Gần 14.300 doanh nghiệp FDI báo lỗ hơn 168 nghìn tỷ đồng

06/01/2023, 15:38
báo nói -

TCDN - Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong năm 2021, số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) báo lỗ là 14.293 doanh nghiệp (chiếm 55% tổng số doanh nghiệp), tăng 11% so với năm 2020 với giá trị là 168.334 tỷ đồng.

Bộ Tài chính vừa có Báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2021 của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Theo Bộ Tài chính, số lượng doanh nghiệp FDI chi phối có dữ liệu báo cáo tài chính đầu đủ để phân tích là 26.013 doanh nghiệp (chiếm 91,8% trong 28.329 doanh nghiệp FDI chi phối).

Báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ, năm 2021, tình hình tài chính của doanh nghiệp FDI có sự tăng trưởng cụ thể: tổng tài sản là 8.857.187 tỷ đồng, tăng 1.025.139 tỷ đồng (tăng 13%) so với năm 2020; vốn chủ sở hữu là 3.640.86 tỷ đồng, tăng 358.258 tỷ đồng (tăng 12,3%) so với năm 2020; nợ phải trả là 5.261.313 tỷ đồng, tăng 666.872 tỷ đồng (tăng 14,7%) so với năm 2020.

Bộ Tài chính cho rằng quy mô tài sản mặc dù tăng nhưng tốc độ tăng của nợ phải trả cao hơn tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu cho thấy sự mở rộng của tài sản đến từ các khoản nợ nhiều hơn từ nguồn vốn của nhà đầu tư.

55% doanh nghiệp FDI thông báo lỗ năm 2021.

55% doanh nghiệp FDI thông báo lỗ năm 2021.

Về kết quả hoạt động kinh doanh năm 2021, doanh thu là 8.667.847 tỷ đồng, tăng 1.384.851 tỷ đồng (tăng 19%) so với năm 2020; lợi nhuận sau thuế là 366.222 tỷ đồng, tăng 83.585 tỷ đồng (tăng 9,3%) so với năm 2020. Doanh nghiệp FDI góp phần tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, số nộp ngân sách nhà nước có tốc độ tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận sau thuế cho thấy rằng mức đóng góp vào ngân sách nhà nước chưa thực sự tương xứng với mức đầu tư và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp FDI.

Một số lĩnh vực có tỷ trọng lớn và tốc độ tăng trưởng cao về vốn đầu tư: công nghiệp chế biến, chế tạo (tỷ trọng 77%, tăng trưởng 8%); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (tỷ trọng 5%, tăng trưởng 25%); hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ (tỷ trọng 6%, tăng trưởng 14%).

Về số nộp ngân sách nhà nước, lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn và tốc độ tăng trưởng cao là công nghiệp chế biến, chế tạo (tỷ trọng 66%, tăng trưởng 7%), bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác (tỷ trọng 8%, tăng trưởng 13%); hoạt động kinh doanh bất động sản (tỷ trọng 8%, tăng trưởng 6%).

Bộ Tài chính cho rằng, những con số trên cho thấy lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có ảnh hưởng trọng yếu tới nền kinh tế với sức tăng trưởng khá đồng đều ở cả chỉ tiêu vốn chủ sở hữu và số nộp ngân sách nhà nước. Tuy vậy, một số lĩnh vực khác cũng có mức ảnh hưởng lớn đến vốn chủ sở hữu nhưng chưa hẳn đã là lĩnh vực có đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước.

Đáng chú ý, trong năm 2021, số doanh nghiệp báo lỗ là 14.293 doanh nghiệp (chiếm 55% tổng số doanh nghiệp), tăng 11% so với năm 2020 với giá trị là 168.334 tỷ đồng. Số doanh nghiệp lỗ lũy kế là 16.258 doanh nghiệp (chiếm 62% tổng số doanh nghiệp); tăng 8% so với năm 2020 với giá trị là 706.146 tỷ đồng. Số doanh nghiệp lỗ mất vốn chủ sở hữu là 4.402 doanh nghiệp (chiếm 17%), tăng 15% so với năm 2020 với giá trị là 162.233 tỷ đồng.

"Tỷ trọng doanh nghiệp lỗ, lỗ lũy kế lớn hơn doanh nghiệp báo lãi và có tốc độ tăng khá cao so với năm 2020 cho thấy việc sử dụng tài sản, vốn đầu tư của một bộ phận lớn các doanh nghiệp FDI chưa đạt hiệu quả, chưa phát huy được tiềm lực của mình. Như vậy cần phải thu hút có chọn lọc, đánh giá hiệu quả đầu tư để nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam", báo cáo Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Về địa bàn đầu tư, khu vực thu hút nguồn vốn FDI tập trung chủ yếu tại các vùng có điều kiện thuận lợi như vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Hồng và một số tỉnh thành phố lớn, có trình độ phát triển kinh tế - xã hội cao như Tp.HCM (1.739.622 tỷ đồng), Hà Nội (916.846 tỷ đồng), Bình Dương (687.674 tỷ đồng), Hải Phòng (533.641 tỷ đồng),… Các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn chưa thực sự hấp dẫn vốn đầu tư FDI như Điện Biên (15 tỷ đồng); Hà Giang (18 tỷ đồng); Kon Tum (158 tỷ đồng), Bắc Kạn (269 tỷ đồng),… dẫn đến tình trạng phát triển không đồng đều giữa các vùng và địa phương. Do đó, các địa phương, đặc biệt là các địa phương chưa thu hút được nhiều dự án của nhà đầu tư nước ngoài cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương.

Các sản phẩm xuất khẩu với giá trị xuất siêu là hàng dệt may (20,54 tỷ USD); giày dép các loại (14,52 tỷ USD); phương tiện vận tải và phụ tùng (8,98 tỷ USD); đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận (2,79 tỷ USD),… chủ yếu là sản phẩm thâm dụng nhiều lao động với nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất chiếm tỷ trọng cao. Việc doanh nghiệp FDI chủ yếu tập trung ở công đoạn đơn giản, khâu lắp ráp cuối của chuỗi, dẫn đến mức chuyển giao công nghệ hạn chế, tỷ lệ nội địa hóa thấp.

Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách ưu đãi đầu tư theo quy mô dự án đầu tư và theo địa bàn kinh tế - xã hội phù hợp với quan điểm chỉ đạo “Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu” theo Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong việc thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao (quy mô dự án, trình độ công nghệ, tiêu chuẩn môi trường, nghiên cứu và phát triển…) đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài nhằm thu hút đầu tư có chọn lọc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Thanh Phương
Bạn đang đọc bài viết Gần 14.300 doanh nghiệp FDI báo lỗ hơn 168 nghìn tỷ đồng tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Doanh nghiệp FDI xuất siêu gần 25 tỷ USD trong 8 tháng
Theo Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 346,32 tỷ USD, tăng 16,2% (tương ứng tăng 48,24 tỷ USD), trong đó trị giá xuất khẩu gần 185,44 tỷ USD, tăng 18,2%, trị giá nhập khẩu đạt 160,89 tỷ USD, tăng 13,9%.
Một doanh nghiệp FDI thưởng tết 260 triệu đồng/người
Theo thông tin từ Sở Lao động-Thương Binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến giữa tháng 12/2022, toàn tỉnh có hơn 100 doanh nghiệp báo cáo kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán Quý Mão. Trong đó 1 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có mức thưởng cao nhất lên tới 260 triệu đồng/người.
Báo cáo tài chính năm 2020 của doanh nghiệp FDI
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển đầu tư, chuyển giao công nghệ và quản trị tốt ở Việt Nam. Đóng góp đối với NSNN của khối này năm 2020 là 206.088 tỷ đồng (giảm 2,88% so với năm 2019).
Doanh nghiệp FDI: Chuyện lỗ lãi, chuyển giá, trốn thuế
Doanh nghiệp FDI đang đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn 206 nghìn tỷ đồng trong năm 2020. Tuy nhiên, doanh nghiệp FDI vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro như chuyển giá, trốn thuế gây thất thoát, thiệt hại ngân sách nhà nước.