Chậm giải ngân vốn đầu tư công là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”

03/11/2020, 16:19

TCDN - Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Bình Phước) cho rằng, năm nào cũng vậy, chậm giải ngân vốn đầu tư công trở thành vấn đề trầm kha, cứ đến quý III hàng năm là vấn đề này tiếp tục được nêu ra và trở thành câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi".

Phát biểu tại phiên thảo luận các vấn đề kinh tế xã hội, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ: ở đây tôi muốn đề cập tại sao biết rồi mà năm nào cũng cứ chậm, năm nào Thủ tướng cũng phải thân chinh chỉ đạo, trong khi đây là nhiệm vụ thường niên của các bộ, ngành và địa phương. Đến thời điểm này đã có ai phải chịu trách nhiệm về vấn đề này hay chủ yếu chỉ ra hầu hết các nguyên nhân khách quan, còn sự chủ quan thì rất ít.

Đại biểu dẫn lời Chủ tịch Quốc hội đã từng nói "sợi dây dài nhất là sợi dây kinh nghiệm, rút hoài không hết, ai cũng rút, năm nào cũng rút, kỳ họp nào cũng rút, mà kinh nghiệm vẫn còn".

Theo ông Tuấn Anh, nguyên nhân chủ yếu chính là công tác lập kế hoạch không sát với thực tế, nhiều bộ ngành, địa phương cố lập kế hoạch dành cho bằng được nguồn vốn về cho mình mà không chú trọng đến thực tế tình hình khả thi của dự án dẫn đến khi triển khai rất khó, chậm và không giải ngân được.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nói về chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nói về chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Điển hình ở đây là một số các dự án mà cử tri và nhân dân cả nước quan tâm. Dự án đường vành đai 1 đoạn từ Hoàng Cầu đến Voi Phục, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã phê duyệt dự án đầu tư tháng 10/2018 dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2018 - 2020 nhưng hiện tại việc đo, vẽ, kiểm đếm đất và tài sản trên đất của các hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thành. 2 hạng mục cần làm trước là cầu vượt nút giao Nguyễn Chí Thanh - đê La Thành và cầu vượt nút giao Giảng Võ - đê La Thành cũng chưa có mặt bằng để khởi công.

Đáng lo ngại nhất là việc giải ngân các dự án sử dụng vốn ODA như dự án tuyến đường sắt đô thị. Đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội mới giải ngân được gần 43% số vốn năm 2020. Tại dự án tuyến đường sắt số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đã được cấp nhưng không thể giải ngân kịp trong năm nay do thủ tục điều chỉnh tổng đầu tư dự án chưa thực hiện xong và quy hoạch ga ngầm C9 khu vực hồ Hoàn Kiếm chưa hoàn tất nên không thi công được các gói thầu xây lắp.

Đại biểu cho biết, qua tìm hiểu thực tế, nhiều chủ đầu tư cho rằng khâu chuẩn bị đầu tư, thẩm định, phê duyệt đầu tư, lựa chọn nhà thầu hiện nay rất khó khăn và không loại trừ có cả những sự nhũng nhiễu, tiêu cực. Nhiều dự án kéo dài khâu này đến vài tháng.

“Để đẩy nhanh các thủ tục đầu tư, một số chủ đầu tư phải khoán cho doanh nghiệp thi công các công trình đứng ra lo liệu. Cũng vì cố gắng dành cho bằng được nguồn vốn, nhất là vốn ODA nên trong quá trình triển khai không đáp ứng được tiêu chuẩn của nhà tài trợ nên không triển khai ra thực tế được. Một số dự án cố triển khai trong khi thủ tục chưa hoàn chỉnh sát với thực tế nên khi hoàn thành không thể quyết toán được, tất nhiên không thể bàn giao, nghiệm thu công trình”, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nhận định.

Đại biểu đề nghị Chính phủ có giải pháp hữu hiệu hơn trong việc lựa chọn, phân bổ các dự án đầu tư công, tránh cào bằng, chủ nghĩa bình quân theo từng bộ, ngành, địa phương.

Kiên quyết thu hồi, chuyển vốn các dự án chậm triển khai, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chậm do yếu tố chủ quan được xem là không hoàn thành nhiệm vụ.

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính về đầu tư công, có cơ chế kiểm tra, giám sát các cán bộ thực thi công vụ và xử lý nghiêm minh khi phát hiện nhũng nhiễu, tiêu cực.

“Các bộ, ngành cần có sự chỉ đạo sát sao, chặt chẽ nhằm nhìn nhận rõ những vướng mắc thuộc thẩm quyền của bộ, ngành mình để phân định trách nhiệm trong quá trình triển khai. Đừng để trái bóng trách nhiệm đá qua, đá lại và việc chậm giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục trở thành điệp khúc “Biết rồi. Khổ lắm. Nói mãi””, ông Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Chậm giải ngân vốn đầu tư công là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Còn 9 đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới 20%
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính 31/10/2020 có 18 Bộ, cơ quan trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt dưới 45%, trong đó, có 8 Bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương (tỉnh Đồng Nai) có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%.
Còn 41.000 tỷ đồng vốn ODA cần giải ngân trong 2 tháng
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước giải ngân kế hoạch nguồn vốn đầu tư nước ngoài (vốn ODA) đến ngày 31/10/2020 đạt 18.089 tỷ đồng (30,15% kế hoạch Thủ tướng giao). Từ nay đến cuối năm còn khoảng 41.000 tỷ đồng (hơn 69% kế hoạch) chưa được giải ngân.
Gỡ nút thắt về giải ngân vốn đầu tư công
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chậm do nhiều nguyên nhân trong đó có vấn đề về lựa chọn tư vấn cũng như chuẩn bị đầu tư dự án. Tuy nhiên, vai trò của người đứng đầu đơn vị sẽ quyết định đến tốc độ giải ngân.