Dự thảo Luật PPP: Sẽ hạn chế chỉ định thầu
TCDN - Thẩm tra Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), các đại biểu cho rằng cần đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế để tránh rủi ro về lợi ích nhóm, lãng phí, thất thoát...
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Luật PPP được bố cục thành 11 chương với 102 điều.
Dự thảo quy định đối với quy mô tối thiểu theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP đối với từng lĩnh vực nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng, giá trị này không áp dụng đối với loại hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M).
Về cơ chế quản lý và sử dụng vốn nhà nước trong dự án PPP, Bộ trưởng Dũng cho biết cơ bản được xử lý theo phương án có dòng ngân sách dành cho phần vốn đầu tư công trong dự án PPP tại kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Thẩm tra dự án luật, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đồng ý với sự cần thiết ban hành, song cho rằng cần quy định phạm vi điều chỉnh một cách rõ ràng hơn về không gian áp dụng luật, cụ thể việc điều chỉnh các hoạt động đầu tư PPP tại Việt Nam và rà soát, nghiên cứu, đề xuất một cách đầy đủ những quy định khác nhau giữa Luật này và các luật liên quan.
Về lĩnh vực đầu tư, đề nghị của cơ quan thẩm tra là cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, quy định rõ hơn về các lĩnh vực đầu tư theo hình thức PPP ngay tại dự án luật, cũng như phải làm rõ nguyên tắc chỉ bổ sung lĩnh vực đầu tư PPP đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn nhằm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho các bên trong lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp.
Với quy mô của dự án Uỷ ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể quy mô đầu tư tối thiểu đối với các lĩnh vực, các dự án đầu tư của địa phương, cũng như làm rõ hơn căn cứ, cơ sở của việc không quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với dự án áp dụng loại hợp đồng kinh doanh - quản lý.
Vấn đề khác được Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh là việc lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP cần phải được thực hiện thông qua đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế để tránh rủi ro về lợi ích nhóm, lãng phí, thất thoát, giảm tính cạnh tranh và lựa chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án.
Liên quan đến quy định về vốn, như đã nói trên, dự thảo luật được thiết kế theo hướng có dòng ngân sách dành cho phần vốn đầu tư công trong dự án PPP tại kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng trong cơ chế quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư dự án PPP, để đảm bảo tính minh bạch cũng như thuận lợi trong quá trình thanh tra, kiểm toán dự án thì cần tách phần vốn nhà nước trong dự án PPP thành một dự án thành phần riêng biệt. Vốn nhà nước tham gia dự án PPP nên ưu tiên sử dụng phục vụ công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Nếu không tách bạch được phần vốn đầu tư, nhà đầu tư tư nhân sẽ không chỉ phải thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật chuyên ngành... trong quá trình triển khai thực hiện dự án, mà còn phải tuân theo quy định của thanh tra chính phủ, kiểm toán nhà nước... cũng như trách nhiệm giải trình với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, như vậy sẽ gây rất nhiều khó khăn cho nhà đầu tư, tạo tâm lý e ngại khi tham gia vào dự án PPP.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899