Gần 30% nhà máy mía đường nội địa đóng cửa vì đường nhập lậu

02/12/2020, 06:56

TCDN - Hiệp hội Mía Đường Việt Nam cho biết, cả nước trước đây có 40 nhà máy mía đường, nhưng đến niên vụ 2019-2020 chỉ còn 29 nhà máy hoạt động, giảm 27,5%. Nguyên nhân chính được đưa ra là do việc phá giá của đường nhập lậu từ một số nước như Thái Lan.

Tại Hội thảo “Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 1/12, ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết cả nước trước đây có 40 nhà máy mía đường, nhưng đến niên vụ 2019-2020 chỉ còn 29 nhà máy hoạt động, giảm 27,5%.

Niên vụ 2020-2021 được dự báo tiếp tục là một năm khó khăn với ngành mía đường. Dự kiến có thêm 4 nhà máy gồm Sơn Dương, Nông Cống, Vạn Phát và Phổ Phong phải đóng cửa do không đảm bảo nguồn nguyên liệu, hoạt động không hiệu quả.

Đường ngoại giá rẻ được nhập ồ ạt về khiến nhiều doanh nghiệp mía đường Việt Nam có nguy cơ phá sản.

Đường ngoại giá rẻ được nhập ồ ạt về khiến nhiều doanh nghiệp mía đường Việt Nam có nguy cơ phá sản.

Các nước sản xuất mía đường khác trong ASEAN gồm Thái Lan, Philippines và Indonesia dù đã hoàn thành việc thực thi cam kết ATIGA từ năm 2010 và 2015, thực tế vẫn đóng vai trò quyết định trong việc trợ giá, bảo vệ chặt chẽ thị trường nội địa, không để đường nhập khẩu giá rẻ được tự do tiêu thụ trong nước.

Tuy dỡ bỏ hàng rào thuế quan và hạn ngạch như cam kết, chính phủ Thái Lan vẫn không cho phép nhập khẩu đường. Còn Indonesia và Philippines chỉ cho phép nhập tương ứng sản lượng thiếu hụt trong nước và đường nhập khẩu chỉ được đưa vào thị trường sau khi đã kết thúc vụ ép mía.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng của năm 2020, sau khi trừ đi lượng đường đã xuất theo loại hình sản xuất xuất khẩu, số lượng đường nhập khẩu vào thị trường trong nước lên đến 884.285 tấn, còn lớn hơn cả lượng đường sản xuất từ mía trong nước.

Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan chiếm tỉ lệ 87,67%. Ngoài ra, lượng đường nhập khẩu từ các nước Malaysia, Campuchia, Indonesia, Myanma cũng tăng mạnh...

Dưới tác động của “dòng thác” đường giá rẻ, nhập lậu tràn vào thị trường trong nước, giá đường nội địa đã giảm xuống mức rất thấp, khiến cho giá mía của Việt Nam cũng rất thấp. Từ đó kéo giá mía giảm theo, khiến nhiều nông dân lâm vào cảnh nợ nần, phải bỏ ruộng mía vì càng đầu tư càng lỗ.

Cũng theo vị đại diện này, hiệp hội có đầy đủ cơ sở dữ liệu để xác định đường nhập khẩu có nguồn gốc từ Thái Lan là đường phá giá và được trợ cấp để bán phá giá ra thị trường nước ngoài (theo các định nghĩa của quy tắc thương mại của WTO).

Đồng thời, đơn vị có bằng chứng về việc đường nhập khẩu bán phá giá gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước, cũng như có mối quan hệ nhân quả giữa hàng hóa nhập khẩu bán phá giá và thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước.

Thực tế, trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của các doanh nghiệp đại diện ngành, lần lượt trong tháng 6 và tháng 9 vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ bột ngô của Trung Quốc, Hàn Quốc và đường mía Thái Lan.

Đại diện Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết các vụ việc vẫn đang tiến hành điều tra và sẽ áp dụng những hàng rào kỹ thuật phù hợp với thông lệ quốc tế để đảm bảo cạnh tranh cho ngành đường mía trong nước.

An Tú
Bạn đang đọc bài viết Gần 30% nhà máy mía đường nội địa đóng cửa vì đường nhập lậu tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan