vướng mắc trong việc xác định giá trị lợi thế đất trả về nhà nước khiến cho việc bán vốn tại các doanh nghiệp này bị chậm. Về vấn đề này, SCIC đã có Công văn số 1408/ĐTKDV-KHTH ngày 7/7/2021 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiến độ quyết toán vốn lần 2 tại một số tổng công ty lớn, qua đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan sớm hoàn thành công tác quyết toán vốn lần 2 theo quy định, làm cơ sở để SCIC triển khai bán vốn tại các doanh nghiệp này; đồng thời, cho phép SCIC thực hiện bán cổ phần tại một số doanh nghiệp kém hiệu quả, có khả năng mất vốn khi chưa hoàn thành quyết toán vốn lần 2.

Đối với các doanh nghiệp thuộc diện giải thể phá sản, việc bán vốn theo quy định tại Nghị định số 140/2020/NĐ-CP, Nghị định số 132/2018/NĐ-CP và Nghị định số 91/2015/NĐ-CP cũng khó khả thi, do không hấp dẫn nhà đầu tư, doanh nghiệp không lập/cung cấp được báo cáo tài chính làm cơ sở cho tổ chức tư vấn triển khai định giá, lập hồ sơ chào bán theo quy định, hầu hết tài sản bị ngân hàng niêm phong hoặc phát mại..., cá biệt có doanh nghiệp không có khả năng chi trả chi phí thuê kiểm toán báo cáo tài chính.

Do vậy, SCIC cho rằng, đối với các doanh nghiệp chưa quyết toán vốn lần 2, SCIC kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, địa phương chủ trì phối hợp với SCIC tập trung giải quyết các vướng mắc, sớm hoàn thành quyết toán vốn lần 2 theo quy định tại Thông tư số 83/2018/TT-BTC ngày 30/8/2018 hướng dẫn việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại SCIC và Thông tư số 119/2021/TT-BTC ngày 23/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 83/2018/TT-BTC để có cơ sở triển khai thoái vốn. Đồng thời, đề xuất Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ sửa đổi 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014 cho phép bán thỏa thuận sau khi đấu giá không thành công, mà không cần thực hiện bước chào bán cạnh tranh.

Đối với việc xác định giá trị đất đai khi cổ phần hoá, thoái vốn, khi doanh nghiệp thuộc diện thoái vốn có hoạt động tăng vốn điều lệ, việc chuyển nhượng quyền mua trong trường hợp thời hạn phát hành của doanh nghiệp không đủ để SCIC thuê tổ chức thẩm định giá xác định giá khởi điểm (khoản 2, Điều 38b Nghị định số 32/2018/NĐ-CP; sửa đổi, bổ sung tại khoản 20, Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP). Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp có nhiều đất đai, hoặc đang triển khai đầu tư các dự án kinh doanh bất động sản.

Nâng cao năng lực cạnh tranh trên nền tảng công nghệ hiện đại

Để thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, Bộ Tài chính đề xuất, trong thời gian tới, cần nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác nhằm huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế xã hội; quản lý chặt chẽ, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Đồng thời, sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước, chủ yếu tập trung trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh; lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Cơ cấu lại có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ; xử lý cơ bản dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước. Củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có quy mô lớn, có thương hiệu tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Thời gian tới, cần tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp gắn với giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm soát quyền lực, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch trong cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; rà soát, nghiên cứu quy định việc không tính giá trị đất vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn.

Đặc biệt, cần đổi mới cách thức thực hiện gắn với trách nhiệm của người đứng đầu và việc tăng tính chủ động cho doanh nghiệp nhà nước và cơ quan đại diện chủ sở hữu. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới phương thức giám sát, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật, không để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước.

Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, trọng tâm hoàn thiện thể chế cho giai đoạn 2021 - 2025 là xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật số 69/2014/QH13. Theo đó, hoàn thiện, xây dựng khung khổ pháp lý về quản lý, đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp theo nguyên tắc thị trường, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của nhà nước, tạo động lực, sức ép để thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước chủ động sắp xếp để giữ vai trò chủ đạo dẫn dắt các doanh nghiệp trong nước phát triển; khu vực doanh nghiệp nhà nước thực sự là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện khung pháp lý về việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược đồng thời xem xét việc tách bạch triệt để chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước (cả về thể chế và tổ chức, bộ máy).

Theo đại diện của ủy ban, để tiến trình cổ phần hóa đạt hiệu quả đề ra, các hình thức giảm vốn nhà nước cần được đa dạng hóa, như kết hợp giữa việc bán phần vốn nhà nước với việc tăng quy mô vốn điều lệ của doanh nghiệp nhà nước. Cách thức này vừa giúp doanh nghiệp nhà nước tăng cường năng lực tài chính phục vụ nhu cầu tăng trưởng mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo tiến độ giảm tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước không nên thực hiện bằng mọi giá mà cần theo nguyên tắc và tín hiệu thị trường, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, hiệu quả và thu hồi tối đa vốn Nhà nước,” vị đại diện này cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần sớm tổng hợp ý kiến của các cơ quan, xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Mặt khác, các bộ, ngành có liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi một số quy định pháp luật còn bất cập hoặc chưa rõ ràng, đồng bộ.

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền phê duyệt chủ trương góp vốn, tăng/giảm vốn góp, chuyển nhượng vốn đầu tư của doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; Cho phép các doanh nghiệp nhà nước được quyền thực hiện đầy đủ các hình thức tổ chức lại kể cả trường hợp sáp nhập công ty con vào công ty mẹ; Quy định rõ nguyên tắc và thẩm quyền quyết định chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài của doanh nghiệp; Rà soát, sửa đổi bổ sung các cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư, sản xuất kinh doanh và chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Về chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại doanh nghiệp, vị đại diện trên đề nghị Chính phủ cân nhắc, xem xét lại nguyên tắc quy định trước khi chuyển nhượng vốn, yêu cầu rà soát lại toàn bộ diện tích đất doanh nghiệp đang quản lý sử dụng đồng thời hoàn thiện đầy đủ hồ sơ pháp lý về đất đai, quản lý, giám sát chặt chẽ đối với đất được chuyển đổi mục đích thực hiện đấu giá đất theo quy định Luật Đất đai; Thực hiện nghiêm cơ chế cho thuê đất, nộp tiền thuê theo quy định của pháp luật cũng như bổ sung quy định việc tính toán giá trị quyền sử dụng đất giao trong giá khởi điểm chuyển nhượng vốn.

Duy Long

Tạp chí in số tháng 5/2022
Bạn đang đọc bài viết Thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước: Vừa tăng quyền chủ động, vừa tạo sức ép cho doanh nghiệp tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước: Gắn trao quyền chủ động cho doanh nghiệp với giám sát, kiểm tra
Theo Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính, một trong những giải pháp thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn tới là tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp gắn với giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm soát quyền lực.