Gần 1 năm xử lý chưa xong quyết định chủ trương đầu tư
TCDN - "Đơn cử như dự án của Lê Thành, gần 1 năm không giải quyết được, hồ sơ vẫn còn trên bàn tôi đây. Nếu có vấn đề gì khó khăn thì phải mời doanh nghiệp lên, còn dự án được hay không được thì cũng phải trả lời, không thể để tình trạng kéo dài mãi thế này được", Chủ tịch TP.HCM nêu bức xúc.
Câu chuyện gỡ vướng cho doanh nghiệp để khơi thông thị trường bất động sản TP.HCM được nhắc từ đầu năm ngoái đến nay. Liên tục các cuộc hội thảo diễn ra, rất nhiều ý kiến tâm huyết của chuyên gia, người làm doanh nghiệp. Thế nhưng đâu vẫn vào đấy, cuối cùng chẳng đi đến đâu, mất nhiều thời gian.
Đây là câu chuyện cơ chế, không phải quyết định của cá nhân lãnh đạo thành phố. Nguyên nhân lớn dẫn đến việc dự án bị dừng bắt nguồn từ sai phạm trong chuyển đổi mục đích sử dụng, mua bán, sang nhượng đất có nguồn gốc nhà nước quản lý gây thất thoát cho ngân sách.
Điều này buộc chính quyền thành phố phải thanh tra toàn bộ các dự án đã cấp phép, ngưng cấp phép mới một số dự án... Điển hình như hơn chục dự án của Tập đoàn Novaland đang bị thanh tra, kiểm tra.
Hiện nay, ngay bản thân các sở ngành thành phố cũng e dè trong việc ký, trình hồ sơ, thủ tục xin phép dự án. Cộng thêm việc ngân hàng nhà nước thắt chặt tín dụng cũng làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người mua nhà.
Như vậy các doanh nghiệp vẫn phải chờ thay đổi từ cơ chế may ra mới khả thi. Hoặc chính quyền thành phố cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bằng cách kêu gọi, đàm phán với ngân hàng có chính sách hỗ trợ giảm lãi suất, giãn thanh toán nợ cho các doanh nghiệp... xem ra hiệu quả hơn. Chứ cứ thế này mãi xem ra các doanh nghiệp bất động sản cũng căng lắm.
Điển hình trong số các doanh nghiệp kêu cứu là Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành (chuyên xây dựng nhà ở xã hội). Làm nhà ở xã hội phục vụ cho nhân dân, tuy nhiên doanh nghiệp này vẫn bị các cơ quan chức năng "hành" trong việc cấp phép thủ tục, pháp lý. Mặc dù tất cả các dự án của Lê Thành đều có nguồn gốc đất rõ ràng (doanh nghiệp mua đất) và sử dụng vốn tự có để thực hiện (không vay gói 30.000 tỷ của Nhà nước hỗ trợ làm nhà ở xã hội).
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành chia sẻ khó khăn thực tế của doanh nghiệp này khi lập thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội tại xã Tân Kiên (H.Bình Chánh, TP.HCM). Dự án này có quy mô hơn 2100 căn hộ. Công ty Lê Thành đã nộp hồ sơ xin Quyết định chủ trương đầu tư Dự án tại Sở Kế hoạch và Đầu tư từ tháng 03 năm 2019 đến nay đã gần 1 năm nhưng vẫn chưa có “Quyết định chủ trương đầu tư” do các khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất công xen cài.
Theo tính toán, nếu với tầng cao 15 tầng, mật độ xây dựng 30% thì hệ số sử dụng đất phải cho lên 4,5. Chưa kể theo quy định dự án nhà ở xã hội được phép tăng thêm 50% hệ số sử dụng đất. Công ty Lê Thành nhiều lần kiến nghị các sở ngành liên quan tính toán tăng hệ số sử dụng đất lên nhưng chưa được giải quyết.
Nghịch lý hơn, khi Công ty Lê Thành tính toán theo hướng áp dụng hệ số sử dụng đất 2 để điều chỉnh chiều cao dự án xuống nhà ở thấp tầng, quy mô 5 tầng thì các sở cũng không cho vì khu vực này quy hoạch cao tầng.
Còn dự án Nhà ở xã hội cho thuê Lê Thành An Lạc đang vướng hàng loạt khó khăn về: Quyết định miễn tiền sử dụng đất và thời hạn sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; vay vốn ưu đãi; thế chấp dự án để vay vốn ngân hàng và chính sách thuế. Đơn cử như trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dự án trên được chuyển mục đích sử dụng đất từ năm 2014 và được cấp phép, khởi công xây dựng công trình từ năm 2017.
Thế nhưng do chưa được UBND TP ban hành quyết định miễn tiền sử dụng đất nên 19 căn nhà phố của dự án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng.
“Công ty Lê Thành là một trong những DNTN hiếm hoi đầu tư các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là đầu tư cả các dự án nhà ở xã hội cho thuê, bằng nguồn vốn của DN trên quỹ đất do DN nhận chuyển nhượng. Nhưng 2 dự án nhà ở xã hội mà Công ty Lê Thành triển khai đang bị vướng mắc mấy năm qua đến nay vẫn chưa được giải quyết”, Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) chia sẻ.
Sau khi nghe giải trình ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch TP.HCM đã thực sự nổi giận: “Chỉ có công việc nhỏ mà kéo dài 1 năm trời, các ông làm ăn vậy à? Chỉ việc nhỏ như vậy thôi mà kéo dài 11 tháng các ông thấy bức xúc không? Ý tôi là được hay không được, im lặng kéo dài 11 tháng, anh chị thấy việc này có được không? Chỉ là sự phối hợp mà trả giá 11 tháng. Mai mốt về hưu làm doanh nghiệp các anh sẽ thấy bức xúc cỡ nào!”
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP sau khi nghe câu chuyện cũng bày tỏ sự bức xúc: “Lẽ ra các anh phải thấy được sự mâu thuẫn giữa các con số, tự mình cũng phải giải quyết. 15 -18 tầng hệ số 4.5 thì không phải 2.0 được. Đưa ra đề xuất điều chỉnh”.
"Rất nhiều chuyện như vậy chứ không chỉ câu chuyện của Lê Thành hôm nay. Tôi không đủ thời gian kể ra đây chứ các đồng chí đừng nghĩ tôi không biết. Giờ đây phải chấn chỉnh lại, chúng ta hứa được phải làm được. Nói là hỗ trợ doanh nghiệp nhưng các đồng chí xem lại hành động coi…", ông Phong khẳng định.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899