HoREA: Tp.HCM cần học cái sai của Bình Dương để "cứu" doanh nghiệp bất động sản

25/11/2019, 22:16

TCDN - Công ty Hoàng Nam được ông Trần Thanh Liêm Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương công nhận chủ đầu tư dự án Hoàng Nam 3 khi chưa có quỹ đất ở hợp pháp, HoREA kiến nghị Chủ tịch UBND TP.HCM nghiên cứu áp dụng cách làm “cầm đèn chạy trước ôtô” này để thị trường bất động sản phát triển.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong về việc “nghiên cứu trường hợp dự án Khu nhà ở thương mại Hoàng Nam 3 đã được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương giải quyết “rất nhanh” thủ tục công nhận chủ đầu tư” và cho rằng: Từ cách “vận dụng pháp luật” và “dám chịu trách nhiệm” của ông Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương như vậy có thể đề xuất áp dụng cách làm này vào TP.HCM được không?”

Trước đó, một số cơ quan báo chí phản ánh về trường hợp dự án Hoàng Nam 3 được Trần Thanh Liêm Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương “ưu ái” lạ thường. Những bài báo phản ánh đó có nêu: “Dự án Khu nhà ở thương mại Hoàng Nam 3 tại P.Đông Hòa, thị xã Dĩ An (Bình Dương) quy mô rất nhỏ, diện tích chỉ 4.660 m2 có nguồn gốc đất hỗn hợp, bao gồm khoảng hơn 2.000 m2 là đất ở, còn lại là đất nông nghiệp. Khu đất này do ông Hoàng Văn Tâm đứng tên “sổ đỏ”.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Ông Hoàng Văn Tâm cũng là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Hoàng Nam. Ngày 18/01/2019, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định công nhận chủ đầu tư dự án. Tại thời điểm này, Công ty Hoàng Nam chưa đứng tên “sổ đỏ” khu đất dự án này. Như vậy tại thời điểm này, theo quy định pháp luật, Công ty Hoàng Nam chưa có quỹ đất hợp pháp để lập dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở.

Ngày 04/03/2019, UBND thị xã Dĩ An phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng dự án Khu nhà ở Hoàng Nam 3. Tại thời điểm này, Công ty Hoàng Nam cũng chưa đứng tên “sổ đỏ” khu đất dự án, chưa có quỹ đất hợp pháp".

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương làm đúng và cần có mô hình nhân rộng ra tại TP.HCM. Chủ tịch HoREA nhấn mạnh: “Điểm nổi bật là tỉnh Bình Dương đã giải quyết rất nhanh thủ tục “công nhận chủ đầu tư”, “phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng” dự án Khu nhà ở Hoàng Nam 3, tạo cơ sở pháp lý để Công ty Hoàng Nam thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng tiếp theo.

Với cách làm trên, nếu các dự án nhà ở trên địa bàn tỉnh Bình Dương đều được giải quyết rất nhanh thủ tục đầu tư xây dựng, rút ngắn thời gian làm các thủ tục hành chính, thì các doanh nghiệp sẽ sớm triển khai thực hiện dự án, tăng nguồn cung nhà ở đáp ứng nhu cầu của người dân và tác động tích cực đến thị trường bất động sản.

"Nếu thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở đều được giải quyết nhanh, thì “phúc” cho thị trường bất động sản, cho các chủ đầu tư dự án và người mua nhà cũng được hưởng lợi, ngân sách nhà nước sẽ tăng thêm nguồn thu”, ông Châu nói.

Khu nhà ở thương mại Hoàng Nam 3 còn có tên thương mại là Louis Resident

Khu nhà ở thương mại Hoàng Nam 3 còn có tên thương mại là Louis Resident

Còn tại văn bản “Nghiên cứu trường hợp dự án Khu nhà ở thương mại Hoàng Nam 3 đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương giải quyết rất nhanh thủ tục công nhận chủ đầu tư; Có thể áp dụng cách làm này vào TP.HCM được không?” gửi UBND TP.HCM, HoREA khẳng định: “Rủi ro lớn nhất trong thực thi công vụ có thể xảy ra là tại thời điểm Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành “Quyết định công nhận chủ đầu tư”, thì “về lý”, Công ty Hoàng Nam chưa có quyền sử dụng đất hợp pháp đối với khu đất 4.660 m2.

Cách giải quyết này chưa đúng các quy định pháp luật hiện hành và chưa đảm bảo trình tự thủ tục hành chính chặt chẽ. Bởi lẽ, nếu ông Hoàng Văn Tâm đứng tên trên “sổ đỏ”, mà sau đó lại không chuyển nhượng khu đất 4.660 m2 cho Công ty Hoàng Nam để lập dự án Khu nhà ở Hoàng Nam 3, thì sẽ dẫn đến tình trạng “dự án ảo, dự án ma” do có “Quyết định công nhận chủ đầu tư” mà không có dự án.

Nhưng, do ông Hoàng Văn Tâm cũng đồng thời là Chủ tịch HĐTV Công ty Hoàng Nam nên khu đất này đã được ông chuyển nhượng cho Công ty để triển khai thực hiện dự án Khu nhà ở Hoàng Nam 3.

Từ thực tế này, cho thấy UBND tỉnh Bình Dương đã nắm bắt thông tin rất rõ về doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp và tình trạng pháp lý của khu đất dự kiến đầu tư. Do vậy, Hiệp hội nhận thấy yếu tố quan trọng và khác biệt của dự án nhà ở so với các dự án sản xuất kinh doanh khác, đó là đối với dự án nhà ở thì trước hết, doanh nghiệp phải có quỹ đất hợp pháp”.

Ông Trần Thanh Liêm Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - Người ưu ái ký duyệt dự án Công ty Hoàng Nam khi doanh nghiệp này chưa có quỹ đất hợp pháp để lập dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở

Ông Trần Thanh Liêm Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - Người ưu ái ký duyệt dự án Công ty Hoàng Nam khi doanh nghiệp này chưa có quỹ đất hợp pháp để lập dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở

Mặc dù biết việc Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương làm chưa đúng luật. “Cách giải quyết này chưa đúng các quy định pháp luật hiện hành và chưa đảm bảo trình tự thủ tục hành chính chặt chẽ”, trích từ văn bản của HoREA. Tuy nhiên, ông Châu vẫn muốn TP.HCM học theo cái sai trong giới hạn cho phép của Bình Dương để “cứu” các doanh nghiệp bất động sản.

Sau khi mong muốn TP.HCM “học” theo cách làm “cầm đèn chạy trước ôtô” của Chủ tịch tỉnh Bình Dương, HoREA nêu kiến nghị giải quyết nhanh thủ tục hành chính đối với 2 dự án tại TP.HCM, gồm: Dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên (Bình Chánh) của Công TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành và Dự án chung cư nhà ở xã hội Nam Lý tại số 91A Đỗ Xuân Hợp (Q.9) của Công ty CP Địa ốc Thảo Điền gần 10 năm chưa triển khai được. Phải chăng, ông Lê Hoàng Châu đang muốn giải cứu các doanh nghiệp “con cưng” của mình trong Hiệp hội HoREA?

Thái Minh
Bạn đang đọc bài viết HoREA: Tp.HCM cần học cái sai của Bình Dương để "cứu" doanh nghiệp bất động sản tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan