Dự thảo Luật Biên phòng: Trùng chéo chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội biên phòng với hải quan

03/11/2020, 17:26

TCDN - Góp ý đối với dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, Tổng cục Hải quan cho rằng, các quy định về chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội biên phòng đang trùng chéo với cơ quan hải quan.

nganh-hai-quan-dau-tranh-hieu-qua-voi-nan-gian-lan-xuat-xu-hang-hoa

Theo Tổng cục Hải quan, tại khoản 3 Điều 5 dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định nhiệm vụ của biên phòng “đảm bảo việc thi hành pháp luậtở khu vực biên giới, cửa khẩu”. Việc quy định như dự thảo có phạm vi rất rộng, chưa rõ ràng.

Tại khu vực cửa khẩu có nhiều lực lượng thực thi pháp luật như hải quan, kiểm dịch đồng vật, kiểm dịch thực vật, kiểm dịch y tế, công an…. Việc quy định như trên được hiểu Biên phòng là lực lượng giám sát, đảm bảo thi hành pháp luậtở tất cả các lĩnh vực của các lực lượng khác tại khu vực biên giới, cửa khẩu, trong khi chức năng này chỉ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và Mặt trận tổ quốc Việt Nam thực hiện; không phải chức năng của Bộ đội Biên phòng.

Tổng cục Hải quan đề nghị Ban soạn thảo Luật rà soát, nghiên cứu chỉ rõ giới hạn, phạm vi, nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng của Bộ đội biên phòng là đảm bảo thi hành pháp luật biên phòng.

Nội dung trên cần quy định như sau: “đảm bảo việc thi hành Luật nàyở khu vực biên giới, cửa khẩu”.

Một vấn đề khác, Tổng cục Hải quan cho rằng, điểm d khoản 2 Điều 10 dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định nguyên tắc phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng “Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trên cùng một địa bàn thuộc thẩm quyền xử lý của nhiều cơ quan, tổ chức, lực lượng; cơ quan, tổ chức, lực lượng nào phát hiện trước thì xử lý theo quy định của pháp luật”.

Quy định này không phù hợp, trùng chéo, mâu thuẫn với quy định của Luật Hải quan. Theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Hải quan “Trong địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hóa, phương tiện vận tải và xử lý vi phạm pháp luật về hải quan phù hợp với pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”

Tại khoản 1 Điều 88 Luật Hải quan quy định “Trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải để chủ động phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Trường hợp hàng hóa, phương tiện vận tải chưa đưa ra khỏi phạm vi địa bàn hoạt động hải quan mà cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó báo ngay cho cơ quan hải quan để kiểm tra, xử lý.”

Tại khoản 2 Điều 10  và  khoản 1 Điều 12 Nghị định số 01/2015/NĐ-CP ngày 10/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới quy định nguyên tắc phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 12/2018/NĐ-CP) quy định “Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm phối hợp bảo đảm từng lĩnh vực chỉ có một cơ quan quản lý nhà nước chủ trì thực hiện, tránh sơ hở, chồng chéo, đồng thời không cản trở đến hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước khác”. “Khi cơ quan hải quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới theo quy định của Luật Hải quan…”

Khoản 1 Điều 2 Quyết định số 19/2016/QĐ-TTg ngày 6/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quy định, “Bảo đảm đúng quy định của pháp luật hiện hành về chức năng, nhiệm vụ đối với công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Mỗi địa bàn, lĩnh vực do một cơ quan chịu trách nhiệm chính, chủ trì và tổ chức phối hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các cơ quan khác có trách nhiệm phối hợp, tham gia với lực lượng chủ trì theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định. Trường hợp phát hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả trên địa bàn hoặc lĩnh vực cơ quan khác chủ trì thì cơ quan phát hiện thông báo ngay cho cơ quan có trách nhiệm chủ trì xử lý để phối hợp hỗ trợ lẫn nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ theo chức năng nhiệm vụ được phân công.”

Như vậy, Luật Hải quan và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã giao hải quan trong địa bàn hoạt động hải quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Việc dự thảo Luật Biên phòng quy định như trên là không phù hợp, trùng chéo với Luật Hải quan.

Trên cơ sở đó, Tổng cục Hải quan đề nghị sửa đổi điểm d khoản 2 Điều 10 dự thảo Luật như sau: “d. Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trên cùng một địa bàn thuộc thẩm quyền xử lý của nhiều cơ quan, tổ chức, lực lượng; cơ quan, tổ chức, lực lượng theo quy định của pháp luật được giao chủ trì sẽ chịu trách nhiệm chính kiểm tra, xử lý.

Cơ quan, tổ chức, lực lượng phát hiện hành vi vi phạm pháp luật nhưng không phải là đơn vị chịu trách nhiệm chính, chủ trì hoặc không có thẩm quyền xử lý thông báo ngay và phối hợp với cơ quan chịu trách nhiệm chính, có thẩm quyền xử lý để kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật; trường hợp cần thiết để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, sau khi áp dụng các biện pháp cần thiết phải chuyển giao hồ sơ, người, phương tiện, tang vật vi phạm pháp luật cho cơ quan, tổ chức, lực lượng có thẩm quyền giải quyết. Cơ quan tổ chức, lực lượng tiếp nhận có trách nhiệm thông báo kết quả xử lý cho cơ quan, tổ chức, lực lượng chuyển giao biết.”

Hà Quyên
Bạn đang đọc bài viết Dự thảo Luật Biên phòng: Trùng chéo chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội biên phòng với hải quan tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan