Các dự án PPP đã huy động được hơn 1,6 triệu tỷ đồng

26/08/2019, 22:15

TCDN - Chiều 26/8, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Về hạn mức vốn, dự thảo luật này quy định “Chính phủ quy định chi tiết quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP, nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng, trừ dự án áp dụng loại hợp đồng kinh doanh - quản lý”.

Về hạn mức vốn, dự thảo luật này quy định “Chính phủ quy định chi tiết quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP, nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng, trừ dự án áp dụng loại hợp đồng kinh doanh - quản lý”.

Theo Tờ trình dự án luật của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 30/1/2019 có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng. Trong đó, 140 dự án áp dụng loại hợp đồng BOT, 188 dự án BT và 8 dự án các loại hợp đồng khác; qua đó huy động được khoảng 1.609.295 tỷ đồng vào đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quốc gia.

Từ thực tiễn triển khai các dự án PPP, Chính phủ cho rằng các quy định về PPP cần phải được hoàn thiện, nâng cấp thành Luật, đồng thời xử lý các mâu thuẫn, khác biệt giữa quy định hiện hành về PPP với các luật khác.

Tại cuộc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, năm 2017 sau khi giám sát về các công trình BOT giao thông (mà Ủy ban Kinh tế là cơ quan thường trực), Quốc hội đã ban hành nghị quyết nêu rõ định hướng yêu cầu Chính phủ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện pháp luật đầu tư theo BOT, trong tổng thể PPP.

Sau hội thảo này, Ủy ban Kinh tế sẽ thẩm tra chính thức dự án Luật PPP. “Hiện vãn còn nhiều vấn đề cần xem xét, như quy định quy mô vốn tối thiểu để thực hiện theo hình thức PPP 200 tỷ đồng đã phù hợp chưa? Cơ chế quản lý phần vốn nhà nước tham gia thế nào để đảm bảo chặt chẽ nhưng không làm chậm tiến độ, rồi cơ chế bảo lãnh ra sao...”, người đứng đầu Ủy ban Kinh tế nêu rõ.

Về hạn mức vốn, dự thảo luật này quy định “Chính phủ quy định chi tiết quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP, nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng, trừ dự án áp dụng loại hợp đồng kinh doanh - quản lý”. Lý do để xác định mức vốn “sàn” 200 tỷ đồng là do các hợp đồng PPP thường là dài hạn, yêu cầu nhiều cam kết của Chính phủ, vì vậy cần quy định quy mô dự án tối thiểu để lựa chọn được những dự án xứng đáng đầu tư theo phương thức này, tránh đầu tư dàn trải, hiệu quả không cao.

Hơn nữa, chi phí chuẩn bị để đầu tư các dự án PPP thường cũng lớn, nên nếu thực hiện PPP với dự án quy mô nhỏ sẽ không hiệu quả; không hấp dẫn đối với nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài. Trên thực tế, các dự án PPP thời gian qua được triển khai chủ yếu thuộc một số lĩnh vực trọng điểm như giao thông vận tải, năng lượng và các dự án này đều có tổng vốn đầu tư lớn; đa số đều trên 200 tỷ đồng (233/336 dự án).

Cung cấp thêm lý lẽ ủng hộ quan điểm này, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Đăng Trương nhấn mạnh, có ý kiến cho rằng quy định hạn mức 200 tỷ đồng trở lên mới làm PPP sẽ hạn chế cơ hội đối với các dự án nhỏ, nhưng Luật PPP “không phải là cơ hội đầu tư duy nhất cho các nhà đầu tư tư nhân”. Nhà đầu tư tư nhân còn có nhiều hình thức khác để lựa chọn.

Dự án Luật PPP đã được Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2019, sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa 14 vào cuối năm nay và thông qua tại kỳ họp thứ 9 giữa năm 2020.

Gia Hưng
Bạn đang đọc bài viết Các dự án PPP đã huy động được hơn 1,6 triệu tỷ đồng tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899