Giá lương thực toàn cầu đã giảm bất chấp lạm phát

24/08/2022, 09:23
báo nói -

TCDN - 6 tháng từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, lạm phát đang phá huỷ các nền kinh tế, nhưng giá lương thực quan trọng đã quay lại mức bình thường.

Giá ngũ cốc và dầu - những thực phẩm chủ yếu của chế độ ăn kiêng trên khắp thế giới - đã trở lại mức trước khi xung đột bắt đầu.

Nga và Ukraine là những cường quốc về nông nghiệp và là các nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất và lớn thứ năm trên thế giới, đồng thời là 2 nước xuất khẩu dầu hướng dương lớn nhất thế giới. Do đó, giá lương thực đã tăng cao trong tháng 2 và tháng 3 do giới đầu tư lo ngại rằng xuất khẩu sẽ gián đoạn do xung đột, nhưng điều đáng lo ngại thực sự là tình trạng thiếu hụt sẽ kéo dài, làm giảm nguồn dự trữ ngũ cốc và gây ra nạn đói hàng loạt.

Kịch bản tiêu cực đó dường như đã không xảy ra. Tuần trước, giá lúa mì tương lai tại Chicago giao tháng 12 đã giảm xuống còn 7,70 USD/giạ, thấp hơn nhiều so với mức 12,79 USD/giạ trong 3 tháng trước đó. Giá ngô cũng trở lại mức trước khi xung đột nổ ra. Trong khi đó, dầu cọ đã giảm xuống mức giá thấp hơn so với trước xung đột.

luong thuc

Thỏa thuận các bên ký kết vào tháng 7 do Liên Hợp Quốc làm trung gian cho phép các tàu chở ngũ cốc của Ukraine rời cảng Odessa là một trong những nguyên nhân khiến giá ngũ cốc giảm.

Ngoài ra, nhiều người đã nhận thấy năng lực xuất khẩu lúa mì của Nga là cứu tinh đối với giá lương thực. Bộ Nông nghiệp Mỹ gợi ý rằng, các trang trại của Nga có thể xuất khẩu kỷ lục 38 triệu tấn trong năm 2022-2023, nhiều hơn khoảng 2 triệu tấn so với năm trước đó, nếu hoạt động giao thương của họ không gián đoạn. Một vụ thu hoạch bội thu đang diễn ra, một phần do thời tiết tốt vào đầu năm và nhu cầu mạnh từ các nhà nhập khẩu truyền thống ở Bắc Phi, Trung Đông và châu Á.

Rất có thể mối lo về nguy cơ thiếu lúa mì đã được phóng đại ngay từ đầu. Chiến lược gia Charles Robertson của ngân hàng đầu tư Renaissance Capital phát biểu: “Dự trữ lúa mì toàn cầu đang ở mức rất cao”.

Đà giảm giá lương thực sẽ không gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng ngay lập tức. Giá lúa mì và các loại ngũ cốc khác đã trở lại mức trước khi xung đột Nga-Ukraine khi được định giá bằng USD, nhưng không phải bằng nhiều loại tiền tệ khác.

USD đã tăng giá mạnh trong năm nay do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất nhanh hơn, khiến một số nền kinh tế thị trường mới nổi gặp khó khăn. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm 26% so với USD trong năm nay và đồng bảng Ai Cập giảm 18%. Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập thuộc nhóm 3 quốc gia nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới.

Xét theo tiêu chuẩn lịch sử, giá lương thực đã ở mức rất cao ngay cả trước khi xung đột nổ ra, và không ai dám đảm bảo rằng chúng sẽ không tăng trở lại.

Hạn hán trên khắp thế giới sẽ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Trong khi đó, phân bón vẫn vô cùng đắt. Urê, một hợp chất được sử dụng trong sản xuất nitơ, hiện đang ở mức 680 USD/tấn - giảm từ 955 USD/tấn vào giữa tháng 4, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với 400 USD/tấn vào một năm trước. Thực tế ấy phản ánh sự tăng vọt của giá khí đốt tự nhiên, một thành phần trong nhiều loại phân bón.

Với việc giá nhiên liệu ở châu Âu tiếp tục đạt mức cao kỷ lục, có thể nhiều sự kiện bất ngờ và tiêu cực có thể xảy ra trong thời gian tới.

Tùng Lâm/theo Yahoo News
Bạn đang đọc bài viết Giá lương thực toàn cầu đã giảm bất chấp lạm phát tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan