Thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước: Gắn trao quyền chủ động cho doanh nghiệp với giám sát, kiểm tra

17/05/2022, 14:16

TCDN - Theo Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính, một trong những giải pháp thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn tới là tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp gắn với giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm soát quyền lực.

Ông Phạm Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) phát biểu

Ông Phạm Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) phát biểu

Lúng túng trong hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện

Báo cáo tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp”, ông Phạm Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, lũy kế giai đoạn 2016 - 2020, đã có 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tổng giá trị doanh nghiệp là 489.690 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 180 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 39/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 30% kế hoạch).

Về thoái vốn, lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 - 2020 đạt 27.312 tỷ đồng, thu về 177.397 tỷ đồng. 

Theo ông Đức, có nhiều nguyên nhân dẫn đến kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn chưa đạt mục tiêu đề ra. Trong đó có nguyên nhân chủ quan từ tư duy, nhận thức về vai trò, vị trí của doanh nghiệp nhà nước chưa thống nhất dẫn tới lúng túng trong hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện; Đa số các tập đoàn, tổng công ty chưa chủ động triển khai các chính sách pháp luật về đất đai, đến khi phải thực hiện cổ phần hóa mới bắt đầu thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa...

Để thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn tới, Bộ Tài chính đề xuất, trong thời gian tới, cần nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác nhằm huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế xã hội; quản lý chặt chẽ, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Đồng thời, sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước, chủ yếu tập trung trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh; lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Cơ cấu lại có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ; xử lý cơ bản dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước. Củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có quy mô lớn, có thương hiệu tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp gắn với giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm soát quyền lực, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch trong cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; rà soát, nghiên cứu quy định việc không tính giá trị đất vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn.

Đặc biệt, cần đổi mới cách thức thực hiện gắn với trách nhiệm của người đứng đầu và việc tăng tính chủ động cho doanh nghiệp nhà nước và cơ quan đại diện chủ sở hữu. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới phương thức giám sát, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật, không để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước.

Nhà nước quản lý doanh nghiệp theo pháp nhân doanh nghiệp

Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, trọng tâm hoàn thiện thể chế cho giai đoạn 2021 - 2025 là xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật số 69/2014/QH13. Cụ thể như: về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp sẽ quy định rõ vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp để thực hiện nghĩa vụ góp vốn chủ sở hữu Nhà nước được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân doanh nghiệp theo quy định của Bộ Luật dân sự bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, tự chủ trong hoạt động của pháp nhân là doanh nghiệp.

Nhà nước thực hiện quản lý doanh nghiệp theo pháp nhân doanh nghiệp mà mình đầu tư vốn, không quản lý doanh nghiệp theo từng tài sản mà chủ sở hữu góp vốn điều lệ (đã chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp).

Nhà nước xác định là một nhà đầu tư vốn, không can thiệp hành chính trực tiếp vào hoạt động và quản trị sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu, người đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp, người đại diện vốn để thực hiện các quyền của nhà đầu tư vốn (góp vốn) vào doanh nghiệp.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu theo quy định của Luật doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư. Thống nhất khái niệm vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp, vốn đầu tư của chủ sở hữu (nhà nước) tại doanh nghiệp.

Về cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, rà soát quy định cụ thể các nguyên tắc về cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Luật hóa các quy định tại Nghị định đã được ổn định trong thời gian qua về cổ phần hóa doanh nghiệp, về chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, về giải thể, phá sản doanh nghiệp) và bổ sung thêm các quy định chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước phát sinh trong thực tiễn (bao gồm các trường hợp chuyển giao không bồi hoàn).

Đối với việc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp tiên tiến, phù hợp với thông lệ quốc tế; áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế, tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ, nghiên cứu phát triển tiếp cận trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến khu vực, quốc tế. Nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước để làm tốt vai trò dẫn dắt mở đường cho các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác phát triển; trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Quy định cụ thể nội dung quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; doanh nghiệp do Nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; doanh nghiệp do DNNN sở hữu 100% vốn điều lệ.

Liên quan đến quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu sẽ tách bạch rõ nội dung chức năng quản lý, đầu tư vốn của đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản trị, điều hành của DNNN cần phải quy định rõ quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước theo chức năng và theo phân cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Chức năng, nhiệm vụ, tính tự chủ của Hội đồng thành viên DNNN đảm bảo sự đồng bộ của pháp luật có liên quan. Phân công phân cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước của các cơ quan, tổ chức; Quyền, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong thực hiện quyền của chủ sở hữu. Quy định về trách nhiệm giải trình của DNNN, cơ quan đại diện chủ sở hữu trước hoạt động giám sát của cơ quan thuộc Hội đồng nhân dân, Quốc hội. Công khai thông tin hoạt động của doanh nghiệp.

Thu Hà
Bạn đang đọc bài viết Thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước: Gắn trao quyền chủ động cho doanh nghiệp với giám sát, kiểm tra tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Thủ tướng: Tại sao cổ phần hóa, thoái vốn lại không đạt kế hoạch?
Thủ tướng đặt câu hỏi: Tại sao công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước lại không đạt kế hoạch, vướng mắc vấn đề gì, nên thoái vốn ở những loại hình doanh nghiệp nào? Xác định giá trị quyền sử dụng đất, lợi thế quyền thuê đất, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp… đã đầy đủ chưa, chặt chẽ chưa?
Cổ phần hóa chậm vì doanh nghiệp 'có tài chính phức tạp, nhiều đất đai'
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại giai đoạn này hầu hết là các doanh nghiệp lớn, có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai; hoặc là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích, gắn liền với các hoạt động của địa phương.