Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn 206 nghìn tỷ đồng trong năm 2020. Tuy nhiên, doanh nghiệp FDI vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro như chuyển giá, trốn thuế gây thất thoát, thiệt hại ngân sách nhà nước.

Theo báo cáo Kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2020 của các doanh nghiệp FDI của Bộ Tài chính, khu vực kinh tế FDI được định hướng là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế. Theo đó, doanh nghiệp FDI đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển đầu tư, chuyển giao công nghệ và quản trị tốt ở Việt Nam.

Đóng góp đối với ngân sách nhà nước của khối này năm 2020 là 206.088 tỷ đồng (giảm 2,88% so với năm 2019). Trong đó, dẫn đầu đối với số nộp ngân sách nhà nước năm 2020 là Hồ Chí Minh, tiếp theo là Hà Nội và Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu,...

Nguồn vốn của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam trong các năm qua chủ yếu đến từ các quốc gia châu Á như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc...; châu Âu như: Vương Quốc Anh, Pháp, Đức và một số ít các dự án còn lại đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ khác.

Năm 2020, mặc dù ảnh hưởng tác động tiêu cực đại dịch Covid 19, vốn đầu tư của chủ sở hữu vẫn đạt 2.353.992 tỷ đồng, tăng 250.874 tỷ đồng (tăng 11,93%) nhưng tốc độ tăng trưởng năm 2020 giảm nhẹ 2,4% so với tốc độ tăng trưởng năm 2019. Doanh thu năm 2020 tăng 4,8% so với năm 2019, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng doanh thu toàn khối giảm mạnh từ 11,2% xuống 4,8%. Lợi nhuận trước thuế toàn khối tăng 10,08% so với năm 2019.

Title-01

Về vốn chủ sở hữu, tính đến thời điểm 31/12/2020 đạt 3.496.672 tỷ đồng, tăng 386.275 tỷ đồng, tương đương 12,4% so với năm 2019. Trong đó, vốn đầu tư của chủ sở hữu (vốn điều lệ) là 2.353.992 tỷ đồng, tăng 250.874 tỷ đồng, tương đương 11,93%. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 978.700 tỷ đồng tăng 133.121 tỷ đồng tương đương 15,74%.

Đến hết năm 2020, có 4.250 doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu âm, chiếm 16,9% số lượng doanh nghiệp có báo cáo; giá trị vốn chủ sở hữu âm là 141.274 tỷ đồng, chiếm 4,04% tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp có báo cáo. Trong đó, số doanh nghiệp lỗ mất vốn chủ sở hữu nhiều nhất là nhóm ngành “Thương mại bán buôn, bán lẻ” 846 doanh nghiệp, tăng 209 doanh nghiệp so với năm 2019; tiếp theo là nhóm ngành "Dịch vụ khác" 747 doanh nghiệp, tăng 151 doanh nghiệp; "Dệt may, da giầy" 389 doanh nghiệp, tăng 49 doanh nghiệp,... tập trung nhiều nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh (1.992 DN), Hà Nội (749 DN), Bình Dương (322 DN), Bắc Ninh (149 DN).

Về nợ phải trả, tính đến thời điểm 31/12/2020 là 5.410.268 tỷ đồng, tăng 697.624,72 tỷ đồng, tăng tương đương 14,8% so với năm 2019.

Xét theo địa phương, các tỉnh, thành phố có giá trị nợ phải trả cao nhất là: Hồ Chí Minh là 1.530.368 tỷ đồng, chiếm 28%; tiếp đến là Hà Nội là 816.460 tỷ đồng, chiếm 15%; Bình Dương là 390.020 tỷ đồng, chiếm 7%; Bắc Ninh là 320.625 tỷ đồng, chiếm 6% và Đồng Nai là 296.032 tỷ đồng, chiếm 5%. Các tỉnh có mức biến động nợ phải trả lớn so với năm 2019 là: Bắc Kạn tăng 206,27%, Gia Lai tăng 141,85%, Nghệ An tăng 132,49%, Cà Mau tăng 130,4%, Hà Giang tăng 87,87%.

Xét theo lĩnh vực, nhóm ngành “Hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán” có giá trị nợ phải trả cao nhất là 1.422.206 tỷ đồng, chiếm 26,3%, tiếp theo là nhóm ngành“Linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị ngoại vi máy vi tính, thiết bị quang học” 629.280 tỷ đồng, chiếm 11,6%; “Dệt, may, da giày” 405.741 tỷ đồng, chiếm 7,5%; “Cơ khí, chế tạo máy, đóng tàu” 316.607 tỷ đồng, chiếm 5,9%....

Nhóm ngành có biến động nợ phải trả so với năm 2019 lớn nhất là “Hoạt động kinh doanh Bất động sản” tăng 227,21%, mặc dù vậy, hệ số nợ tổng quát của lĩnh vực này vẫn ở mức 0,53 do tổng tài sản của lĩnh vực này có giá trị gấp khoảng 2 lần giá trị của nợ phải trả và có tốc độ tăng trưởng tài sản là 76,59% so với năm 2019. Tiếp theo là “Đồ điện tử, điện gia dụng” tăng 96,83%; “Viễn thông, phần mềm” tăng 36,1%; “Dịch vụ hỗ trợ kinh doanh” tăng 34,66%; “Vận tải kho bãi” tăng 32,05%.

Năm 2020, hầu hết các địa phương đều có giá trị tài sản tăng trưởng dương. Tổng giá trị tài sản tại thời điểm cuối năm 2020 là 8.907.030 tỷ đồng, tăng 1.083.920 tỷ đồng về giá trị (13,9%) so với năm 2019. Trong đó, tài sản ngắn hạn tăng 698.552 tỷ đồng (21%), tài sản dài hạn tăng 224.438 tỷ đồng, (6,8%).

Empty
Title-02

Quy mô doanh thu của doanh nghiệp FDI năm 2020 đạt 7.523.760 tỷ đồng, tăng thêm 344.765 tỷ đồng, tương đương 4,8% so với năm 2019 cho thấy về tổng thể khối này vẫn có sự tăng trưởng về doanh thu mặc dù vĩ mô chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực do chiến tranh thương mại và đại dịch Covid 19. Tuy nhiên, một số nhóm ngành chịu ảnh hưởng và có sự sụt giảm lớn như: Du lịch, kinh doanh khách sạn, dịch vụ lưu trú và ăn uống,…

Bieudo2-07
Title-03

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lợi nhuận trước thuế năm 2020 của các doanh nghiệp FDI đạt 406.585 tỷ đồng, tăng 37.245 tỷ đồng, tương đương 10,08% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế đạt 341.786 tỷ đồng, tăng 35.652 tỷ đồng, tương đương 11,65% so với năm 2019.

Bieudo3-08

Tỷ suất lợi nhuận ròng trên doanh thu (ROS) của doanh nghiệp FDI năm 2020 là 4,54%, tăng nhẹ so với mức 4,26% của năm 2019 cho thấy khả năng sinh lời của doanh thu của khối doanh nghiệp FDI được cải thiện.

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân toàn khối năm 2020 là 9,77% giảm so với mức 9,84% của năm 2019 cho thấy lợi nhuận trên 1 đồng vốn chủ sở hữu bỏ ra của toàn khối có sự giảm sút.

Tỷ suất lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA) của doanh nghiệp FDI năm 2020 là 3,84%, giảm so với mức 3,91% của năm 2019.

Trong tổng số 25.171 doanh nghiệp FDI chi phối vốn có 22.598 doanh nghiệp FDI do Sở Tài chính cung cấp có thông tin về quốc gia, vùng lãnh thổ của nhà đầu tư. Trong đó, 21.712 doanh nghiệp tập trung ở 30 quốc gia, vùng lãnh thổ có đăng ký vốn đầu tư lớn nhất.

Nhóm doanh nghiệp FDI của các nhà đầu tư đến từ châu Âu (Síp, Luxembourg, Hà Lan, Pháp, CHLB Đức) có chỉ số ROE ở mức cao. Xét về mức độ hài hòa giữa cả ba chỉ số ROE, ROA và ROS thì Hà Lan dẫn đầu với lần lượt các chỉ số là 29,9%, 15,5% và 10,51%. Tiếp theo là Pháp, Đức... Síp có mức ROE cao nhất 83,2% tuy nhiên ROA (-3,8%) và ROS (-1,86%) cho thấy hiệu quả sinh lợi trên tài sản và doanh thu không tốt.

Bieudo4-09
Title-04

Số thu nội địa (không kể dầu thô) của khu vực doanh nghiệp FDI năm 2020 là 206.088 tỷ đồng, giảm 6.111 tỷ đồng so với năm 2019; đây là năm đầu tiên trong giai đoạn 2016 – 2020 ghi nhận số thu nộp nộp ngân sách nhà nước của khối doanh nghiệp FDI giảm so với năm trước đó.

Theo Bộ Tài chính, số thu nội địa (không kể dầu thô) của khu vực doanh nghiệp FDI năm 2020 là số nộp vào ngân sách nhà nước của các sắc thuế và khoản thu sau: thuế GTGT, thuế TTĐB, thuế TNDN, thuế tài nguyên, thu từ khí thiên nhiên, khí than theo Hiệp định, hợp đồng. Số thu nội địa (không kể dầu thô) trên là số được đóng góp từ: 25.171 doanh nghiệp có BCTC năm 2020, doanh nghiệp chậm nộp/không nộp BCTC năm 2020 cho cơ quan quản lý thuế, nhà thầu nước ngoài.

Ngoài ra, nguồn thu ngân sách nhà nước từ khu vực doanh nghiệp FDI còn đến từ việc thanh tra, kiểm tra thuế. Theo số liệu báo cáo Kết quả thanh tra, kiểm tra 516 doanh nghiệp có giao dịch liên kết trong năm 2020 của Tổng cục Thuế (trong đó có 311 doanh nghiệp FDI), theo đó số phát sinh tăng thu ngân sách qua thanh tra, kiểm tra của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết như sau: Truy thu, truy hoàn và phạt với số tiền là 1.008,15 tỷ đồng; giảm lỗ 13.653,40 tỷ đồng; giảm khấu trừ 29,74 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 6.839,9 tỷ đồng.

Tình hình nộp ngân sách nhà nước

Bieudo5-10
Bieudo6-11
Bieudo7-12
Title-05

Bộ Tài chính đánh giá, mặc dù doanh thu và lợi nhuận trước thuế vẫn có sự tăng trưởng qua các năm nhưng tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ, doanh nghiệp lỗ lũy kế, doanh nghiệp lỗ mất vốn vẫn không có dấu hiệu chuyển biến tích cực cho thấy vẫn tồn tại hiện tượng chuyển giá, trốn thuế gây thất thoát, thiệt hại nguồn thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và sự cạnh tranh lành mạnh.

Đặc biệt khi Chính phủ thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh như: giãn cách xã hội, tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, hạn chế các chuyến bay nội địa,… đã tác động tiêu cực đến doanh thu và lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp khiến đóng góp ngân sách nhà nước suy giảm đáng kể.

Nhóm có lợi nhuận trước thuế giảm sụt mạnh bao gồm: "Du lịch, kinh doanh khách sạn, dịch vụ lưu trú và ăn uống" giảm 203,22%; "Hoạt động kinh doanh Bất động sản" giảm 100,63%; "Sản xuất sản phẩm hoá dược, dược liệu và thiết bị y tế" giảm 49,63%... Một số nhóm ngành trong hai năm liền báo cáo lỗ gồm: "Sản xuất sắt, thép và kim loại khác"; "Dầu khí, xăng dầu, nhiên liệu khí và sản phẩm hoá dầu"; "Viễn thông, phần mềm".

Coca-Cola VN từng bị cơ quan thuế yêu cầu nộp vào ngân sách hơn 821 tỉ đồng tiền truy thu thuế và phạt chậm nộp

Coca-Cola VN từng bị cơ quan thuế yêu cầu nộp vào ngân sách hơn 821 tỉ đồng tiền truy thu thuế và phạt chậm nộp

Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ và chính sách phù hợp tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với nhóm ngành gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid 19 như "Du lịch, kinh doanh khách sạn, dịch vụ lưu trú và ăn uống". Thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái “bình thường mới” nhằm ngăn chặn sự gián đoạn chuỗi cung ứng, giữ chân các dòng vốn, khuyến khích mở rộng đầu tư và thu hút có chọn lọc nguồn vốn của doanh nghiệp FDI để mang lại hiệu quả cho nền kinh tế Việt Nam.

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thận trọng về chính sách ưu đãi đầu tư theo quy mô dự án đầu tư và theo địa bàn kinh tế - xã hội, chú ý các nhóm ngành có khả năng sinh lợi tốt, hiệu quả, phù hợp với quan điểm chỉ đạo "Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu" theo Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Bộ Tài chính nhận định, triển vọng kinh tế trong nước thời gian tới còn nhiều yếu tố rủi ro, thách thức; kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng phục hồi trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến hết sức phức tạp.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tổng kết, đánh giá việc thực hiện các giải pháp đã ban hành thời gian qua, bám sát diễn biễn thực tế và điều kiện của ngân sách để nghiên cứu, đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho phù hợp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp người dân chịu tác động của dịch bệnh Covid-19.

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về chống chuyển giá, trốn thuế làm giảm nghĩa vụ thuế phải nộp tại Việt Nam, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp liên kết và giao dịch liên kết.

Thanh Phương