Bữa ăn sáng toàn cầu đắt hơn do đà tăng giá lương thực
TCDN - Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đang đẩy giá lương thực để chế biến bữa ăn sáng, nâng nguy cơ lạm phát toàn cầu lên tầm cao mới.
Giá hợp đồng tương lai của cà phê, sữa, đường, lúa mỳ, yến mạch, nước cam đã tăng trung bình 28% so với năm 2019 trên thị trường giao dịch Mỹ. Với một bộ phận người dân, việc thêm thịt lợn vào danh sách kia sẽ đẩy giá trung bình bữa sáng lên 32%.
Chi phí nguyên liệu thô, theo giới phân tích, chỉ chiếm một phần trong tổng giá của sản phẩm tại siêu thị hoặc nhà hàng. Nhưng có thể doanh nghiệp đã chuyển một phần chi phí tăng thêm sang người tiêu dùng.
Vài tháng qua, một loạt nhà sản xuất thực phẩm như Nestlé (Thuỵ Sỹ), Anglo-Dutch Unilever đã thông báo nâng giá sản phẩm khi giá lương thực đầu vào tăng. Giá lương thực leo thang đã trở thành vấn đề chính trị ở một số nước đang phát triển như Ethiopia và Nigeria, đồng thời tác động đến giá tiêu dùng ở các nước phát triển.
"Lạm phát giá lương thực đang diễn ra ở nhiều thị trường", Abdolreza Abbassian, nhà kinh tế cấp cao tại FAO, phát biểu. Chỉ số giá lương thực của FAO (theo dõi thay đổi giá cả hàng tháng của 5 loại thực phẩm chính trên thị trường quốc tế) hồi tháng 4 đã đạt mức cao nhất trong một thập kỷ.
Nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc, chính phủ các nước tăng dự trữ ngũ cốc kể từ khi bùng phát COVID-19 và thời tiết khô hạn ở các nước chủ chốt xuất khẩu ngũ cốc đều góp phần đẩy giá nông sản tăng.
Giá lúa mỳ tăng 16% từ đầu năm ngoái trong khi giá ngô tăng hơn 60%. Giá ngô tăng vì nhu cầu mua của Trung Quốc - yếu tố khiến giá các loại ngũ cốc thay thế, bao gồm lúa mỳ, tăng theo. Giá bơ cũng tăng cao.
Carlos Mera, nhà phân tích của Rabobank, nhận định xu hướng tích trữ hàng hoá hồi đầu năm ngoái khi đại dịch xuất hiện đã giảm. Tuy nhiên, nhu cầu về dự trữ hàng tồn kho vẫn mạnh mẽ.
Uỷ ban châu Âu nhận xét, giá xuất khẩu toàn cầu đã tăng một phần ba trong năm 2020. Đối với các nước nhập khẩu lượng lớn thực phẩm, như Ai Cập và Pakistan, chi phí vận chuyển tăng mạnh đã khiến nguyên liệu tăng giá. Chỉ số Baltic Dry (chỉ số thuê tàu hàng khô Baltic, được công bố hàng ngày để đánh giá mức phí thuê tàu chở các mặt hàng nguyên liệu thô như ngũ cốc, quặng sắt, than...) đã đạt mức cao nhất trong hơn 10 năm qua, do nhu cầu hàng hoá cao đột biến và tử huyệt trong vận chuyển vì COVID-19.
Quá trình tắc nghẽn khi vận chuyển đã hạn chế nguồn cung hạt cà phê khiến chi phí của các nhà máy sản xuất, các quán cà phê tăng. Giá hợp đồng tương lai cà phê Arabica đang ở mức cao nhất trong 4 năm khi mà Brazil, nơi cung cấp lớn nhất thế giới, phải siết chặt nguồn cung vì hạn hán.
Hợp đồng tương lai sữa cũng biến động trong 18 tháng qua. Hiện tại, sữa có giá cao hơn 12% so với mức trung bình năm 2019. Nhu cầu về sữa của Trung Quốc rất mạnh trong năm qua, theo John Lancaster, một chuyên gia củ công ty môi giới hàng hoá StoneX. Đầu tuần này, nhà xuất khẩu sữa lớn nhất thế giới, Fonterra (New Zealand) dự báo giá sữa có thể đạt mức kỷ lục trong năm tới.
Hợp đồng tương lai của đường cũng tăng 25% kể từ đầu năm 2020, trong khi giá nước cam tăng 20% so với cùng kỳ. Giá dầu thực vật cao hơn cũng có thể khiến các món chiên rán đắt hơn. Giá dầu đậu nành tăng 90% kể từ đầu năm ngoái trong khi hạt đậu nành tăng gần 60%.
Ở các nước đang phát triển, sự tăng giá thực phẩm sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn. Theo World Bank, người nghèo cùng cực là nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Số lượng người chịu ảnh hưởng đã tăng lên khoảng 90 triệu người trong đại dịch.
Hợp đồng giá ngô tương lai dùng để chế biến pap – loại cháo ngô phổ biến ở nhiều vùng châu Phi đã tăng 16% trên sàn giao dịch Nam Phi trong 18 tháng qua. Với gạo, nguyên liệu chính trong các bữa ăn ở nhiều nước châu Á, đã tăng hơn 30%.
"Nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi không phải là bữa sáng hôm nay mà là bữa sáng ngày mai", Abbassian thổ lộ.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899