Fed tăng lãi suất, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu tăng lãi suất huy động, ổn định lãi suất cho vay
TCDN - Trước việc Fed tăng lãi suất, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp các công cụ tỉ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng để kiểm soát lạm phát. Nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, lãi suất huy động linh hoạt, ổn định lãi suất cho vay.
Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về ổn định kinh tế vĩ mô ngày 22/9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết trong bối cảnh đồng tiền nhiều nước mất giá rất mạnh so với đồng USD, thì đồng tiền Việt Nam vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới.
Thống đốc cho rằng, thách thức lớn nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô vẫn là kiểm soát lạm phát, dù các tổ chức quốc tế đều đánh giá năm 2022, Việt Nam có thể kiểm soát lạm phát dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, Ngân hàng sẽ kiên trì các giải pháp theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng "ổn định không có nghĩa là cố định" mà theo sát mọi diễn biến để điều hành phù hợp tình hình.
Phát biểu về nội dung này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, hầu hết các nước trên thế giới đều có lạm phát tăng cao và tăng trưởng suy giảm như Hoa Kỳ, EU, Anh, các nước trong khu vực.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều nước đã thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng, hạ lãi suất, đưa tiền mặt ra hỗ trợ người dân. Điều đó dẫn đến hệ lụy lạm phát tăng cao.
Theo Thủ tướng, để đối phó với tình trạng lạm phát tăng cao, các nước phải sử dụng công cụ lãi suất, thông qua tăng lãi suất để hút tiền về; đồng thời thu hẹp các chính sách tiền tệ, tài khóa.
Đêm qua, Hoa Kỳ vừa tăng lãi suất 0,75% (sau 2 lần tăng liên tiếp 0,75% trước đó) đưa lãi suất điều hành lên mức 3-3,25%. Nhiều quốc gia, đối tác lớn của ta đều tăng lãi suất như Ngân hàng Trung ương châu Âu (EU) cũng đã tăng lãi suất 0,75%…
Việc tăng lãi suất và thu hẹp các chính sách tiền tệ, tài khóa lại có nhiều tác động tiêu cực, dẫn đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm, nguy cơ suy thoái và tỉ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng. Đồng USD tăng giá dẫn đến sự giảm giá của các đồng tiền chủ chốt khác và tiềm ẩn rủi ro tiền tệ, tỉ giá ở nhiều quốc gia, khu vực.
Chỉ số đồng USD tăng mạnh nhất trong 38 năm qua: Tăng 19% so với cùng kỳ và 15% so với cuối năm 2021; nhiều đồng tiền phá giá ở mức báo động: đồng Euro giảm 11,8%, Bảng Anh giảm 15,5%, Yên Nhật giảm 24,3%, Nhân dân tệ giảm 10,2%..
Thủ tướng khẳng định, tình hình thế giới biến động mạnh có tác động ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta, trong đó quy mô kinh tế còn khiêm tốn, độ mở của nền kinh tế cao (200% GDP), sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Thực trạng này dẫn đến chỉ một biến động nhỏ của thế giới có thể gây tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội trong nước.
Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam có xu hướng bị thu hẹp, ảnh hưởng đến các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và sản xuất kinh doanh trong nước.
Cùng với đó, tác động tiêu cực đến tỉ giá, lãi suất, giá trị tiền đồng Việt Nam. Điều hành tỉ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh tài chính, tiền tệ quốc tế biến động mạnh, nhiều đồng tiền phá giá ở mức cao là một thách thức rất lớn để có thể thực hiện được mục tiêu giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Trước tình hình đó, Thủ tướng nhấn mạnh, công tác chỉ đạo điều hành vĩ mô nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung sẽ ngày càng khó khăn hơn. Đặc biệt, đối với các chính sách kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cần phải xem xét, tính toán, cân nhắc kỹ trên nhiều phương diện (cả tác động, ảnh hưởng từ bên ngoài và bên trong).
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp các công cụ tỉ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng để kiểm soát lạm phát và thực hiện các mục tiêu đề ra. Lựa chọn phân bổ vốn tín dụng hợp lý, hiệu quả, tập trung cho sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên.
Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, tăng lãi suất huy động nhưng cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và kêu gọi, vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả hoạt động, quản trị, tiết giảm chi phí, nghiên cứu giảm lãi suất ở một số đối tượng, lĩnh vực phục vụ sản xuất kinh doanh để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau dịch.
Đẩy mạnh và giảm thủ tục cho vay hỗ trợ lãi suất 2%; tăng cường thông tin, truyền thông để nhân dân hiểu, tin tưởng, chia sẻ và ủng hộ các chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách tiền tệ, tín dụng.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất giảm thuế, phí, lệ phí theo thẩm quyền và có chính sách hỗ trợ phù hợp cho người dân, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh; thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên; bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan theo dõi, nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh thu hút đầu tư chất lượng cao. Tập trung đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899