Tp.HCM hỗ trợ hay "làm khó" doanh nghiệp bất động sản?

22/02/2020, 16:25

TCDN - Theo quy trình được UBND TP.HCM đưa ra mới đây, rất có thể doanh nghiệp bất động sản sẽ “mệt mỏi” khi trải qua 6 bước mới có thể triển khai một dự án bất động sản có đất hỗn hợp.

Sáng 22/2, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị gặp gỡ và trao đổi giữa lãnh đạo chính quyền thành phố với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, hiện thành phố có khoảng 15.000 doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản.  

Doanh nghiệp BĐS vốn trên 100 tỷ sắp được hỗ trợ

Trong năm 2019, tăng trưởng lĩnh vực bất động sản chỉ đạt 4,3%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố. Riêng ngành xây dựng tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 1%, tỷ trọng đóng góp cho GRDP cũng thuộc hàng thấp nhất trong chín nhóm ngành dịch vụ. 

TP.HCM tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp bất động sản

TP.HCM tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp bất động sản

"Bất động sản là 1 trong 9 ngành dịch vụ quan trọng trong sự phát triển của Thành phố, nhưng thật trăn trở khi các báo cáo đều cho thấy doanh nghiệp bất động sản còn nhiều khó khăn, quy mô thị trường và nguồn cung giảm mạnh, hàng loạt doanh nghiệp giảm doanh thu và lợi nhuận, không đạt chỉ tiêu", ông Phong nhận định.  

Trong năm 2019, chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư, giảm 24 dự án so với cùng kỳ; 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, giảm 64 dự án; trong đó chỉ có 7 dự án được chấp thuận đầu tư mới. Ngoài ra, có 47 dự án được xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn, giảm 30 dự án.

Dự kiến trong quý 1 này, TP.HCM sẽ ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có vốn trên 100 tỷ đồng, đồng thời cam kết là sẽ làm mọi cách để đảm bảo ổn định kinh tế, chính trị, tạo điều kiện để doanh nghiệp trên địa bàn làm ăn. 

Cũng tại Hội nghị sáng nay, dự thảo báo cáo về giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng... trong đó đưa ra quy trình 6 bước để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện một dự án bất động sản. Theo quy trình của UBND TP.HCM đưa ra, để thực hiện một dự án bất động sản(BĐS) có đất hỗn hợp, DN phải trải qua 6 bước.

Trong đó, bước 1 làm thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, bước 2 trình duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, bước 3 làm thủ tục giao thuê đất, bước 4 quy định DN phải lập thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất, bước 5 mới được cấp “sổ đỏ” dự án, bước 6 DN mới được công nhận chủ đầu tư, thẩm định thiết kế, cấp giấy phép xây dựng và triển khai đầu tư xây dựng. 

Ông Lê Hữu Nghĩa, giám đốc Công ty Lê Thành chia sẻ khó khăn thực tế của doanh nghiệp này khi lập thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội tại xã Tân Kiên (H.Bình Chánh, TP.HCM). Dự án này có quy mô hơn 2100 căn hộ. Công ty Lê Thành nộp hồ sơ xin quyết định chủ trương đầu tư gần 1 năm nay nhưng chưa hoàn thành.

Ông Lê Hữu Nghĩa, giám đốc Công ty Lê Thành chia sẻ khó khăn thực tế của doanh nghiệp này khi lập thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội tại xã Tân Kiên (H.Bình Chánh, TP.HCM). Dự án này có quy mô hơn 2100 căn hộ. Công ty Lê Thành nộp hồ sơ xin quyết định chủ trương đầu tư gần 1 năm nay nhưng chưa hoàn thành.

Quy trình làm khó doanh nghiệp

Phản biện và góp ý về quy trình của UBND TP.HCM đưa ra, để thực hiện một dự án BĐS có đất hỗn hợp, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), cho rằng: Nếu doanh nghiệp phải nộp tiền sử dụng đất tại bước 4 thì chưa phù hợp với quy định hiện hành. 

"Hiện pháp luật về đất đai và pháp luật về kinh doanh BĐS không quy định chủ đầu tư dự án nhà ở phải nộp tiền sử dụng đất tại thời điểm này, mà chỉ quy định chủ đầu tư dự án nhà ở bắt buộc phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước (tiền sử dụng đất) trong 2 trường hợp: Một là, để làm thủ tục cấp sổ đỏ;

Hai là, để bán nhà, nền nhà hoặc huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai, thì việc nộp tiền sử dụng đất tại bước 4 (riêng thời gian làm thủ tục phải mất trên dưới 2 năm hoặc lâu hơn), tức là doanh nghiệp bị chôn vốn, chi phí đầu tư, chi phí vốn, chi phí quản lý... sẽ tăng lên, cuối cùng người mua nhà phải gánh chịu", ông Châu nói. 

Ông Nguyễn Dư Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Hưng Lộc Phát, nhận xét: Quy trình này là quá dài vì đến bước thứ 6 mới cho DN làm giấy phép xây dựng. Đặc biệt mới đến bước thứ 4 đã bắt DN phải lập thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất. Trong khi từ lúc nộp tiền sử dụng đất đến khi ra giấy phép xây dựng phải mất khá nhiều thời gian mà thời gian này DN không làm được gì khiến tiền tiếp tục “ngâm” trong đất.

Thực tế, đến lúc này DN đã phải bỏ ra khá nhiều tiền để đền bù giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất… Những khoản tiền này cũng là tiền đi vay từ ngân hàng. Nếu dự án ngâm quá lâu sẽ khiến chi phí vốn đội lên và toàn bộ chi phí này tính vào giá thành, khách hàng là người gánh chịu cuối cùng. 

Nhiều Sở còn

Nhiều Sở còn "chậm" và kéo dài thời gian giải quyết các thủ tục gây khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản.

Tăng trưởng bình quân của doanh nghiệp bất động sản giai đoạn 2015-2019 chỉ 4,3%, thấp hơn tăng trưởng GDP. Trong 10 tháng đầu năm 2019, riêng ngành xây dựng là tăng trưởng âm, đến cuối năm, khi tập trung xử lý các vấn đề về chính sách và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì cũng chỉ tăng 1%, trong khi năm 2018 tăng 25%.

Đồng tình với ý kiến của Chủ tịch HĐQT Công ty Hưng Lộc Phát, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, cũng góp ý bước thứ 6 nên chuyển lên trên thành bước thứ 4, còn bước thứ 4, 5 thành thứ 5, 6. Bởi nếu không, từ lúc bắt đầu đến lúc thi công phải mất 5 năm mới xong thủ tục.  

“Hiện nay theo quy trình nếu ra được thông báo tính tiền sử dụng đất có khi mất cả chục năm chưa xong. Một công trình thi công 2, 3 năm mới xong nên trong quá trình thi công dự án có thể thực hiện bước thẩm định để tính tiền sử dụng đất, cấp sổ đỏ cho dự án, sau đó DN hoàn công để cấp sổ đỏ cho người dân.

Nếu thực hiện được quy trình này sẽ hỗ trợ DN rất nhiều trong việc triển khai dự án, đưa sản phẩm ra ngoài thị trường, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân với giá thành tốt hơn”, ông Nghĩa nói. 

Liên quan đến tình trạng chậm tính tiền sử dụng đất dự án, ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Lê Thành cho rằng: Tình trạng chậm tính tiền sử dụng đất dự án cũng là vướng mắc chung mà các doanh nghiệp BĐS đang phải gánh chịu thiệt hại. Hiện các khách hàng mua nhà tại dự án đã nhiều lần cầu cứu các cơ quan chức năng để sớm cấp sổ đỏ nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. 

Trong văn bản đề xuất tháo gỡ các vướng mắc, hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi và phát triển, HoREA nhấn mạnh đề xuất phương án xử lý 158 dự án liên quan đến đất công.

Trong văn bản đề xuất tháo gỡ các vướng mắc, hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi và phát triển, HoREA nhấn mạnh đề xuất phương án xử lý 158 dự án liên quan đến đất công.

Các sở ngành phải xắn tay hỗ trợ doanh nghiệp

Kết thúc Hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, những vấn đề này nếu không được giải quyết kịp thời sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển của thị trường, gây khó khăn cho doanh nghiệp và làm giảm nguồn thu ngân sách. 

Ông Phong khẳng định, lãnh đạo TPHCM sẵn sàng lắng nghe và biến những ý kiến khả thi thành hành động để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, kết hợp với chương trình phát triển đô thị thông minh, phát triển khu đô thị sáng tạo phía Đông thành phố. Năm 2020, TP.HCM dự kiến ban hành chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp có số vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng để góp phần tạo nên hệ sinh thái hoàn chỉnh trên địa bàn, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.

"Thấy vất vả của doanh nghiệp trong ngành bất động sản chính là vất vả của bản thân mình, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của Thành phố. Nói như vậy, các doanh nghiệp gặp khó khăn, thì các sở ngành phải cùng chia sẻ”, Chủ tịch TP.HCM động viên các doanh nghiệp bất động sản.  

Những dự án

Những dự án "dính" đến đất công, đang bị Thanh tra... điển hình như của Tập đoàn Novaland dù doanh nghiệp có kiến nghị nhưng TP.HCM cũng "bó tay" vì chờ ý kiến Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Đồng thời, ông Phong yêu cầu các sở ngành tập trung trả lời rõ ràng những phản ánh thắc mắc của doanh nghiệp, hướng dẫn giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp để sớm triển khai dự án. Những vấn đề chưa thể trả lời trong hôm nay, thì đề nghị trong vòng 7 ngày làm việc phải có văn bản trả lời, hướng dẫn cụ thể. 

Vấn đề thuộc thẩm quyền của Trung ương, hoặc những vấn đề cần các giải pháp chỉ đạo, điều hành tổng thể của UBND Thành phố, ông Phong đề nghị Sở xây dựng tổng hợp đầy đủ, trên cơ sở đó có tham mưu Thành phố có văn bản báo cáo kiến nghị Chính Phủ và bộ, ngành. Ngoài ra, tham mưu cho UBND xây dựng các giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn. 

"Chỉ có chuyện trao đổi chỉ tiêu quy hoạch mà kéo dài gần 1 năm, chuyện đó giải quyết chỉ cần một tuần thôi. Tôi nói đây là sự phối hợp không đồng bộ giữa các sở để giải quyết nhu cầu của doanh nghiệp. Làm được hay không thì báo cho người ta biết. Doanh nghiệp rất khó khăn. Họ vay ngân hàng làm dự án mà thủ tục kéo dài như thế này càng khó khăn hơn", ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM bức xúc.

Thái Minh
Bạn đang đọc bài viết Tp.HCM hỗ trợ hay "làm khó" doanh nghiệp bất động sản? tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan