Chủ tịch Quốc hội: Giá đất và cơ chế tài chính về đất đai là vấn đề khó nhất

22/09/2022, 11:39
báo nói -

TCDN - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, vấn đề giá đất và cơ chế tài chính về đất đai là vấn đề khó nhất, quy định làm sao để vận hành trong thực tế. Việc bỏ khung giá đất nhưng vẫn có bảng giá đất cần được xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng.

Ngày 22/9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Về vấn đề giá đất và cơ chế tài chính về đất đai, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh vấn đề giá đất và cơ chế tài chính về đất đai là vấn đề khó nhất, quy định làm sao để vận hành trong thực tế. Việc bỏ khung giá đất nhưng vẫn có bảng giá đất, vai trò của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, cơ quan tham mưu, cơ quan tư vấn trong việc định giá đất như thế nào… cần được xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ yêu cầu quán triệt Nghị quyết 18-NQ/TW nhất là tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị nhà ở thương mại để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người người dân. Theo Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thực hiện điều này sẽ tạo ra ổn định xã hội bởi khi đạt được thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp, nhận được sự đồng thuận của người dân cũng sẽ góp phần giảm khiếu kiện đông người, vượt cấp.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị lưu ý về đấu giá đất sạch bởi theo khoản 3 Điều 66 dự thảo Luật quy định theo Luật Đấu giá tài sản, tuy nhiên Luật Đấu giá tài sản cũng chưa quy định cụ thể. Do đó cần quy định rõ ở trong luật này để bảo đảm việc đấu giá tường minh hơn.

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho rằng không nên quy định bắt buộc mà quy định theo hướng khuyến khích việc giao dịch quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thông qua sàn giao dịch bất động sản.

Liên quan đến quy định về đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp đất chưa được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp đất chưa bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa được quy định chặt chẽ, còn thiếu tính khả thi. Cụ thể, điểm đ khoản 1 quy định, một trong các điều kiện đặt ra là: Có tối thiểu 80% người bị thu hồi đất đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, chưa có bồi thường, hỗ trợ tái định cư thì chưa có quyết định thu hồi đất, chưa đo đạc để xác định rõ diện tích, giá đền bù, nên việc đặt ra con số 80% là không thực tế, đề nghị nghiên cứu sửa đổi để đảm bảo quy định của Luật được khả thi, dễ dàng áp dụng trong thực tế.

Trong khi đó, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh đồng tình với các trường hợp nhà nước thu hồi đất như Chính phủ quy định dự kiến.

Tuy nhiên căn cứ và Hiến pháp và thực tiễn, bà Nguyễn Thị Thanh đề nghị việc mở rộng các trường hợp Nhà nước thu hồi đất lần này cần thể hiện nhằm thể chế hóa chủ trương tạo quỹ đất, bảo đảm sự chủ động của nhà nước trong việc phân bổ, điều tiết thị trường và đáp ứng nhu cầu đất của các dự án đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất, góp phần tăng thu cho ngân sách. Việc mở rộng diện đất đai phải thu hồi áp dụng trên cơ sở chỉ thu hồi khi chứng minh được việc thu hồi đất ngoài mục đích quốc phòng, an ninh vì phát triển kinh tế, xã hội nhưng phải bảo đảm được lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo đảm hài hòa quyền lợi của nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Bên cạnh đó, bà Thanh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu lại những cái trường hợp thu hồi đất để phục vụ dự án thương mại, dịch vụ theo quy định tại Điểm c, khoản 2, Điều 70 của dự thảo Luật đã đảm bảo điều kiện nêu trên hay chưa?

Ngoài ra, Trưởng Ban Công tác Đại biểu ủng hộ quan điểm cần cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất khi thực hiện thu hồi đất để xây dựng dự án đô thị, nhà ở thương mại. Nên cho phép chủ đầu tư được thỏa thuận với người sử dụng đất trong việc nhận chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án; hạn chế thực hiện việc thu hồi đất để tránh khiếu kiện về đất đai.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Chủ tịch Quốc hội: Giá đất và cơ chế tài chính về đất đai là vấn đề khó nhất tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Bài 5: Hoàn thiện cơ chế định giá đất, thuế tài sản
Tại Luật Đất đai (sửa đổi) nhiều chuyên gia đưa ra những đề xuất, kiến nghị xung quanh chính sách tài chính, thuế đất, khung giá đất… với mục tiêu đảm bảo khung thuế suất phù hợp, sử dụng hiệu quả nguồn đất đai.
'Thị trường bất động sản ổn định hay không phụ thuộc vào bảng giá đất'
Dự báo về thị trường bất động sản sau khi sửa Luật Đất đai, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, thị trường ổn định hay không phụ thuộc vào việc giá đất, bảng giá đất tới đây sẽ thế nào. Đây là vấn đề phức tạp. Nhưng mục đích của chúng ta là phải ổn định được thị trường.
Bài 4: Chống thất thu thuế từ xây dựng bảng giá đất theo nguyên tắc thị trường
Hiện nay, thông tin đầu vào để áp dụng các phương pháp định giá đất còn bất cập; việc định giá đất cụ thể ở một số nơi chưa kịp thời dẫn đến tình trạng thất thu ngân sách nhà nước. Do đó, việc xây dựng bảng giá đất phù hợp theo nguyên tắc thị trường góp phần đảm bảo nguồn thu thuế từ đất.